Tại Sao Chúng Ta Sống Mà Chẳng Có Kế Hoạch Nào Cho Tương Lai?

Khi một việc cần làm bị trì hoãn, bạn đang tự chất gánh nặng lên tương lai của chính mình.

ke-hoach-cho-tuong-lai

*Bài viết của Susannah Locke, cô là một nhà thần kinh học, phóng viên khoa học tại Vox.com

Mặc dù đã ngoài 30 tuổi, nhưng tôi vẫn chưa bắt đầu được kế hoạch tiết kiệm để nghỉ hưu, điều mà lẽ ra tôi nên làm sớm nhất khi có thể. Thậm chí, hơn một năm làm việc tại Vox.com rồi, tôi vẫn chưa thực hiện được bước đầu tiên trong thủ tục tiết kiệm hưu trí 401 (k) ở đây.

Nhưng tôi không phải người duy nhất như vậy. Ngoài kia còn rất nhiều người nữa cũng gặp vấn đề trong việc lên kế hoạch cho tương lai mình: Tiết kiệm để nghỉ hưu, làm thủ tục 401 (k), tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Chúng ta vẫn biết rằng mình nên làm những điều đó. Nhưng chúng ta cứ trì hoãn. Tại sao vậy?

Gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra được một giả thuyết, giải thích tại sao một số người không thể có kế hoạch dài hạn cho tương lai của chính mình. Giả thuyết này tìm ra được điểm chung giữa những người này, rằng họ đều xem bản thể của mình trong tương lai như một người xa lạ, tách biệt và không liền lạc với bản thân họ hiện tại.

Thực tế, bạn càng coi bản thân mình trong tương lai là một thực thể tách rời với nó ở hiện tại, bạn càng có nhiều khả năng trì hoãn những việc phải làm, những thứ sẽ có lợi cho bạn trong lâu dài, ví dụ như tiết kiệm để nghỉ hưu.

Tin tốt là gì? Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra những mẹo giúp chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với bản thể của chính mình trong tương lai. Và điều này có thể giúp bạn lên kế hoạch tốt hơn.

Chúng ta đang đối xử với bản thể tương lai của mình như những người lạ mặt

Hầu hết mọi người không cảm thấy liền mạch với chính bản thể trong tương lai của mình. Họ bỏ mặc mọi thứ – từ chuyện tiết kiệm tiền hưu trí cho tới tập thể dục. Bởi vì bằng cách này hay cách khác, họ luôn nghĩ rằng “người đó” sau này sẽ quán xuyến mọi chuyện giúp họ bây giờ.

Bất cứ khi nào trì hoãn một việc, là chúng ta đang tự chất gánh nặng lên chính bản thân mình trong tương lai, Fuschia Sirois, nhà tâm lý học tại Đại học Sheffield nói. “Tôi của ngày mai sẽ có nhiều năng lượng hơn, hoặc tôi của tuần sau sẽ có nhiều thời gian hơn“, mọi người vẫn hay nghĩ như vậy.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, bản thân họ trong tương lai thực sự cũng vẫn mệt mỏi và bận rộn (hay là thèm bánh sô cô la) như là bản thân họ ngày hôm nay thôi.

Vậy đấy, chúng ta vẫn hành xử như thể sau này mình có phép màu để làm được mọi thứ, mặc cho thực tế là, chúng ta đã thất bại với những mục tiêu ấy hết lần này đến lần khác trong quá khứ đến hiện tại.

Nhà tâm lý học Emily Pronin tại Đại học Princeton từng làm một thí nghiệm kỳ quặc để chứng minh sự khác biệt, giữa cách mà con người đối xử với bản thân ở hiện tại và chính họ trong tương lai. Cô đã tuyển chọn một số sinh viên và nói rằng tất cả sẽ cùng tham gia vào một nghiên cứu có vẻ ghê tởm mà chẳng ai muốn làm cả.

Tình nguyện viên được yêu cầu uống một lượng chất lỏng ngậy ngậy. Kết quả là những người đăng ký uống ngay ngày hôm đó đã tình nguyện tiêu thụ trung bình 2 muỗng canh. Còn những người đăng ký uống trong tương lai, cụ thể là học kỳ tiếp theo, đã tình nguyện uống tới nửa chén (tương đương 8 muỗng canh, gấp 4 lần chừng đó). Họ đã rất vui khi để bản thân mình trong tương lai phải hứng chịu, chứ không phải bản thân họ ở hiện tại.

Bất cứ khi nào trì hoãn một việc, là chúng ta đang tự chất gánh nặng lên chính bản thân mình trong tương lai

Những người cảm thấy gần gũi hơn với bản thể trong tương lai của mình sẽ tiết kiệm nhiều hơn

Cách chúng ta nghĩ về bản thân mình trong tương lai ảnh hưởng đến cách đưa ra những lựa chọn quan trọng cho cuộc đời. Đó là những gì mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện.

Hal Hershfield, giáo sư ngành marketing tại Đại học California, đã khám phá ra rằng cảm giác gần gũi với bản thể trong tương lai của một người có liên quan đến bao nhiêu tiền mà họ đã và sẽ tiết kiệm được cho mai sau.

Hershfield và nhóm nghiên cứu đã sử dụng một bảng thước đo thị giác rất đơn giản. Nhưng nó có thể đo lường sự kết nối mà mọi người cảm nhận được giữa mình bây giờ với bản thân trong tương lai. Bảng này gồm những bộ đôi vòng tròn đan cài vào nhau, mỗi vòng tròn đại diện cho họ bây giờ và trong tương lai.

Theo đó, nếu độ chồng chéo của vòng tròn càng lớn, hai bản thể của họ càng gần gũi với nhau. Những người này càng có nhiều tài sản tiết kiệm hơn.

ke-hoach-cho-tuong-lai-2

Những vòng tròn này có thể làm thước đo nhận thức của bạn ở hiện tại về bạn trong tương lai

Hershfield cũng đã xác nhận lại kết quả này bằng ảnh chụp não. Khi một số tình nguyện viên đang ở trong máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), phần thuộc vùng vỏ não trước trán – nơi thường thể hiện mức độ hoạt động cao khi suy nghĩ về bản thân – lại gần như tắt ngấm khi các nhà nghiên cứu yêu cầu họ nghĩ về bản thân mình trong 10 năm nữa.

Điều này chứng tỏ họ đang coi chính mình trong tương lai như người lạ. Mô hình hoạt động tương tự của não được ghi nhận khi người tham gia được yêu cầu nghĩ về một người hoàn toàn khác chứ không phải mình.

Nhưng cũng có khác biệt giữa những người khác nhau. Trong một thí nghiệm khác, những người gần gũi hơn với tương lai của mình, nhiều khả năng, sẽ chọn việc có một khoản tài chính lớn hơn cho tương lai. Nhưng hệ quả của mối quan hệ của một người với bản thể của họ trong tương lai vượt xa vấn đề tài chính.

Trong một nghiên cứu chưa công bố, Sirois phát hiện những người dễ trì hoãn ít có liên hệ với bản thân trong tương lai. Các nghiên cứu trước đây của cô cũng cho thấy, những người hay trì hoãn ít có định hướng. Và sự mất kết nối này có thể được quy cho sự thiếu trắc ẩn của họ với chính bản thân mình.

Khắt khe với bản thân khi bạn trì hoãn thực sự chỉ thúc đẩy bạn trì hoãn nhiều hơn”, cô cho biết. “Nói theo một cách khác, tha thứ cho bản thân mình ở thời điểm này có thể giúp bạn tốt hơn trong tương lai”.

Kết nối với tương lai của bạn giúp ra quyết định tốt hơn

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách ứng dụng những khám phá này, trong việc giúp mọi người ra quyết định tốt hơn.

Một trong những công cụ có tác dụng là kế hoạch theo dòng thời gian (timeline). Nhà tâm lý học Anne Wilson đã chỉ ra rằng, các sinh viên lên kế hoạch dòng thời gian cho hạn nộp bài đã hoàn thành công việc sớm hơn so với nhóm không làm điều này.

Hershfield cũng phát hiện việc đưa cho mọi người thấy một bức ảnh mô phỏng tuổi già của bản thân, có thể khiến họ quyết định tiết kiệm nhiều hơn cho quỹ hưu trí.

Trong một thử nghiệm, những người này được cho xem một bức ảnh kỹ thuật số với khuôn mặt nhăn nheo, già nua của mình đã tự tăng mức tiết kiệm 401 (k) của họ từ 5,2% đến 6,75%.

Khi tôi nhìn thấy chính mình già nua

Sẽ ra sao khi tôi nhìn thấy tôi ở vài chục năm nữa?

ke-hoach-cho-tuong-lai-3

Các nghiên cứu với ảnh mô phỏng tuổi già đã thu hút được sự chú ý của một số tổ chức tài chính. Họ đã cố gắng sử dụng kỹ thuật này thu hút và thúc đẩy khách hàng với kế hoạch tiết kiệm của mình. Ví dụ, ngân hàng Merrill Edge hiện có một ứng dụng trực tuyến cho phép bạn nhìn thấy ảnh của mình sẽ thế nào khi nghỉ hưu ở tuổi 67.

Tôi đã thử nó. Ứng dụng này chụp ảnh từ webcam, yêu cầu điền và giới tính của tôi và tạo ra một phiên bản đáng sợ của tôi với da nhăn nheo, nẻ chân chim và chảy sệ. Bản thể đó nhìn chằm chằm vào tôi và chớp mắt.

Tôi nghĩ rằng có lẽ nó quá kỳ quặc để gợi ý bất kì suy nghĩ nào về tài khoản tiết kiệm. Tôi cảm thấy ghê tởm hơn là có sự kết nối với bản thân trong tương lai. Bởi cảm giác thực thể đang nhìn vào tôi và tôi đang nhìn vào không giống một con người. Nhưng rồi ai mà biết được điều gì đã xảy ra trong tiềm thức tôi.

Bên cạnh đó, có một số ứng dụng miễn phí dành cho điện thoại di động, chẳng hạn như AgingBooth, sẽ giúp bạn thêm những dấu ấn tuổi tác vào ảnh của mình, thậm chí, những tấm ảnh đó còn thật hơn là đằng khác.

Tôi đã đặt ảnh của mình vào bộ lọc AgingBooth, và nó cho ra kết quả rất thân thuộc. Ôi! Tôi đã nhìn chằm chằm vào tương lai của mình, và bức ảnh trông giống như mẹ tôi. Đó sẽ là tôi một vài thập kỷ nữa.

Nhưng tôi có thấy cảm thấy gì với thủ tục hưu trí 401 (k) không? Chưa biết. Nhưng tôi có thể sẽ dán tấm ảnh này vào gương trong phòng tắm, để xem liệu tôi có thể tiết kiệm nhiều hơn, hay ít nhất là bôi thêm kem chống nắng hay không.

Theo Cafebiz

dang-ky-ngay

KHÓA HỌC WAKE UP HÀ NỘI – HỒ CHÍ MINH

Giá vé GENERAL thông thường là 2.000.000 đ

ĐĂNG KÝ NGAY HÔM NAY CHỈ CÒN 495.000 đ


Hẹn gặp lại bạn tại khóa học!

Mr.Why Phạm Ngọc Anh