Afamily – Làm sao khi bố mẹ khan hiếm thời gian cho trẻ?

(Afamily) – 20% các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái do phải lo kiếm sống. Điều này dẫn tới việc nhiều trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp.

Con số trên được công bố tại cuộc điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam lần đầu tiên. Trong đó, cứ 10 người được phỏng vấn thì 8 người đồng tình cần phải cân bằng công việc hằng ngày với thời gian dành cho trẻ. Có 57% người được hỏi cho rằng thời gian dành cho con là cách tốt để giao tiếp cởi mở với chúng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 13,8% cho biết họ cân bằng được giữa công việc, cuộc sống và thời gian chơi cùng con.

Điều này cho thấy thực trạng khủng hoảng thời gian dành cho con của nhiều gia đình hiện đại ngày càng nghiêm trọng. Việc bố mẹ không quan tâm, dạy dỗ và bảo vệ con cái đến nơi đến chốn gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tình cảm của con trẻ.

Khi còn nhỏ trẻ rất cần sự gần gũi, chăm sóc từ cha và mẹ

Khi con yêu osin hơn mẹ

Do áp lực từ công việc, phần lớn các gia đình tại thành phố “giao phó” con cái của mình cho người giúp việc trông nom. Từ những em bé 2,3 tháng tuổi đến các trẻ 3,4 tuổi. Việc các em dành hầu hết thời gian tiếp xúc, trò chuyện với người giúp việc dễ dẫn đến hiện tượng trẻ bám người giúp việc hơn bố mẹ.

Là quản lý cho một công ty lớn, công việc của chị Hoàng Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá bận rộn. Nên từ khi con hơn 3 tháng tuổi chị đã trở lại với công việc và chuyện chăm sóc bé do người làm đảm nhiệm. Lâu dần, bé chỉ quen và quấn với bác giúp việc, hầu như không theo và chơi với bố mẹ.

Trường hợp của chị Dung chỉ là một trong số rất nhiều tình huống dở khóc dở cười của các gia đình hiện đại khi con yêu osin hơn mẹ. Một đứa trẻ không chỉ cần được phát triển về thể chất mà còn cần được nuôi dưỡng và phát triển về các giá trị tinh thần như: tình cảm gia đình, thầy cô, bạn bè, các quan hệ xã hội… để có những hành xử tích cực. Để làm được điều đó, những người giúp việc không thể gánh vác hết mà trách nhiệm trước tiên nên thuộc về những người làm cha mẹ.

Trẻ sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong ngôn ngữ và giao tiếp nếu thiếu sự quan tâm từ cha mẹ

Nhiều trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn không phải là việc trẻ bám người giúp việc mà là tình trạng trẻ không nhận được sự quan tâm, trò chuyện và dạy dỗ việc phát triển ngôn ngữ kịp thời. Điều này dễ dẫn tới tình trạng trẻ chậm nói, nói ngọng,…

Gần đây, Đại học Prafulla, Ấn Độ đưa ra cảnh báo, rất nhiều trẻ em đang gặp khó khăn về ngôn ngữ vì bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian để trò chuyện và giúp trẻ phát triển lời nói ngay khi còn nhỏ.

Giai đoạn đầu hình thành ngôn ngữ, trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường xung quanh. Vì vậy, bố mẹ nên là những người gần gũi, trò chuyện, giao tiếp với bé để giúp bé nhận thức và học hỏi phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp. Không nên để khi trẻ có những biểu hiện như chậm nói, nhút nhát, ngại giao tiếp thì bố mẹ mới lo lắng, tìm cách chữa trị.

Hãy luôn dành thời gian chất lượng để bên con

Dành thời gian chất lượng bên con như thế nào?

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh, diễn giả khóa học Wake Up đưa ra tình huống: “Các ông bố bà mẹ nghĩ rằng sẽ dành thêm thời gian cho các con. Nhưng thấm thoát thoi đưa, hết mẫu giáo, lên cấp 1, cấp 2,… nhìn lại giật mình nhận ra mình đã không dành đủ thời gian để đồng hành cùng con và tự bao biện rằng đang phải vất vả từng ngày để kiếm tiền. Đây chỉ là sự ngụy biện của cha mẹ không biết cách sống cân bằng để tạo ra thời gian dành cho công việc kinh doanh cũng như con cái”.

Hậu quả là nếu việc này cứ kéo dài, sự kết nối sẽ mất dần, đặc biệt đến khi con 15-17 tuổi, nhiều bố mẹ đã không thể giao tiếp với con mỗi ngày, dù vẫn ở cùng một nhà.

Ngay cả những ông bố, bà mẹ bận rộn nhất, vẫn có cách để thể hiện tình yêu thương với con và duy trì sợi dây gắn bó trong gia đình. Nếu quá bận, một ngày bạn có thể chỉ cần dành 15-20 phút hoàn toàn cho con, nói yêu con, hỏi con về một ngày của trẻ, xem con có gì vui buồn… Bạn hoàn toàn có thể biến khoảng thời gian ngắn bên con thành “thời gian chất lượng” nếu lựa chọn cách giao tiếp, quan tâm.

Và đặc biệt, hãy luôn tự hỏi mình: Bạn đang thực sự dành thời gian của mình cho điều gì, khi mà con cái bạn không thể ngừng trưởng thành để chờ đợi sự quan tâm, chăm sóc từ bạn?

Theo Afamily

Link bài báo gốc: http://afamily.vn/lam-sao-khi-bo-me-khan-hiem-thoi-gian-cho-tre-20160722113620528.chn