Chi tiêu hợp lý và tiết kiệm là điều ai cũng mong mỏi, nhưng thực tế, dùng tiền sao cho thông minh và có dư dả đôi khi không hẳn cứ “tằn tiện” là được. Tất nhiên mỗi độ tuổi lại có nhu cầu chi tiêu tiền khác nhau, bạn đã biết chưa?
22 – 25 tuổi bước khởi đầu
Bạn vừa tốt nghiệp đại học, đã có việc làm và đang bắt đầu cho quá trình xây dựng tương lai, tiền lương khởi nghiệp có thể chưa được cao, vì thế việc chi tiêu cần chú ý nhiều thứ.
Bạn có thể:
– Có kế hoạch chi tiêu rõ ràng từng tháng.
– Để dành ra những khoản chi cố định: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền học thêm ngành nghề khác (nếu có)…
– Mở tài khoản ở ngân hàng để có “người giữ tiền” cho mình. Việc hạn chế cầm tiền mặt trong tay cũng giúp bạn “giảm chi” kha khá đấy.
25 – 29 tuổi: “rồ ga”
Sau vài năm đi làm, bạn đã cứng cỏi hơn, cũng đã có dư một chút về kinh tế. Do đó kế hoạch chi tiêu cũng có phần thay đổi. Bạn nên nghĩ nhiều đến cách chi tiêu khôn ngoan và chọn phương án tích lũy vừa tiện dụng, vừa giúp “sinh lời” thì càng tốt.
Bạn có thể:
– Vẫn duy trì kế hoạch chi tiêu từng tháng, hiện bạn đã “có dư” chút chút, hãy thêm vào kế hoạch này một mục nữa: Một khoản tiền nhỏ để dành hàng tháng.
– Mở một tài khoản dành cho mục đích giao dịch. Các ngân hàng cũng dành nhiều ưu tiên cho phần tài khoản giao dịch này của khách hàng, họ đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn, phương thức tiến hành mở tài khoản nhanh gọn, rất tiện lợi. Ví dụ, khi mở tài khoản giao dịch, bạn sẽ được tính mức lãi suất không kỳ hạn và còn được cấp ngay một thẻ ghi nợ hay thẻ Visa debit.
Với thẻ này bạn có thể gửi, rút, chuyển tiền từ máy ATM, giao dịch nhanh gọn trên Internet, quản lý việc chi tiêu một cách có hệ thống do những thông tin giao dịch dù nhỏ nhất của bạn cũng được hệ thống dữ liệu của ngân hàng lưu lại đầy đủ.
Một điểm cộng nữa cho phương án này là có những ngân hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, có thể kể đến ngân hàng HSBC hiện đang có chương trình tính số dư trong tài khoản tiền gửi đổi thành cơ hội tham gia bốc thăm trúng thưởng điện thoại 30 iPhone 4S. Theo đó, với mỗi 3 triệu đồng trong tài khoản bạn sẽ có 1 cơ hội may mắn này.
– Nếu là người chuộng sự nhanh chóng, bạn có thêm một lựa chọn nữa là tài khoản tiền gửi trực tuyến để giao dịch online mọi lúc mọi nơi mà không cần đến ngân hàng. Không yêu cầu số dư tối thiểu, không giới hạn thời gian gửi tiền, hưởng mức lãi suất không kỳ hạn cao là những điều kiện hấp dẫn.
Nếu bạn có một khoản tiền chưa cần chi tiêu, bạn có thể gửi vào tài khoản online này để hưởng lãi cao hơn và dễ dàng rút tiền khi có việc cần dùng. Bạn còn có thể chọn gửi tiết kiệm có kỳ hạn ngay trên mạng với dịch vụ Ngân hàng trực tuyến (của một số ngân hàng) để dành riêng một khoản tiết kiệm trong khoảng thời gian từ một tháng trở lên. Đây thực sự là một cách tiết kiệm khôn ngoan và tiện lợi.
– Mua sắm trong hạn mức: Dù làm ra tiền nhưng bạn cần đặt tiêu chuẩn chi dùng mỗi tháng. Những khoản chi thiết yếu như tiền nhà ở, ăn, sinh hoạt hàng ngày cần để riêng. Các phương tiện cơ bản cho cuộc sống như xe máy, laptop… là cần thiết nhưng nên chọn loại phù hợp với nhu cầu sử dụng, không nên sắm những món vượt quá khả năng tài chính. Chỉ nên mua những món đồ cần thiết, hạn chế mua sắm theo “hứng” mà không dùng, gây lãng phí.
Chi tiêu bằng thẻ tín dụng là một cách thức tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Khi đăng ký thẻ tín dụng tại một ngân hàng, tức là bạn đang vay tiền của ngân hàng để xài trước và trả sau. Cách này có ưu điểm khi bạn không cần phải mang tiền mặt theo người mà vẫn có thể chi dùng khi cần thiết. Khi bạn cần mua một món hàng có giá trị lớn mà không thể có đủ tiền mặt ngay thì thẻ tín dụng là cứu tinh của bạn. Bạn có 45 ngày để trả lại tiền cho ngân hàng mà không bị tính lãi.
30 – 45 tuổi: xây dựng giá trị bền vững
Đã dần qua thời “nông nổi” và thụ hưởng cuộc sống độc thân, chặng đường tiếp theo của bạn đang hướng đến mục tiêu lớn: xây dựng gia đình, tìm chốn an cư, chuẩn bị tương lai khi có con. Yêu cầu chi tiêu cho giai đoạn này phức tạp hơn, thu nhập nhiều nhưng tiêu xài cũng không ít.
Bạn có thể:
– Ngoài những khoản chi dùng cho cá nhân, bạn cần đưa ra kế hoạch dài hơi: tiền để dành cho đám cưới, mua nhà, mua xe…
– Tùy thuộc vào mục tiêu nào bạn muốn hoàn thành trước mà có kế hoạch thực hiện cụ thể. Bạn đã có người yêu, sắp cưới, vậy bạn cần ước tính mình sẽ tổ chức đám cưới quy mô ra sao, hiện có bao nhiêu tiền để dành, các bước chuẩn bị đám cưới cụ thể theo từng giai đoạn.
– Tiếp đến là kế hoạch lớn trong đời: tìm chốn an cư. Tìm nhà ở hợp với nhu cầu và khả năng chi trả là điều đầu tiên phải nghĩ đến. Nên mua đất rồi dành tiền xây nhà hay mua chung cư, bạn cũng cần tính toán kỹ. Có thể coi “có nhà, có đất” là thành tựu trong đời người, nên bạn có thể tính toán như đây là khoản đầu tư cho tương lai.
Vay tiền mua nhà là phương án có thể tính đến. Với người trẻ, khoản đầu tư lớn này (giá trị ngôi nhà có thể lên đến tiền tỷ) thì việc kéo dài thời gian chi trả, chia nhỏ số tiền trả ngân hàng là điều nhiều người hướng đến. Hiện nhiều ngân hàng đã tăng thời hạn cho vay mua nhà như ngân hàng ACB là 10-15 năm, ngân hàng ANZ là 20 năm hay ngân hàng HSBC thời hạn cho vay lên đến 25 năm.
– Những kế hoạch khác như sinh con, bệnh tật… chẳng hạn cũng cần có khoản để dành riêng.
NGUỒN: THEGIOIGIADINH