Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, vấn đề khó khăn trong kinh doanh ở các công ty xuất hiện ngày càng nhiều buộc các CEO phải đau đầu suy nghĩ. Nhưng cũng có những khó khăn mà nếu chịu khó lưu ý, các CEO vẫn có thể chinh phục chúng một cách dễ dàng.
Trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, các Tổng giám đốc (CEO) đang đối diện với rất nhiều thách thức: thách thức từ môi trường kinh doanh bất ổn, khó dự báo bên ngoài, từ nội lực chưa mạnh, chưa hiệu quả của doanh nghiệp lẫn những thách thức từ chính bản thân CEO. Vượt qua được những thách thức này, lèo lái con thuyền doanh nghiệp đến thành công là một công việc khó khăn nhưng đầy hấp dẫn, thú vị, chỉ dành cho các CEO vừa có tâm, vừa có tầm.
Theo một cuộc khảo sát của IBM thực hiện gần đây với 1.500 tổng giám đốc điều hành từ 60 quốc gia thuộc 33 lĩnh vực ngành nghề trên toàn thế giới, các CEO đều cho rằng môi trường kinh doanh hiện nay có mức độ bất ổn cao và ngày càng trở nên phức tạp. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã dẫn đến một số ngành nghề, dịch vụ mới phát sinh và cũng giết chết nhiều ngành nghề truyền thống.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động sâu sắc đến hoạt động bán hàng, tiếp thị, hậu cần, dịch vụ chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường và cả trong lĩnh vực sản xuất. Vì vậy, việc không bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ là một rủi ro rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cách đây vài năm, không ai tin gã khổng lồ trong lĩnh vực phim ảnh là Kodak sẽ phải nộp đơn xin phá sản.
Cũng không ai có thể tin Nokia lại vất vả trong cuộc chiến tồn tại hay không tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động. Nhưng chỉ cần không nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của công nghệ mà những gã khổng lồ trong quá khứ chỉ còn là anh chàng tí hon trong hiện tại.
Trong bối cảnh khó khăn, tạo ra lợi nhuận cho công ty là một thách thức lớn với CEO. Thực tế những năm vừa qua, tại Việt Nam, hàng chục nghìn công ty đã làm ăn thua lỗ và đóng cửa, giải thể. Doanh thu thấp, tồn kho lớn, công nợ bị chiếm dụng, cạnh tranh gay gắt… cùng với năng lực điều hành doanh nghiệp còn hạn chế, đã tác động xấu đến kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, CEO cũng luôn phải đối diện với yêu cầu phải kinh doanh có hiệu quả, trả cổ tức cao từ cổ đông.
Trong các năm qua, lãi suất tiền gửi ngân hàng khá cao và cổ đông luôn kỳ vọng cổ tức trả bằng tiền mặt phải cao hơn lãi suất tiền gửi. Đây là yêu cầu hoàn toàn chính đáng khi điều kiện kinh doanh bình thường nhưng trong giai đoạn khó khăn, đòi hỏi này trở thành thách thức lớn với các CEO.
Bài học vỡ lòng của doanh nhân là dòng tiền (cash flow) thì quan trọng hơn lợi nhuận. Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn, với dòng tiền yếu, thậm chí là âm, các CEO phải mất rất nhiều tâm trí để xoay trở. Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khách hàng chiếm dụng và trả nợ không đúng hạn, không có giám đốc tài chính hoặc giám đốc tài chính làm việc không tốt… đều có thể tác động đến dòng tiền và làm CEO mất ăn, mất ngủ.
Tôi tin rất nhiều CEO đã trải qua những ngày tháng đau đầu với dòng tiền của mình và mất rất nhiều thời gian với nó. Vì vậy, tôi đánh giá, quản lý dòng tiền yếu, cũng là một thách thức đáng kể với các CEO hiện nay.
Tại nhiều công ty, khách quan mà nói, CEO là người làm việc xuất sắc nhất, giỏi giang nhất. Trong khi đó, để công ty có thể phát triển bền vững, công ty rất cần một đội ngũ nhân sự xuất sắc, thậm chí là giỏi hơn CEO. Do lỗ hổng từ việc đào tạo tại nhà trường, thiếu môi trường cạnh tranh và đánh giá chính xác kết quả làm việc của nhân viên, cũng như chưa gắn kết quả làm việc với thu nhập, nên tại nhiều công ty Việt Nam hiệu suất làm việc cuả nhân viên rất thấp.
Một điều mà tôi quan sát thấy và cảm thấy lo ngại là một bộ phận nhân viên hiện nay, bằng lòng với những gì đang có, thiếu khát vọng vươn lên. Họ thiếu sự sáng tạo trong công việc, không chịu học hỏi nên dần trở thành những nhân viên làng nhàng với hiệu quả làm việc không cao. Nguồn nhân lực không mạnh luôn là thách thức và nỗi ám ảnh cho các CEO hiện nay.
Mỗi năm, các nhà xuất bản tại Việt Nam cung cấp rất nhiều sách về quản trị kinh doanh. Vì thế, mỗi khi bước vào nhà sách, tôi tin là rất nhiều CEO bị choáng ngợp bởi những cuốn sách mới. Mỗi ngày, khi dành thời gian vào mạng và đọc về kinh doanh, tôi tin các CEO cũng sẽ bối rối trước lượng kiến thức to lớn đang được truyền tải. Các khóa đào tạo, hội thảo, thậm chí là các lớp MBA… luôn làm các CEO phải cân nhắc, xem xét để quyết định có tham gia hay không.
Ngày nay, có thể nói CEO đang ngụp lặn trong biển kiến thức mới. Và nỗi lo sợ bị tụt hậu, sở hữu những kiến thức, kinh nghiệm lỗi thời, không còn phù hợp là nỗi lo có thực của CEO. Trong khi đó, thời gian và khả năng tiếp thu của CEO là có hạn. Việc tự học, tự hoàn thiện bản thân trở thành một thách thức với các CEO, không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới.
Với những thách thức như vậy, stress trở thành chuyện tất yếu với CEO. Theo một nghiên cứu nhằm trả lời cho câu hỏi “Sự căng thẳng tác động tới khả năng lãnh đạo như thế nào?”, đã nhận được kết quả là: có tới 88% lãnh đạo cho rằng: công việc là nguồn gây căng thẳng nhiều nhất trong cuộc sống của vai trò lãnh đạo làm tăng mức độ căng thẳng. Hơn 2/3 lãnh đạo được hỏi tin rằng mức độ căng thẳng của họ hiện nay cao hơn so với 5 năm trước. Ngoài ra trong một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng có tới 75% doanh nhân Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng stress.
Với những thách thức như vậy, làm sao CEO có thể vượt qua để lèo lái thành công doanh nghiệp của mình?
Theo tôi, công việc đầu tiên của CEO khi quản trị doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay là cần đánh giá chính xác xu hướng phát triển của ngành và đánh giá toàn diện doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Doanh nghiệp cần phải trả lời được các câu hỏi: Ngành nghề chúng ta đang kinh doanh sẽ phát triển như thế nào trong 5, 10 năm sắp tới? Chúng ta là ai và chúng ta có những giá trị gì? Những cơ hội nào nên được theo đuổi? Những lĩnh vực mới nào nên được đầu tư, phát triển? Làm gì để có thể tận dụng và khai thác có hiệu quả những nguồn lực hiện có của công ty? Làm gì để công ty có thể phát triển được những năng lực cạnh tranh bền vững trong các lĩnh vực hoạt động của mình và tạo ra sự cộng hưởng trong sự phát triển của toàn bộ tổ chức?
Tiếp theo, doanh nghiệp cần phải xem xét và tiến hành tái cấu trúc. Về bản chất, đó chính là việc tiến hành thay đổi doanh nghiệp một phần hay toàn diện, tự làm mới mình cho phù hợp với tình hình hiện tại để nâng cao năng suất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò cần thiết phải tái cấu trúc doanh nghiệp nhưng khi tiến hành đều gặp khó khăn từ phía bên trong doanh nghiệp nên công tác truyền thông nội bộ phải được triển khai tốt và chuyên nghiệp.
Quan trọng nhất, chính là nhận thức và quyết tâm cao độ, đồng lòng của ban tổng giám đốc và các nhà quản lý cấp cao. Quá trình tái cấu trúc là quá trình liên quan chặt chẽ đến con người. Công ty cần phải tổ chức lại bộ máy nhân sự theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp và phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống đánh giá nhân viên, lương, thưởng và chính sách đào tạo, phát triển nhân viên.
Việc hợp tác, liên kết với các công ty cùng ngành hàng để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, mua hàng với giá cạnh tranh, bán hàng với giá tốt, luôn là giải pháp có thể xem xét khi thị trường khó khăn. Trong kinh doanh, tôi cho rằng việc hợp tác đúng cách, với tinh thần 2 bên cùng thắng, luôn mang lại kết quả tốt.
Trong khó khăn, tiền mặt là vua! (Cash is King). Việc quản trị dòng tiền mặt tốt luôn mang lại cho bạn sự vững tin và sẵn sàng cho các cơ hội kinh doanh tốt. Việc nhiều doanh nghiệp phá sản vì không thu được nợ là bài học tốt. Quan điểm của tôi, trong giai đoạn khó khăn này, an toàn tài chính phải được đặt lên hàng đầu. Có thể xem xét việc tỷ lệ lãi thấp đi nhưng có thể thu được tiền ngay. Các quy chế bán hàng, quy chế tài chính, quy chế mua sắm vật tư, xây dựng cơ bản và quy chế quản trị công ty cần phải được ban hàng và giám sát việc thực hiện một cách nghiêm túc để công ty hoạt động minh bạch và tránh được những rủi ro có thể phòng ngừa được.
Các cổ đông và nhà đầu tư muốn CEO phải duy trì được hình ảnh này ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất. Là CEO, bạn cần nhớ rằng thái độ điềm tĩnh và lạc quan của bạn lúc này sẽ giữ chân các nhà đầu tư, cổ đông, nhân viên, khách hàng ở lại với bạn. Vì vậy, việc duy trì một sức khỏe tốt, một tinh thần lạc quan là yêu cầu bắt buộc đối với CEO.
Với công ty Việt Nam, hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) có nhiều đặc thù riêng và vẫn còn nhiều điểm yếu. Điểm yếu đầu tiên là chủ doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của các thành viên HĐQT. Trong giai đoạn khó khăn, việc mời gọi những chuyên gia, doanh nhân có tâm, có tầm, tham gia vào HĐQT và tôn trọng các ý kiến của họ là việc nên làm.
CEO không thể chèo lái con tàu kinh doanh một mình. Do đó, nếu CEO thật sự quan đến nhân viên, không sa thải ồ ạt, không hạ mức lương…tức là bạn đã khuyến khích tinh thần và chinh phục niềm tin của nhân viên trong giai đoạn khó khăn. Chắc chắn, có sự mâu thuẫn lợi ích trước mắt giữa cán bộ công nhân viên và cổ đông xoay quanh chính sách lương, thưởng. Là CEO, bạn phải xử lý hài hòa mối quan hệ này.
Ngoài ra, các phần thưởng về mặt tinh thần như các giải thưởng về quản trị, bán hàng xuất sắc, việc trân trọng ghi nhận những đóng góp của nhân viên, việc tạo môi trường làm việc thân thiện, tích cực… luôn giúp nhân viên gắn bó lâu dài với công ty. Tôi tâm đắc với triết lý: Công ty giữ nhân viên không bằng anh em giữ nhau.
Cuối cùng vẫn là sức mạnh của sự tập trung. Drucker từng nói: “Quan trọng không kém và cũng là công việc chỉ CEO mới có thể làm, là xác định xem chúng ta tham gia hay không tham gia kinh doanh trong lĩnh vực nào? Chúng ta nên hay không nên làm gì?” Nhiệm vụ của CEO là phải xác định những lĩnh vực cạnh tranh mà công ty có thể dành chiến thắng.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tôi nghĩ rằng các CEO cần liên tục học hỏi, tìm tòi và trải nghiệm với khát vọng lớn. Chúng ta cũng đã có nhiều doanh nhân đủ bản lĩnh để áp dụng những cái mới, nắm bắt xu hướng và thành công. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hơn nữa những CEO như vậy để nâng tầm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress