Một trong những trở ngại thường gặp trên đường đời là thiếu vốn. Ngoài những người xuất thân từ gia đình giàu có, những người khác muốn lập nghiệp đều phải dựa vào ngồn vốn tích lũy của mình. Muốn tích lũy phải có ý thức tiết kiệm theo phương chăm “năng nhặt chặt bị”. Tiết kiệm giúp tích cóp nguồn lực tài chính để phục vụ những nhu cầu lớn trên hành trình chinh phục mục tiêu của mình. Tiết kiệm là nguồn vốn luôn sinh sôi nảy nở của người nghèo, còn hoang phí luôn là cạm bẫy đối với kẻ giàu. Những khoản tiết kiệm nhỏ có thể tạo ra những cơ hội lớn trong cuộc đời.
Tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, mà là có ý thức cân nhắc tính hợp lý của mọi chi tiêu. Một tâm lý thường gặp ở không ít người, nhất là các bạn trẻ, là phóng tay chi tiêu theo phong trào, mặc dù có khi khoản chi tiêu đó vượt khỏi khả năng thu nhập của mình để rồi dẫn đến những việc làm phi đạo đức, thậm chí phạm pháp. Cũng cần tránh những khoản chi theo ý thích nhất thời sẽ qua nhanh.
Muốn chi tiêu hợp lý, nhất thiết phải vạch ra kế hoạch quản lý tài chính của bản thân, với những giới hạn rỏ ràng, đồng thời phải thiết lập một ý thức kỷ luật thép trong chi tiêu. Có thể tìm thấy rất nhiều tấm gương giàu có từ “hai bàn tay trắng” nhờ biết tiết kiệm để tích lũy nguồn vốn ban đầu cho mình.
Chúng ta thường nghe kể chuyện những người Hoa chắt cóp tùng đồng có được từ gánh ve chai để dần tạo nên cơ nghiệp giàu có của mình. Lời khuyên răn hữu ích của Benjamin Franklin, được viết năm 1758: “Con người nên cần cù và tiết kiệm để làm giàu, từ đó mới giữ được phẩm hạnh; bởi khi túng thiếu thì khó mà luôn làm người lương thiện được. Chỉ có những bộ óc nông cạn mới bị hoa mắt hay cảm kích trước sự hoang phí của kẻ khác”.
Ý thức tiết kiệm là phẩm chất quan trọng của doanh nhân. Tiết kiệm giúp gia tăng lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Ý thức tiết kiệm của công là một trong những đức tính không thể thiếu ở các quan chức. Tiết kiệm không những có ý nghĩa đối với cá nhân, tổ chức mà còn cả đối với một quốc gia. Cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở hàng loạt quốc gia là hậu quả của thói chi tiêu vượt quá khả năng tạo ra của cải của họ.
Ngoài tiền bạc, những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của con người là thời gian và sức lực, những thứ tài sản vô giá không thể mua, mà cũng không thể xin được, càng cần phải có ý thức tiết kiệm đúng mức. Thời gian là thứ tài sản mà con người thường phung phí nhất vào những chuyện vô nghĩa, thậm chí có hại cho bản thân.
Đừng phung phí tiền bạc, thời gian, sức lực của mình vào những việc vô bổ, mà hãy sử dụng chúng vào những việc có ý nghĩa. Cần rèn luyện ý thức tiết kiệm và tiêu xài hợp lý dù ở lứa tuổi nào.
Nguồn: tam-sang.vn