Trung thu trong tôi là…

Cứ mỗi lần thấy những gam màu đỏ của những chiến lồng đèn và những hộp bánh Trung Thu, tôi có cảm giác như tuổi thơ của mình đã trốn đi đâu mất.Quy luật của sự phát triển, bỏ cái cũ để thay thế cái mới, nhưng có những cái cũ tuyệt đẹp thật khó bỏ biết bao.

Tuổi thơ dù có nhọc nhằn đều có những kỹ niệm đẹp ngộ nghĩnh. Hãy hoài niệm về nó để cuộc sống của bạn được thăng hoa và giàu có hơn. Tôi nhớ ở đâu đó câu nói của một triết gia người Đức và bất chợt dừng xe lại, bần thần trước tiệm bán lồng đèn Trung Thu vắng khách trong cái ẩm ướt của cơn mưa chiều muộn.

 Cổ tích xưa và chuyện ngày nay

 Theo sử sách, Tết Trung Thu xuất phát từ Trung Hoa, thời Đường Minh Hoàng, vào thế kỷ thứ 8. Sau đó, lan sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Theo âm lịch, ngày 15 tháng 8 là ngày đúng giữa mùa thu, được coi là ngày “lành” để làm lễ tế thần mặt trăng… rất nhộn nhịp, huyên náo. Vì thế, trẻ con rất yêu thích và sau này trở thành Tết của trẻ con.

Ngày xưa, trước ngày 13.8 âm lịch, lũ trẻ đã bắt đầu hì hụi làm lồng đèn. Nguyên liệu thường là những cái lon sữa bò, hoặc vài miếng giấy kiếng màu xanh đỏ nhặt từ đâu đó. Trăng sáng vằng vặc, từng đám trẻ con tụ năm tụ bảy trước sân trường nhận những chiếc bánh hình con heo, con cá. Thắp một chiếc nến nhỏ vào chiếc đèn Trung Thu lon tự chế, dung dăng khắp xóm. Bình dị là vậy, nhưng không khí nô nức chuẩn bị và sự háo hức chào đón được ăn bánh, rước đèn Trung Thu hiện trên mỗi ánh mắt, nụ cười trẻ thơ, kéo dài từ đầu đến cuối tháng 8 âm lịch.

 Rồi kinh tế thị trường bùng lên đã thay đổi tất cả. Từ vật chất, tư duy và cả những niềm vui nho nhỏ của trẻ con cũng có bàn tay của nền kinh tế thị trường. Tất nhiên! Chiếc bánh Trung Thu được làm chất lượng hơn, phong phú, sang trọng, đẹp hơn và giá bán cũng đặt hơn gấp vài chục lần. Và Tết Trung Thu của trẻ cũng đã trở thành của người lớn. Thậm chí, với những mối quan hệ cá nhân có mục đích, đây là dịp để bày tỏ tấm lòng với nhau.

 Đã có những mẫu truyện cười ra nước mắt liên quan đến ngày Tết của trẻ được đưa lên màn ảnh nhỏ. Gia đình ông sếp của một Tổng công ty lớn nọ, không có con cái, nhưng nhận được gần cả trăm hộp bánh Trung Thu làm quà. Có nhiều chiếc bánh, nhân được kẹp thêm mấy tấm vàng lá nặng cả cây. Ông bà chủ không biết, nhưng người cha của họ (ông ta bị nhốt dưới tầng hầm), lại phát hiện ra, vì cô con dâu đẩy số bánh ấy cho ông cụ ăn mệt nghỉ. Ông đã thức suốt đêm bẻ vụng trên 400 chiếc bánh để tìm vàng… Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng lắm người lớn xót xa giật mình, trẻ con lại tròn xoe mắt với dấu hỏi to tướng. Biết đâu, có đứa trẻ thông minh nào đó, cũng bẻ vụn từng chiếc bánh mẹ mang về để… tìm vàng.

 Điều đáng nói là, trong cái sung túc, thừa mứa vật chất ấy, ý nghĩa của một ngày Tết  Trung Thu cho thiếu nhi đôi khi lại trở nên nghèo nàn đi.

 Rất nhiều doanh nhân thành đạt đã kể về tuổi thơ nghèo nàn và những cái Tết Trung Thu sơ sài, thiếu trước hụt sau của họ. Như để bù đắp cho tuổi thơ thiếu hụt của mình, họ đã không tiếc tiền mua cho con những chiếc lồng đèn thật đẹp, thật đắt. Một số doanh nhân muốn lưu giữ kỷ niệm thơ ấu thật đẹp của mình, cũng muốn con hưởng đựơc không khí Trung Thu đúng nghĩa. Tuy nhiên, mọi nỗ lực níu kéo, gìn giữ của họ giữa cơn bão của nền kinh tế thị trường là điều hòan tòan không dễ.

Chị bạn Ngọc Anh vì muốn con có chiếc lồng đèn kịp rước  với mấy đứa trẻ trong xóm, chị đã phải đóng cửa văn phòng sớm, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm để tranh thủ về với con. Chưa bao giờ chị có tâm trạng hồi hộp khi tặng quà cho con như thế. Trao quà cho con, chị đã trao trọn niềm tin rằng, đứa con trai tôi cũng sẽ có những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp, thật đầy đủ và sung túc. Thế nhưng, chưa đầy 20 phút sau, chiếc lồng đèn con cá đã vỡ tan tành bởi nó bảo không thích chơi nữa.

 Tuổi thơ trốn đâu rồi?

 Tôi không muốn hoài niệm mãi với quá khứ, song một chút hoài niệm để cuộc sống “giàu có” hơn thì thật là cần thiết. Giữa cái tất bật xô bồ trên phố, thật khó mà tìm thấy khoảng không gian bình yên, an toàn cho các em vui chơi và rước đèn từ phố nọ sang phố kia hồn nhiên như ngày xưa. Thay vào đó là những vầng trăng bị cắt ngang cắt dọc bởi những đường dây điện chằng chịt và những con phố đông nghịt, không ngớt tiếng ồn. Nhân cách của con trẻ sẽ được ươm mầm từ những câu chuyện cổ tích, song đôi khi, vô tình, chính người lớn đã thật hóa những câu chuyện cổ tích của trẻ.

 Tôi hỏi một bé gái con người bạn thân “Cháu có nghe câu chuyện về chị Hằng vui đón Trung Thu với thiếu nhi không?”. Cháu đáp ngay: “Hồi ở lớp mẫu giáo, cô kể cho cháu nghe chuyện chị Hằng và chú Cuội, nhưng hôm trước bố cháu nói, Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất, mất một tháng để quay quanh Trái Đất… chuyện cây Đa, chú Cuội, chị Hằng chỉ là chuyện cổ tích, không có thật”. Lần đầu tiên, tôi tròn xoe mắt, bối rối trước một đứa trẻ 9 tuổi. Chắc chắn, khi nghe chuyện này, chính các bạn cũng thầm trách cho tính “khoa học chính xác” không đáng có của ông bố trong trường hợp này. Những tưởng sẽ dạy cho con thêm kiên thức về khoa học, về vũ trụ rộng lớn xung quanh, song cách truyền đạt đó  đã vô tình là xơ hóa tâm hồn trẻ thơ.

 Với tốc độ mưu sinh chóng mặt, cùng với cơn lốc thị trường, âu đó cũng là điều dễ hiểu. Các bậc phụ huynh có thể hòan tòan không thờ ơ với ngày Tết Trung Thu của con, như có những điều ngoài tầm tay của họ. Tôi hiểu nỗi nhức nhối của chị bạn tôi đã kể ở trên, không phải trách con không biết nâng niu, giữ gìn món quà ý nghĩa của mẹ mà sâu xa hơn là sự bất lực của chị trước cơn bão thị trường. Tôi hiểu sự nôn nóng của bạn tôi muốn dạy con nhiều hơn về thế giới bao la, rộng lớn này, Thế nhưng…

 Chấp nhận và bằng lòng với “cơn bão” thời cuộc đó, song ta cũng nên sớm nhận ra nó đã bào mòn nhiều điều đẹp đẽ trong ta. Quy luật của sự phát triển là từ bỏ cái cũ để thay thế cái mới, nhưng có những cái cũ tuyệt đẹp, thật khó bỏ biết bao!

Lưu ý: Bạn có thể copy bài viết này và lưu ý ghi rõ nguồn

MR WHY – Phạm Ngọc Anh