Phát triển trí sáng tạo

Để phát triển trí sáng tạo, bạn đừng trói buộc tư duy bằng những công thức, định kiến hay niềm tin sẵn có. Hãy tháo bỏ “gồng xiềng” để trí sáng tạo có thể đặt chân đến những miền đất mới.

Khi não nhận được một thông tin mới, ngay lập tức, trong đầu bạn sẽ diễn ra quá trình: đối chiếu, so sánh, phân tích, tổng hợp, phân loại,… dựa trên tất cả những gì bạn đã từng biết.

Và chắc rằng, giải pháp cho vấn đề mới chẳng ít thì nhiều sẽ “na ná” những kiểu mà trước đây bạn hay ai đó đã từng làm. Đây chính là vấn đề nan giải trong sáng tạo.

 

Vì sao cần phát triển trí sáng tạo?
Não giúp chúng ta tư duy dựa trên những mô thức định sẵn. Đó là những nếp tư duy, cách suy nghĩ trong khuôn khổ những trải nghiệm của chúng ta.
Chính những mô thức đó sẽ quyết định hướng lựa chọn giải pháp cho những vấn đề được đặt ra.
Mô thức giống như một tấm bản đồ dẫn đường. Với nó, bạn dễ dàng lựa chọn cho mình đường thuận tiện nhất để đi đến đích. Nhưng để tìm kiếm và khám phá những nẻo đường mới thì quả là khó khăn.
Đó là lý do vì sao những người lớn tuổi thì có nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng khả năng sáng tạo ở người trẻ thì thường vượt bậc hơn.
Chính kinh nghiệm sẽ hạn chế, có khi “giết chết” sự sáng tạo nơi bạn, vì bạn bị ràng buộc bởi những thông tin, hình ảnh được lập trình sẵn trong não.
Giúp não thoát khỏi “gông xiềng”
Vậy, làm sao tạm thời giải thoát não khỏi những mô thức cũ để phát triển trí sáng tạo? Hãy làm theo hai cách dưới đây:
Cách 1: Suy nghĩ thật nhanh
Khi một vấn đề được đặt ra, bạn hãy suy nghĩ thật nhanh để não không kịp quy chiếu về bản đồ được cài đặt sẵn trong não.
Hãy để cho mình “lạc bước” trước khi những nếp nghĩ sẵn có kịp “kéo” bạn trở về “lối xưa”.
Việc càng suy nghĩ lâu, bạn càng dễ “móc nối” với những niềm tin tiêu cực làm hạn chế khả năng phát triển trí sáng tạo của bạn.
Cách 2: Tư duy ngược
Đưa tư duy vào một bối cảnh mới, giải phóng cho não thoát khỏi những ràng buộc, những điều kiện quen thuộc.
Cách tư duy ngược là một kỹ thuật thường được áp dụng để tìm ý tưởng: thay vì tìm cách làm cho sản phẩm nhanh lên, ta lại xoay sang hướng làm cho nó chậm đi để tháo bỏ “gông xiềng” cho tư duy, sau đó hướng giải quyết vấn đề sẽ lộ rõ.
Người ta cũng tìm những môi trường, khung cảnh khác bình thường để não hoạt động tự do và phóng khoáng hơn.
Tóm lại, những khi cần phát triển trí sáng tạo, bạn đừng “trói buộc” tư duy bằng những “công thức” và niềm tin sẵn có để nó có thể đặt chân đến những miền đất mới.
Khi bạn nghĩ về quả đưa hấu mà không liên tưởng ngay đến màu đỏ và hình tròn; hay khi bạn nghĩ về một tờ giấy mới nguyên mà màu trắng không hiện lên trong đầu, trong bạn đã có “đất” cho hạt giống sáng tạo nảy mầm.

 kienthuckinhte.com