Mark Zuckerberg giàu lên khi mới 25, trong khi 55 tuổi Warren Buffett mới có tỷ đô: 30 không nhất thiết phải giàu, quan trọng hơn hết là phải làm được 4 điều này

Sự nghiệp thay đổi rất nhiều vào độ tuổi 30, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hướng tới các bước tiến và mục tiêu dài hạn để ổn định trong tương lai.

Bước sang độ tuổi 30, cuộc sống và sự nghiệp không còn như ngưỡng cửa 20. Lúc này, có người đang quản lý một nhóm, dẫn dắt các dự án, tìm ra chuyên môn của mình và đảm nhận các kế hoạch lớn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty. Cũng có người đang tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân với những con đường mới.

Người đồng sáng lập và CEO của Facebook trở thành tỷ phú trong năm 2008 ở tuổi 23. IPO của Facebook khiến Zuckerberg trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất trong lịch sử. Huyền thoại đầu tư và CEO của Berkshire Hathaway lại trở thành một tỷ phú tự thân năm 1986 ở tuổi 56. Giá trị tài sản ròng của ông vượt qua 1 tỷ đô la sau khi Berkshire Hathaway bán cổ phiếu hạng A lần đầu tiên.

Có thể thấy, vạch xuất phát của mỗi người không giống nhau. Điều cần làm là chuẩn bị như thế nào để nắm lấy cơ hội chuyển mình. Jack Ma từng nói: “Ở giai đoạn 20 đến 30 tuổi, bạn nên theo một ông chủ tốt và gia nhập một công ty tốt để học làm việc đúng cách. Từ 30 đến 40 tuổi, nếu bạn muốn tự mình làm điều gì đó, hãy cứ làm. Bạn vẫn có thể đủ khả năng để thua, để thất bại”.

30 tuổi chưa chắc đã có được thành công. Nhưng để sự nghiệp về sau thăng hoa, trong giai đoạn này, chúng ta cần làm được 4 điều sau đây:

1. Khám phá những gì bạn yêu thích

Jack Ma cho biết những người ở độ tuổi 20 và 30 là “may mắn nhất” vì họ vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi.

J. Kelly Hoey, một chuyên gia nghề nghiệp tại thành phố New York và là tác giả của cuốn sách Build Your Dream Network (tạm dịch: “Xây dựng mạng lưới ước mơ”) khuyên bạn nên thực hiện các dự án mới cho phép bản thân mở rộng kỹ năng của mình. Cô cũng khuyến khích mọi người đảm nhận nhiều công việc hơn và tìm kiếm “khoảng trống” để phát triển theo cách riêng.

Hoey nói: “Chỉ khi bạn được tiếp xúc với những cơ hội khác nhau, bạn mới phát huy hết tài năng của mình. Không chỉ khám phá những gì bạn giỏi mà cả những gì bạn thích làm nữa. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, việc tích cực theo đuổi sự tò mò nghề nghiệp và tìm kiếm nhiều kinh nghiệm làm việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì vậy đừng lãng phí cơ hội”.

2. Mở rộng mạng lưới

Để phát triển sự nghiệp, bất cứ ai cũng cần đến những mối quan hệ. Sự gắn kết bền chặt với những người trong văn phòng như sếp, đồng nghiệp, người cố vấn là điều không thể thiếu. Nhưng đừng quên mở rộng mạng lưới bên ngoài văn phòng. Bạn nên giữ liên lạc với các giáo sư, đồng nghiệp cũ hay lãnh đạo cũ, đồng thời gặp gỡ những người mới tại các sự kiện trong ngành và các nhóm tương tự.

Hoey nói: “Trong khi bạn đang tích lũy kinh nghiệm làm việc, đừng quên bộc lộ tài năng, ý tưởng và tham vọng của mình trong nhiều mạng lưới xã hội khác nhau. Nói cách khác, đừng chỉ làm việc với một người mọi lúc!”

Nếu bạn xây dựng các mối quan hệ, điều này có thể giúp bạn thành công hơn trong công việc và là chìa khóa để đạt được bước tiến tiếp theo.

3. Xác định thương hiệu cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân là chìa khóa ở độ tuổi 30. Các công ty thành công đều có một điểm khác biệt giúp họ nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Annette Harris, người sáng lập công ty huấn luyện thương hiệu cá nhân Show Up có trụ sở tại Washington DC, đề xuất mọi người nên tự tạo ra điểm khác biệt của riêng mình.

Nếu bạn có chuyên môn và sự khác biệt thì dù ở vị trí nào, bạn cũng sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội hơn. “Giống như với một sản phẩm, trước tiên bạn cần nghĩ về cách bạn cung cấp giá trị cho đối tượng mục tiêu của mình. Bạn đang tìm kiếm vị trí như thế nào, hay nói cách khác, bạn có những đặc điểm cá nhân nào tạo nên giá trị cho công việc đó? Những giá trị này thường là điểm mạnh, kỹ năng, đặc điểm tính cách hoặc thành tích cá nhân”.

Chính những điểm khác biệt này sẽ làm nền tảng vững chắc để chúng ta có những bước tiến xa hơn.

4. Đặt mục tiêu và thực hiện

Nhiều người tự hài lòng với những gì mình làm được, nhưng khi nhìn lại thì hối tiếc về hướng đi hoặc những điều chưa hoàn thành. Để tránh đi lầm đường, mỗi người nên tự đặt ra các mục tiêu và chiến lược để hoàn thành.

Chuyên gia nghề nghiệp Michele Mavi, người đang làm việc tại công ty giải pháp tài năng Atrium Staffing có trụ sở tại thành phố New York, gợi ý rằng: Hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể định lượng được để đo lường sự tiến bộ của mình.

Bạn nên nhìn lại một lần mỗi năm, mỗi quý, hoặc thậm chí mỗi tuần để quyết định các mục tiêu mới và gạch bỏ những mục tiêu đã hoàn thành.

“Khi bạn đặt mục tiêu, hãy nhớ rằng đừng để bản thân bị giới hạn trong việc đạt được một mức lương hoặc chức danh công việc nhất định. Khi bạn 30 tuổi, bạn có thể đã trải qua nhiều loại môi trường làm việc khác nhau. Vì vậy, cân bằng công việc với cuộc sống và tìm kiếm công việc có mục đích là điều quan trọng hơn hết”.

Khi bạn nắm được những điều cần làm ở độ tuổi 30 này, hãy nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn hoặc quá sớm để xây dựng chuyên môn, tìm kiếm cơ hội.