Làm đàn ông cái gì cũng phải giỏi- Nhưng giỏi nhất có lẽ là “chịu đựng”

Vốn được trời ban cho sức khỏe và sự rắn rỏi, có lẽ vì thế trách nhiệm của người đàn ông luôn được gắn thêm nhiều hơn. Cùng được sinh ra và lớn lên trong một môi trường như nhau, nhưng những bé trai ngay từ nhỏ đã được xã hội chỉ dạy rằng “Trong mọi hoàn cảnh phải luôn mạnh mẽ, vì tương lai là trụ cột của cả gia đình”

Trăn trở của đàn ông luôn là sự thành công

Có thể nói, công việc chính là tấm gương phản chiếu của cánh đàn ông, bởi nhìn vào đó người ta có thể biết được phần nào địa vị xã hội và khả năng của người đàn ông ấy. Vì lẽ đó, họ luôn dành phần ưu về thời gian và tâm huyết để đầu tư cho công việc với hy vọng về một tương lai tươi sáng nhất.

Những buổi họp đến quên ăn, quên ngủ bất kể thời gian, những đầu việc còn tồn đọng đã đến “hạn chót” phải hoàn thành mà làm mãi chẳng thể hết, hòm thư email vẫn đang chất đầy chờ được giải quyết vẫn chưa thể động tới…Tất cả những ví dụ đó chỉ có thể phản ánh một phần nào đó những vất vả mà những người đàn ông đang hàng ngày phải “gồng gánh”. Nếu như tôi đem gánh nhọc đó để than vãn, để kêu khổ với đồng nghiệp hay người thân, thì ngay lập tức họ sẽ nói gay gắt với cùng một nội dung tương tự “Đàn ông gì mà kêu lắm thế, suốt ngày than vãn như đàn bà, có tí thế mà suốt ngày kêu”.

Có đôi lúc ngồi lại và tự nhủ “Làm đàn ông đôi khi cũng chẳng sướng như người ta nói, có muốn than, muốn khóc cũng không được, bởi khóc là đặc quyền của phụ nữ còn đàn ông thì không. Cho nên những lúc bế tắc hay khổ đau, thay vì tìm cách để chia sẻ đàn ông chúng tôi đã quen dần với việc tự tìm cách đi cho riêng mình, có nhiều lúc đàn ông chúng tôi mất phương hướng nhưng  lựa chọn dễ nhất có lẽ vẫn chỉ là cứ đâm đầu vào bóng tối mà đi”. Cứ như thế qua từng ngày, đàn ông chúng ta dần chai sạn hơn với nhiều điều xung quanh, mặc kệ trong lòng có bão táp như thế nào nhưng ngoài miệng vẫn cứ phải cười đã.

Gia đình nhỏ và những áp lực “lớn”

Cho dù 8 tiếng ở cơ quan của bạn có bận bịu đến thế nào đi chăng nữa. Khi bước chân về đến nhà, bạn phải tạm gác lại hết tất cả những lo âu của công việc lại để chăm chút cho gia đình và các con của mình. Bởi vì là “trụ cột” nên bạn phải chấp nhận làm “thùng rác” để nghe vợ than thở những bức bối ở cơ quan, phải chấp nhận sự cằn nhằn khi lỡ tay vứt bừa một vài chiếc quần áo mà quên chưa kịp cất, phải ngồi nghe con kể “Ê-A” về những điều mới mà hôm nay ở trên lớp con học được.

Đã là vợ chồng, tất nhiên bạn có quyền nói ra hết những khó khăn mà bạn đang gặp phải ấy. Nhưng tôi tin rằng, chẳng có người chồng nào lại muốn “lây” những phiền muộn ấy cho vợ mình, thà rằng mình cứ chịu đựng và rồi tìm cách tháo gỡ sẽ tốt hơn là để cho cô ấy biết. Và rồi khi ánh đèn ngủ được tắt đi cũng là lúc bóng đèn làm việc được bật sáng, có lẽ đây là khoảng thời gian thích hợp để bạn giải quyết bớt những công việc còn dang dở, lên kế hoạch cho đầu việc sáng mai và chuẩn bị nội dung cho cuộc họp sắp tới.

Áp lực xã hội đang đẩy đàn ông “mắc kẹt” mọi bề

Góc nhìn của xã hội về một người đàn ông đôi khi còn “gay gắt” hơn. Họ có quy chuẩn cao và riêng biệt về một người đàn ông chuẩn. Phải mạnh mẽ, phải ga lăng, phải thành đạt, phải kiếm được nhiều tiền….và còn rất nhiều cái phải nữa.

Đâu đó chính vì sức ép từ xã hội ấy khiến cho đàn ông thời nay luôn luôn phải “gồng mình” lên để chứng minh. Cuộc sống này sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu nếu chúng ta có thể đi lại quanh đời với hình hài mộc mạc nguyên chất của mình, không phải tự gò bó bàn thân thành kẻ chăm lo miệt vườn khi trái tim chỉ muốn khát khao xông ra ngoài biển lớn, không phải nặng nề gồng mình lên trong áo giáp kiếm gươm khi hồn xác bản thân là thi sĩ. Đàn ông sẽ bớt mệt hơn khi “cán cân sứ mệnh” được chia đều cho cả hai giới ( tất nhiên đó chỉ là mơ ước trong nhất thời) mà hiện thực sẽ chẳng bao giờ có thể đáp ứng.

Tất nhiên áp lực là của chung, đã là đàn ông ai ai trong số chúng ta cũng sẽ phải tự đứng lên và bước qua giai đoạn ấy. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao nhiều người họ vượt qua được, còn có người lại không chưa? Câu trả lời  là đến thời điểm nhất định nào đó, họ mới nhận ra rằng bí mật tốt nhất để mình không bị rơi vào trạng thái chịu đựng ấy là khi bạn biết “cân bằng” được cuộc sống của chính mình, không sa đà và đặt nặng quá nhiều vào một việc cụ thể nào cả. Chỉ đến khi làm được điều đó, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình bỗng đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không còn hàng ngày bị đè nặng hay dồn nén bởi những điều vụn vặt vốn dĩ bủa vây xung quanh bạn từ bấy lâu nữa.

Vì các bạn đã đọc hết bài viết này, nên chúng tôi có một đề xuất nhỏ: Chương trình Wake Up 2 ngày chuyên sâu sắp tới tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể giúp bạn:

– Hiểu rõ bản thân và có được tấm bản đồ hành động chi tiết trong 3-5 năm tới

– Tìm kiếm được một kế hoạch tài chính an toàn cho cả gia đình

– Gia tăng giá trị và thu nhập của bản thân theo công thức lũy tiến

– Và còn nhiều giá trị khác nữa

Ngay bây giờ bạn có thể tham khảo thông tin tại: https://bit.ly/2DGvHsE

Tác giả: Kim Tùng