ĐÁNH BẠI SỰ TRÌ HOÃN

Có nhiều con đường dẫn đến thất bại trong cuộc sống và một trong số đó chính là thói quen trì hoãn. Ở một mức độ nhất định, trì hoãn có thể trở thành một thói quen mang tính hủy hoại bản thân. Cùng nhận diện chân dung của thói quen trì hoãn và tìm giải pháp khắc phục nó ngay bây giờ.

Những người thích “Để mai tính!”

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta có thể nhận biết được những người hay trì hoãn thông qua 5 hành vi sau:

– Họ sẵn sàng lãng phí thời gian cho những việc ngoài lề – mà bản thân họ cho là quan trọng – thay vì chú tâm vào công việc cần làm.

– Tự cho rằng mình luôn còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc.

– Tự huyễn hoặc rằng mình sẽ có hứng thú để làm việc vào ngày mai, ngày mốt, tuần tới, hoặc thậm chí tháng tới.

– Cho rằng mình chỉ có thể làm việc tốt khi có hứng thú.

– Làm việc mà không có hứng thú thì sẽ không có hiệu quả.

Những người ưa trì hoãn thường tự tìm đến những thứ gây mất tập trung, chẳng hạn như lướt web hay kiểm tra email. Họ làm phân tán tư tưởng bản thân nhằm mục đích giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như nỗi sợ thất bại trong kinh doanh.

Chân dung những người ưa trì hoãn

Thói ưa trì hoãn cũng có muôn hình vạn trạng và mỗi người lại có những lý do khác nhau để biện hộ cho việc trì hoãn. Các nhà khoa học thống kê ra được 3 loại người ưa trì hoãn thường gặp:

– Loại thứ nhất là những người thường đợi “nước đến chân mới nhảy” để rồi sau đó “chạy vắt giò lên cổ” để hoàn thành công việc đúng tiến độ.

– Loại thứ hai là những người ưa trì hoãn để lảng tránh công việc vì sợ thất bại, hoặc vì e ngại áp lực do thành công mang lại. Đây là những người nhạy cảm với việc người khác nghĩ như thế nào về mình. Họ chấp nhận bị đánh giá là thiếu nỗ lực hơn là làm một kẻ thất bại.

– Loại thứ ba là những người trì hoãn trong việc đưa ra quyết định, vì họ sợ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.

Trì hoãn không chỉ là hành vi tiêu cực đối với bản thân mà còn làm phương hại đến các mối quan hệ xung quanh. Những người ưa trì hoãn thích đổ mọi trách nhiệm lên người khác, góp phần gây ra những xung đột. Trong công sở, thói trì hoãn có thể hủy hoại các mối quan hệ cũng như khả năng làm việc nhóm.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục thói trì hoãn bạn phải thật quyết tâm và đề ra cho mình những chiến lược cụ thể. Sau đây là một số giải pháp bạn nên áp dụng trong cuộc sống để tránh được thói quen trì hoãn.

– Lên danh sách những việc cần làm

– Viết ra các dự định

– Thiết lập những mục tiêu khả thi

 – Phân chia mục tiêu thành những công việc cụ thể để từng bước hoàn thành

– Đảm bảo rằng mỗi việc bạn làm có những ý nghĩa nhất định đối với bản thân

– Tự thưởng cho mình với mỗi công việc được hoàn thành

– Thành thật loại bỏ những việc không thực sự cần thiết

– Ước lượng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc và đặt ra quyết tâm thỏa mãn khoảng thời gian với hiệu quả làm việc cao nhất.

Khi bạn trì hoãn, bạn sẽ trở thành nô lệ của ngày hôm qua. Nhưng khi bạn chủ động, ngày hôm qua sẽ là một người bạn tốt làm động lực thúc đẩy bạn. Vì thế hãy làm điều gì đó ngay từ bây giờ để tương lai phải cảm ơn bạn.

“Việc hôm nay chớ để ngày mai !”. Hãy sống, làm việc và tận hưởng hết mình cho hiện tại. Đừng chần chừ chỉ vì những nỗi sợ thiếu căn cứ.

 Chuyên gia Huấn luyện và Đào tạo

Mr. Why – Phạm Ngọc Anh

1

Nhận thông tin và bài viết về động lực sống mỗi ngày từ Ngọc Anh