Lãnh đạo trong thời kỳ hậu khủng hoảng dịch bệnh

Dịch bệnh Covid – 19 đã mang đến nhiều khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp và các doanh nhân. Đó không chỉ là những khó khăn về tài chính, về kênh bán,… đó còn là những khó khăn dành cho các nhà quản trị. Làm sao để giữ vững tinh thần cho các nhân viên của mình, làm sao để họ không chán nản, không bỏ lại công ty. 

Nếu bạn chưa làm tốt công việc này trong dịch bệnh, thì sau dịch bệnh, người lao động đi làm trở lại cũng là lúc rất cần thiết để các nhà lãnh đạo tạo động lực và khích lệ tinh thần làm việc cho nhân viên của mình bằng những cách sau.

Nhìn nhận rõ vấn đề của bản thân và số đông nhân viên

Trách nhiệm lớn nhất của một người làm lãnh đạo đó là trong những hoàn cảnh khó khăn, họ cùng một lúc phải vừa làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhân viên và vừa phải đối phó với sự căng thẳng của chính mình. Có những sự thật bạn không thể nói ra một cách cởi mở với nhân viên nhưng bạn vẫn cần cho họ biết thực trạng công ty đang ra sao để nhận được sự đồng cảm.

Bạn cần vững tâm lý để đối mặt với các cuộc đàm phán, nói chuyện với nhân viên của mình cũng như xử lý các vấn đề tiêu cực nhằm tạo một không khí làm việc tích cực nhất có thể trong những lúc khó khăn, khi mà bạn không cho họ được một khoản thu nhập tốt nhất thì bạn hãy cho họ một tinh thần làm việc thoải mái và vui vẻ nhất có thể.

Chọn lọc những nhân sự đắc lực và đáng tin tưởng

Trong những lúc khó khăn nhất bạn càng cần những đồng đội tốt nhất. Họ sẽ là nguồn lực đáng tin cậy giúp bạn đi qua những ngày tháng khó khăn này. Đây là lúc bạn cần có con mắt sáng suốt chọn lọc ra những quản lý cấp trung đáng tin nhất, những ai có tinh thần lung lay và không có mong muốn gắn bó thì bạn có thể loại bỏ. Điều này sẽ tốt cho cả hai. Nếu quá khó khăn cho sự lựa chọn này bạn có thể đối thoại 1-1 để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người để từ đó đưa ra quyết định được nhanh nhất.

Giao tiếp hàng ngày với nhân viên

Khi doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn, chắc chắn việc ảnh hưởng tới tinh thần của nhân viên là không thể tránh khỏi. Là một người lãnh đạo bạn chắc chắn cần thể hiện sự đồng cảm, quan tâm tới các cá nhân, ít nhất là những quản lý cấp trung của bạn. Hãy tránh các chủ đề nhạy cảm trong công việc.

Đôi khi điều mà nhân viên bạn cần lúc này chỉ là cảm giác an toàn, được che chở bởi người lãnh đạo- là bạn.

Mở rộng kênh liên lạc để phản hồi hai chiều

Nếu “Im lặng là vàng” thì trong hoàn cảnh khủng hoảng, khó khăn của doanh nghiệp đó lại là điều vô cùng đáng sợ. Trong lúc này, bạn cần lắng nghe và phản hồi nhanh chóng các ý kiến của nhân viên để họ cảm thấy mình được tôn trọng và cảm thấy an tâm hơn với một loạt các thắc mắc, lo lắng của mình về công việc, tiền lương, …rồi cả tương lai của họ.

Thêm vào đó, bạn có thể không muốn nghe, nhưng cần phải xác định điều gì đang thực sự xảy ra với đội ngũ nhân viên của bạn để xác định phương án giải quyết càng sớm càng tốt. Không gì tốt hơn việc mở rộng kênh liên lạc hơn nữa, để bạn và nhân viên thuận tiện phản hồi qua lại mà không cần trực tiếp gặp mặt nhau.

Dập tắt tin đồn nhanh chóng

Trong những thời gian nhạy cảm như thế này thì những tin đồn càng có cơ hội hoành hành và tạo làn sóng gây hoang mang vô cùng lớn trong doanh nghiệp nếu bạn không sớm phát hiện và tìm cách dập tắt nhanh chóng, triệt để. 

Tin đồn bắt đầu từ đâu hãy tìm và ngăn chặn từ đó, đồng thời loại bỏ sự nghi ngờ của nhân viên trước tình hình thực tế của doanh nghiệp. Hãy nghiêm khắc xử lý những nhân viên thao túng thông tin, gây hoang mang cho các nhân viên khác.

Tuyên dương mọi sự nỗ lực

Khủng hoảng không đồng nghĩa với việc chúng ta tạm dừng lại mọi hoạt động thưởng, tuyên dương. Hãy tạo cơ hội cho nhân viên của bạn làm việc hăng say và tạo ra những kết quả nhất định. Một sự nỗ lực khi được tuyên dương sẽ tạo động lực vô cùng lớn cho những lần nỗ lực tiếp theo của người nhân viên đó hay cho các nhân viên khác.

Việc tuyên dương cũng không cần quá đao to búa lớn, đó có thể là một phần quà nhỏ, một sự khích lệ kịp thời cũng giúp cho nhân viên của bạn thêm hăng say cống hiện hơn.

Tạo không gian làm việc thoải mái

Trong thời điểm kinh tế khó khăn chung hậu dịch bệnh, nếu bạn chưa thể đáp ứng thu nhập tốt nhất cho nhân viên của mình thì hãy cố gắng tạo cho họ một tinh thần làm việc tốt bằng việc tạo một không gian làm việc thoải mái. Có thể cùng nhau uống trà đầu giờ làm việc hay cùng nhau chia sẻ cảm nhận vào cuối mỗi tuần. Điều này khá là hiệu quả trong việc gắn kết nội bộ nữa đó bạn nhé!