Chủ đề cũ “Tiết kiệm TIỀN”
Công thức cũ “Phương trình Tự do tài chính”
… TIẾT KIỆM 200 triệu trong 4 năm ĐẠI HỌC.
Là sinh viên, tôi đi làm gia sư, chạy event, làm trợ giảng, dịch thuật… để kiếm tiền, dành dụm gửi ngân hàng.
Tôi sinh năm 1990, vừa tốt nghiệp đại học tháng 10/2012.
Xuất thân từ một gia đình làm nông ở miền Trung nên hơn ai hết, tôi hiểu giá trị của đồng tiền mà mình kiếm được. Thế nên, từ những năm học phổ thông, tôi đã biết dùng những đồng tiền thưởng của mình trong những kì thi học sinh giỏi, thi năng khiếu, hoạt động phong trào… để chi tiêu cho những khoản đáng chi như sách vở, học phí…
Tôi còn nhớ, lúc bước chân vào Sài Gòn học, tôi để dành được cho mình gần 12 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đó anh tôi thất nghiệp, bố mẹ cũng đang kẹt tiền. Tôi đã dùng khoản tiền đó trang trải cuộc sống của hai anh em, giúp anh tôi đi học thêm một khóa học sửa điện thoại và đóng học phí kỳ đầu tiên.
Chỉ sau gần 2 tháng, khoản tiền tiết kiệm của tôi suốt 3 năm cấp 3 đã được tiêu sạch. Anh trai lại gọi điện thoại về nhà xin bố mẹ trợ cấp thêm.
Bố mẹ tôi làm nông nên cũng không khá giả gì, vì vậy nên tôi rất thương và không bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó tôi đã nói rằng: “Anh xin cho anh chứ không cần xin cho em. Em sẽ tự đi làm để kiếm tiền”.
Sau đó, tôi tìm được cho mình một công việc gia sư nhẹ nhàng để có thêm thu nhập. Tôi luôn cố gắng nỗ lực thật tốt trong mỗi công việc mình làm nên đi đâu cũng được người ta tín nhiệm.
Rồi tôi nhận thêm lớp thứ hai, thứ ba… Chính những khoản tiền từ công việc gia sư đó đã nuôi sống tôi trong suốt quãng đời đại học mà không cần phải xin thêm bố mẹ.
Ngoài ra, tôi còn làm một số công việc khác như chạy event, làm trợ giảng, dịch thuật, cộng tác viết bài cho một số báo… Đặc biệt tôi có một sở thích là đi “săn” học bổng.
Với thành tích học tập giỏi, hay tham gia các hoạt động Đoàn-Hội, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn, tôi dễ dàng chinh phục rất nhiều học bổng.
Từ những học bổng của trường, của tỉnh 1-2 triệu đồng đến những học bổng của những tổ chức lên đến 10 triệu… thực sự đã trở thành một nguồn thu nhập “khủng” với một đứa sinh viên tỉnh như tôi lúc đó.
Rồi năm 4, tôi bắt đầu đi thực tập, đi làm. Công việc tuy bận rộn nhưng tôi vẫn duy trì những công việc cũ trước đây của mình như đi dạy thêm, viết báo cũng như cộng tác cho một số dự án khác.
Tính tôi khá cần mẫn, lại tiết kiệm nên để dành cũng kha khá. Khi đó, mỗi tháng tôi để dành được khoảng 10 triệu đồng. Niềm vui của tôi là cứ đến mỗi cuối tháng lại gom hết tiền kiếm được trong tháng, gửi ngân hàng.
Đến bây giờ, số tiền dành dụm của tôi được khoảng 200 triệu. Dù không nhiều lắm nhưng đó thực sự là một niềm vui, niềm động lực lớn đối với tôi khi nhìn thấy số tiền mình có được cứ tăng dần.
Nhiều người bảo tôi tham công tiếc việc quá, còn đâu thời gian để thư giãn nhưng hoàn toàn ngược lại. Tôi yêu thích mỗi công việc tôi làm vì thế nên không cảm thấy áp lực hay mệt mỏi. Cuối tuần vẫn dành thời gian cho bạn bè và người yêu.
Hiện tại tôi đang làm cho một công ty Việt Nam ở nước ngoài. Quả thật đây là một sự đánh đổi. Đi làm xa, tôi sẽ có được mức thu nhập tốt hơn làm trong nước nhưng bù lại phải tạm mất nhiều thứ.
Nhưng tôi chỉ mới 23 tuổi. Với một sinh viên mới ra trường, tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để tôi có thể rèn luyện bản thân mình nhiều hơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình giỏi, vậy nên tôi luôn tự an ủi bản thân mình phải luôn cố gắng và không ngừng nỗ lực. Người ta nỗ lực một thì tôi phải cố gắng mười.
Tôi biết, với số tiền mà tôi có được bây giờ là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí là với nhiều người đã đi làm nhiều năm chứ không chỉ là một đứa mới ra trường như tôi.
Nhưng tôi vẫn biết, còn rất nhiều người bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn tôi, làm được nhiều hơn thế. Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau nên mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng cho bản thân mình và cho những người thân. Hiện tại, tôi vẫn sẽ là chú kiến cần mẫn tha mồi về tổ. Đến một lúc nào đó đủ mạnh, tôi sẽ tự ra làm riêng.
Tôi còn rất nhiều dự định sẽ làm. Tôi sẽ lấy những gì mình có được để làm động lực bước tiếp. Và tôi tin mình sẽ không nghèo. Còn chuyện giàu hay không, đó là tùy quan niệm của mỗi người.