Dạy con tiết kiệm không có nghĩa là ky bo

Nhiều người quan niệm: “Dạy con tiết kiệm không khéo sau này nó trở thành người ky bo thì hỏng”.

Nhưng tiết kiệm không phải là “vắt cổ chày ra nước”. Vì vậy, dạy con tiết kiệm là giúp con kiểm soát được chi tiêu trong cuộc sống chứ không phải khuyên con “kiết xu”

Để con học được thói quen này ngay từ khi con nhỏ, các bậc cha mẹ cũng cần có kinh nghiệm và vài “mẹo” nhỏ.

Cùng con tới ngân hàng
Để khuyến khích con biết tiết kiệm, các bậc cha mẹ có thể cùng đưa con tới ngân hàng và mở một tài khoản thay mặt cho con. Bé sẽ cảm thấy đây là một việc rất quan trọng khi thấy tên mình trong tờ biên lai hoặc thẻ tài khoản. Con sẽ hiểu rằng, tiền không tình cờ được đưa ra từ ngân hàng và để có được tiền trong ngân hàng, không chỉ biết kiếm mà còn cần trân trọng đồng tiền.
Dĩ nhiên, cha mẹ cũng nên để con biết được số tiền đầu tiên trong tài khoản của con là bao nhiêu, con sẽ cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi thấy con số đó lớn lên mỗi ngày.
Tặng bé một con heo tiết kiệm
Thay vì mua những món quà hay những bộ đồ chơi đắt tiền, người lớn có thể tặng cho con một chú heo tiết kiệm và người giữ chú heo đó chính là cha hoặc mẹ của bé. Hãy khuyến khích trẻ bỏ vào đó những đồng xu lẻ và dạy con cách nên tiết kiệm trong trường hợp thế nào là hợp lý, tránh việc con trở nên có tính hà tiện.
Dạy con tiết kiệm không có nghĩa là ky bo
Hãy tặng bé một chú heo tiết kiệm thay cho các món quà đắt tiền khác
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tặng cho con liền một lúc 3 chú heo tiết kiệm. Con thứ nhất để giữ những khoản tiền cần thiết, con thứ hai dùng đựng tiền tiết kiệm và con còn lại đựng tiền làm từ thiện. Với 3 chú heo này, cha mẹ dạy con cách tiết kiệm để có được thứ mình muốn, đồng thời cũng hiểu được sự quan trọng của đồng tiền và dùng chúng vào đúng việc.
Có thể trước ngày sinh nhật bé khoảng vài tháng, người lớn sẽ hỏi trẻ muốn gì. Khi trẻ nói ra món đồ mình muốn, hãy nói với bé rằng sinh nhật năm nay, họ muốn bé sẽ có được món đồ đó bằng chính tiền tiết kiệm của mình.
Như vậy, mỗi ngày, trẻ sẽ ý thức hơn về việc sử dụng đồng tiền và khi có được món đồ bằng chính tiền tiết kiệm của mình, trẻ sẽ hiểu ra rằng, không gì quý giá bằng việc dùng chính sức lao động của bản thân làm ra.
Dạy con hiểu có những thứ tiền không thể mua được
Kể cho con nghe những câu chuyện về giá trị đồng tiền và những bài học trong cuộc sống về tiền cũng là cách người lớn dạy con biết trân trọng đồng tiền hơn.
Hãy nói với con rằng, trong cuộc sống, có nhiều thứ có thể mua được bằng tiền, nhưng cũng có những thứ có dùng bao nhiêu tiền cũng không thể mua được. Qua những câu chuyện đó, con sẽ hiểu phải sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý. Quan trọng hơn là trẻ biết trân trọng những tình cảm mà trẻ đang có.
Hãy là tấm gương tốt của con  
Dù giáo dục con bất cứ điều gì thì trước tiên cha mẹ cũng luôn phải là tấm gương để con noi theo. Vì thế, bạn cũng nên có một chú heo tiết kiệm cho riêng mình, chi tiêu hợp lý và đặc biệt đừng bao giờ tỏ ra “vung tay” trước mặt con.

Theo Afamily