Đây là đề tài được đánh giá là vấn đề muôn thuở giữa các cặp vợ chồng với rất nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau, từ thái cực “tiền ai ấy sài” đến thái cực “công khai minh bạch, tập trung dân chủ” và ai cũng nêu lý do có vẻ hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình.
Vậy trên quan điểm của 1 gia đình có sự hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân và có mơ ước sớm đạt đến sự tự do tài chính thì đâu là mô hình phù hợp?
Theo “Người giàu có nhất thành Babylon“, để có thể chữa trị túi tiền trống rỗng, bước đầu tiến đến sự giàu có, bạn cần phải kiểm soát được những khoản chi tiêu của gia đình nhằm tích luỹ tối đa những “nô lệ bằng vàng” làm việc cho mình. Trong bối cảnh xã hội “Người giàu có nhất thành Babylon”, người đàn ông trong gia đình giữ vị trí độc tôn, người giữ tay hòm chìa khoá và quyết định toàn bộ các vấn đề tài chính trong gia đình. Với quyền lực này, chỉ cần người chủ gia đình có ý thức, quyết tâm và một ít độc tài thì sẽ có thể dễ dàng kiểm soát được các khoản thu chi của gia đình. Tuy nhiên, điều này thực sự không dễ thực hiện được trong hoàn cảnh gia đình hiện đại ngày nay, khi mà cả vợ và chồng đều có thể có những khoản thu nhập và mục đích chi tiêu riêng. Ngay cả khi gia đình chỉ có duy nhất nguồn thu nhập từ người chồng thì việc áp đặt duy ý chí cũng không còn dễ dàng. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, nếu không cẩn thận trong việc quản lý tài chính gia đình sẽ dễ dẫn đến những nghi ngờ, xung đột làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Một số giải pháp thường được áp dụng để tránh xung đột trong gia đình khi hai vợ chồng chưa thể hoà hợp về mặt tài chính là “tiền ai nấy sài”, “tiền anh, tiền em, tiền chúng ta” hay tiêu cực hơn là “quỹ đen”. Đương nhiên, hậu quả của những giải pháp này là sự thất bại trong mục tiêu kiểm soát thu chi và các yếu tố đe doạ hạnh phúc gia đình vẫn còn đó và có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào.
Khi dựng vợ, gả chồng, dân gian ta gọi chung là “lập gia đình”. Gia đình là tài sản chung duy nhất của 2 vợ chồng chung tay gầy dựng, vun đắp. Sản phẩm mà khối “tài sản” gia đình tạo ra là sự ấm no, hạnh phúc của những thành viên. Cũng như doanh nghiệp, gia đình cần phải có đội ngũ công nhân lành nghề và nguồn lực cơ sở vật chất phù hợp để có thể sản xuất được sản phẩm tốt, có chất lượng. Công nhân ở đây là các thành viên trong gia đình, những “người lao động” trực tiếp có nhiệm vụ gầy dựng tình cảm, tạo cảm giác hạnh phúc cho những người còn lại thông qua việc thể hiện tình thương yêu, sự tôn trọng, tin tưởng và ý thức trách nhiệm đối với gia đình. Nguồn lực cơ sở vật chất chính là khía cạnh tài chính của gia đình. “Hai trái tim vàng” không thể thoải mái trong “túp lều tranh”. Gây dựng, tích luỹ tài chính cho gia đình là trách nhiệm chung của các thành viên. Không có chuyện tài chính của gia đình nghèo nàn mà tài chính của mỗi cá nhân lại dư giả. Không thể nói gia đình có người chồng đi ăn nhậu cao lương mỹ vị với bạn bè bằng “tiền anh”, trong khi vợ con húp cháo ở nhà bằng “tiền chúng ta” là gia đình hạnh phúc được.
Đã là gia đình thì không bàn đến việc anh kiếm nhiều tiền hơn, hay em kiếm nhiều tiền hơn; anh không được mua cái này, em không được mua cái kia. Kiểm soát tài chính gia đình chỉ bàn đến việc làm cách nào để tăng thêm thu nhập cho gia đình và đánh giá, phân biệt khoản chi tiêu nào là hợp lý, chi tiêu nào không hợp lý với tình hình tài chính hiện tại để cùng thống nhất hạn chế các khoản chi tiêu không hợp lý. Điều quan trọng trong kiểm soát tài chính gia đình là ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc cùng thực hiện các mục tiêu chung. Khi đã đưa ra và thống nhất được những kế hoạch, mục tiêu tài chính chung của gia đình, những mâu thuẫn về việc đóng góp thu nhập, chi tiêu của hai vợ chồng sẽ được hạn chế rất nhiều do mỗi người đều có ý thức tự giác kiểm soát thu nhập chi tiêu bản thân ở mức phù hợp để đạt mục tiêu. Việc của vợ hay của chồng đều là việc chung, mọi hoạt động thu chi trong gia đình đều công khai để mỗi người có thể biết và tham gia kiểm soát. Cảm giác tin tưởng, không có việc gì riêng giữa 2 vợ chồng, cảm giác cùng chia sẻ để vượt qua những khó khăn để đạt đến mục tiêu chung sẽ càng làm gắn kết mối quan hệ, vợ chồng thông cảm và hiểu nhau hơn.
Nói tới nói lui, mô hình lý tưởng nhất cũng không ngoài câu ca dao ” Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Một kinh nghiệm đã được tích luỹ từ ngàn đời ai cũng biết, nhưng vì thoả mãn cái “tôi” của mình, nhiều người cứ đưa ra đủ thứ lời lẽ nguỵ biện để né tránh trách nhiệm với gia đình. Nguồn lực thì hữu hạn, nhưng nhu cầu thì vô hạn. Anh có thể có tiền để mua bất cứ thứ gì mình thích nhưng không thể sở hữu được hết được tất cả. Vì vậy, hãy cân nhắc để lựa chọn mua cho mình những thứ mang lại hạnh phúc cao nhất. Và cách hay nhất là cả vợ và chồng kiểm soát lẫn nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung của cả 2 người.
Linye – Quanlytien