Nhiều thương hiệu lớn thành công trên thế giới được khởi nguồn từ những ý tưởng kinh doanh độc đáo. Vậy theo bạn, một ý tưởng kinh doanh đáng giá sẽ quyết định bao nhiêu % thành công khi bắt đầu công việc kinh doanh? Và làm thế nào để biết ý tưởng của bạn có thực tế và đáp ứng được nhu cầu thị trường?
Định nghĩa về ý tưởng kinh doanh thành công
Mỗi phút trên thế giới có hàng trăm hàng ngàn ý tưởng kinh doanh được nảy sinh nhưng không phải tất cả chúng đều phát triển thành những công ty triệu đô. Vậy khi đã có ý tưởng thì làm thế nào để biết nó có thực sự hiệu quả hay không? Hay nói cách khác, một ý tưởng kinh doanh thành công là ý tưởng như thế nào?
Thực tế, không có định nghĩa cụ thể nào về một ý tưởng kinh doanh thành công. Bởi lẽ, chúng ta chưa có một bộ tiêu chí chuẩn nào để đánh giá một ý tưởng kinh doanh đáng tiền hay không mà chủ yếu dựa vào các đánh giá chủ quan của cá nhân người có ý tưởng hay nhà đầu tư.
Nếu phải đưa ra định nghĩa cụ thể, xin được đề xuất một phương án: Ý tưởng kinh doanh thành công là ý tưởng đáp ứng được 3 yêu cầu: giải quyết được nhu cầu của khách hàng, thị trường; có tính sáng tạo và khả năng hiện thực hóa cao. Tuy nhiên, khái niệm sáng tạo hay ứng dụng thực tế cao cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Ý tưởng kinh doanh chiếm bao nhiêu % thành công của doanh nghiệp?
Đồng ý rằng, việc có được ý tưởng kinh doanh tốt là khâu đầu tiên và quan trọng để bắt đầu dự án kinh doanh nhưng liệu như vậy đã đủ để quyết định thành công?
Câu trả lời là: Ý tưởng tốt mới chỉ là yếu tố cần để bạn bắt đầu cuộc chơi kinh doanh. Để đảm bảo thành công bạn phải có thêm các yếu tố đủ nữa. Trong trò chơi kinh doanh, đặc biệt khi bạn xây dựng doanh nghiệp từ con số 0 thì các yếu tố cần và đủ phải song song tồn tại và hỗ trợ cho nhau thì doanh nghiệp mới đủ sức để thành công.
Như vậy, một doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh với tham vọng tăng trưởng và phát triển cần những gì ngoài một ý tưởng kinh doanh tốt?
Theo ý kiến của ông Phạm Ngọc Anh – Chủ tịch Cty CP Đào tạo ASK: “Nếu liệt kê danh sách các công việc để doanh nghiệp khởi nghiệp phải tính toán và chuẩn bị thì vô cùng dài. Nhưng tựu chung lại, có mấy việc cần phải đảm bảo là: ý tưởng kinh doanh tốt; xác định tầm nhìn dài hạn cho công ty (ít nhất từ 5-10 năm); một bản kế hoạch kinh doanh cụ thể; các phương án dự phòng, phòng tránh rủi ro”.
Quay trở lại với câu hỏi đầu tiên, “Trong kinh doanh, ý tưởng chiếm bao nhiêu % thành công?”. Các phương án đưa ra có thể là: 10%. 30%, 50% hay 80%??? thậm chí là 90%.
Không nên quá vội vàng đưa ra đáp án, bởi ở mỗi trường hợp doanh nghiệp, mỗi điều kiện hay cơ hội phát triển khác nhau thì một ý tưởng kinh doanh được đánh giá và định giá khác nhau. Đặc biệt, nếu một ý tưởng đáng giá nhưng nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp thì việc hiện thực hóa của ý tưởng đó không quá 1%.
Cụ thể, ở một doanh nghiệp lớn, đầy đủ cơ sở vật chất, thị trường rộng thì các ý tưởng kinh doanh tốt sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn là ở một công ty start-up. Ngoài ra, các yếu tố khách quan cũng có tác động rất lớn tới mức độ thành công của ý tưởng kinh doanh như: thời điểm thực hiện, những biến động thị trường hay lĩnh vực chuyên môn của các nhà đầu tư.
Vì vậy, đôi khi một ý tưởng kinh doanh tốt có thể hiện thực hóa và thành công tới 50% nhưng cũng có thể chỉ chiếm 10% thành công của doanh nghiệp. Quan trọng là khi đã có ý tưởng thì cần phải “kiểm chứng” nó có khả thi hay không, quy mô thị trường thế nào, có ai làm hay chưa, nếu có người làm rồi thì nó tốt hay không tốt và ý tưởng sản phẩm của mình có gì khác biệt, sáng tạo??? Sau khi trả lời được hết những câu hỏi trên bạn sẽ biết ý tưởng kinh doanh của mình có đáng để làm, đáng để mình đổ mồ hôi và tâm huyết thực hiện hay không.