Hãy Là Chính Mình: Đừng Để Ai Dán Nhãn Cho Bạn

Không ai có quyền quyết định người mà người khác sẽ trở thành khi họ ra đời. Bạn sẽ trở thành ai mà bạn muốn và bạn phải. Con người là một quyển sách đặc biệt với tác giả là chính nó.

Ngọc Anh nhận ra rằng trong các bài mà Ngọc Anh đã viết, hoặc chia sẻ gần đây về một số thực trạng chưa tốt của người Việt trẻ như sự thụ động, hay thói lười biếng, có rất nhiều tranh luận trái chiều. Đặc biệt là bàn về sự định hướng sẵn đã được người lớn mặc định ghim vào não từ khi chúng ta còn nhỏ và rằng đó là một lỗi lầm thuộc về hệ thống giáo dục và quan điểm sống chung của xã hội.

Trong bài viết này, tôi không bàn về những lối suy nghĩ chung khác, đã được công nhận đúng. Chỉ bàn đến những quan điểm đám đông gây nhiều tranh cãi, những thứ hình thành nên cách cư xử dựa trên lối suy nghĩ được kiến tạo từ một cộng đồng đã quá quen với một số phương cách đến mức biến nó thành thông lệ và chuẩn mực. Tạo thành những nhãn dán. Dán lên chúng ta một cách ngang nhiên và chắc chắn.

Hậu quả của sự hình thành nhận thức theo đám đông này là nhào nặn ra những đứa trẻ không có gì khác đám đông. Chúng mặc nhiên coi mọi điều được dạy đều đúng đắn, phù hợp và không thể làm trái. Thậm chí không bao giờ có suy nghĩ ngờ vực những điều được dạy, cho tới khi chúng đủ lớn để tự nhận thức trong quá trình nhìn lại (có một sự thật đáng buồn là việc nhìn lại này không phải sẽ xảy ra với tất cả). Sự nhất quán trong lối tư duy và hành động của cộng đồng thân thuộc, môi trường sống chính trong quá trình hình thành nhận thức của đứa trẻ sẽ khiến nó tin mọi điều đó đều là chân lý.

bí quyết sống hạnh phúc mỗi ngày

Những nhãn dán này định hình bạn một cách vô hình và rất tinh vi. Bạn hẳn đã nghe đến những điều như thế này:

– Con gái thì vào làm Nhà nước thôi, cho đỡ vất vả, chứ làm ngoài mệt lắm, sức con không theo được đâu.

– Học vẽ ra khó xin việc lắm, học Ngân hàng phù hợp với em hơn.

– Nhà em có sẵn thế rồi thì cứ tiếp nghiệp của bố mẹ đi.

– Mày đúng là không biết gì về Toán.

– Những việc như này con không cần làm, việc của con là..

– Đừng nói chuyện với người lạ, tất cả những người nhuộc tóc và xăm mình đều không có gì tốt đẹp.

– Mày ham chơi như thế này, học hành thì lẹt đẹt, chẳng có tài năng gì, sau này chắc cũng chẳng làm được gì. Hướng phát triển đấy không hợp với mày đâu.

– Cái đấy đã có ai làm đâu. Làm sao con làm được.

– Con trai phải yêu con gái.

Sự tinh vi ở đây là bạn dần tin vào chúng. Bạn tin là mình làm Luật sư sẽ tốt hơn, tin rằng mình không thể học được toán, tin rằng con đường duy nhất ai cũng đi là tốt nghiệp cấp 3, vào Đại học, xin việc, lập gia đình, tin rằng đánh giá con người qua vẻ ngoài là chính xác, tin rằng mọi điều thầy giáo nói đều đúng, tin rằng không nói ra suy nghĩ của mình là lịch sự, tin rằng luồn cúi là cách duy nhất để thăng tiến..

Một con cá sống trong nước thì không thể không bơi.

Nhưng đến khi con cá đó đủ nhận thức, nó cần biết cách chịu trách nhiệm về việc tạo ra mình và giữ được mình.

Cần biết Con người không phải những món hàng, được sản xuất, đóng gói, dán nhãn và in thành phần phẩm chất. Một người thật sự có thể biết được người khác có thể và không thể làm được gì? với Ngọc Anh sự phán xét chủ quan này cũng giống như việc xem voi của đám thầy bói. Không hơn.

Việc bạn tin vào điều gì không ai có quyền phán xét, bởi niềm tin giống như gió vậy chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn thấy hay lý giải. Nhiều người nghĩ niềm tin mang tính cá nhân rất cao, nhưng với thực tế hiện nay thì không phải, đã có rất nhiều niềm tin được lập trình, đã có những niềm tin kiểu hệ thống.

Bây giờ, hãy nghĩ, nếu không có những định nghĩa trên, thì bạn muốn làm gì cho cuộc sống của mình?

Cuộc sống của bạn đã có thể khác như thế nào? tồi tệ hơn? tốt đẹp hơn? tự do hơn? thoải mái hơn? dễ chịu hơn? vui vẻ hơn? hay tồi tệ hơn?

tại sao bạn cần phải học bí quyết sống hạnh phúc mỗi ngày

Nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị dán nhãn, hãy thử một vài cách dưới đây để thoát khỏi tình trạng đó. Còn nếu bạn thấy nhãn mác đấy cũng khá hợp với mình, xin đừng bình luận gì chuyện suy nghĩ theo những vết hằn ở đây là đúng hay sai. Chúng ta sẽ bàn đến chúng trong những bài viết khác. Ở bài viết sau Ngọc Anh sẽ xin phép được chia sẻ với các bạn về việc làm thế nào để tự định được hướng đi trong cuộc đời và tiết lộ những sự thật hoàn toàn khác với những gì bạn vẫn được nghe về đam mê.

– Đầu tiên, bạn cần dần dần loại bỏ suy nghĩ: để ý quá nhiều về chuyện người khác nghĩ gì về mình. Bạn hiểu rằng cho đến cuối cùng điều ấy cũng chỉ khiến bạn dành cả đời phấn đấu để trở thành “dâu trăm họ”. Mà bạn biết chuyện các nàng dâu rồi đấy.

– Cứ định nghĩa Hạnh phúc theo cách bạn thấy chúng khiến bạn hạnh phúc. Hạnh phúc của bố mẹ bạn có thể là sự ổn định, của người yêu bạn có thể là có nhiều tiền, của bạn bạn có thể một bà mẹ đơn thân, của anh trai bạn có thể là mở một công ty lớn và tạo dựng hàng tá mối quan hệ, nhưng của bạn chỉ là một công việc đủ sống, dành tiền đi du lịch một mình, đọc sách và sống trong một ngôi nhà giản tiện. Thì cũng chẳng sao. Hạnh phúc không có giá hay thước đo để đong đếm. Chỉ cần bản thân bạn thấy, thế là đủ. Bạn có quyền tuyệt đối với cuộc sống của mình.

Tự nhận thức điểm mạnh và yếu của bản thân. Hãy trân trọng những kết quả tốt mà điểm mạnh của mình mang lại, và hãy kiên nhẫn và bao dung với những khuyết điểm của bản thân.

Hãy gỡ những cái nhãn đang dán quanh bạn xuống. Và nhìn lại tất cả những kết quả chúng đã mang đến cho bạn. Tự bạn sẽ biết mình nên làm gì với chính mình. Đứng tin rằng tất cả những gì Ngọc Anh chia sẻ với các bạn đều đúng, hãy cứ nghĩ theo cách của bạn, hãy cứ dũng cảm mở rộng khả năng và hiểu biết của bản thân rộng hết mức có thể.

“Ta hay chê cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn tự trong tâm

Đất ấp ôm cho mọi hạt nẩy mầm

Nhưng chồi non tự vươn mình tìm ánh sáng.

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.”

                                                    (Nguyễn Quang Vũ).