Bàn về những nỗi trăn trở xoắn ruột của kiếp làm thuê: Đi hay ở? Đợi nhảy việc hay cứ thế bỏ việc?

Trong những ngày hoang mang của giai đoạn tiền khủng hoảng có-báo-trước lần thứ 2 trong công việc, tôi bỗng nhớ lại cuộc “đại mạo hiểm” bỏ việc lần đầu của mình. Nhớ lại để thấy rằng mọi việc đều sẽ có cách giải quyết, chỉ cần bạn còn sống. Tôi muốn nói là sống, chứ không phải tồn tại.

Trước khi bắt đầu, tôi chỉ muốn nói rằng: Công việc – trong chán ngoài thèm, đừng thấy ai đó muốn bỏ việc mà kêu người ta “có phúc không biết hưởng”, rằng “ngoài kia còn đầy người thất nghiệp”, rằng “mày yêu cầu cao quá”… Vì trước khi để suy nghĩ ấy nhen nhóm và sinh trưởng như dây leo bám chặt lấy tâm trí, trước khi dám nói suy nghĩ ấy ra thành lời với những người xung quanh, họ cũng đã cân nhắc đắn đo, nhấc lên đặt xuống, đã tổng sỉ vả bản thân chán chê bằng chính những lời bạn định nói với họ rồi. Nên đừng chê trách nhau nữa, họ tìm đến bạn vì họ tin bạn, họ muốn tìm kiếm một sự trấn an tâm lý trước khi cơn khủng hoảng ập đến. Vì thế, nếu có ai đó cứ mãi kể lể với bạn chuyện chán việc/ muốn nhảy việc/ bỏ việc, hãy dành cho những trái tim “mong manh, dễ tổn thương” ấy sự đồng cảm và lắng nghe.

Bàn về những nỗi trăn trở xoắn ruột của kiếp làm thuê: Đi hay ở? Đợi nhảy việc hay cứ thế bỏ việc?

Chuyện “xoắn ruột” 1: Đi hay ở?

Công việc, cũng giống hệt tình yêu thôi, mỗi quyết định nên tiếp tục gắn bó hay cho nhau lối đi riêng đều cần rất nhiều trăn trở. Lần bỏ việc đầu tiên của tôi xuất phát từ sự “không còn phù hợp”. Cụ thể hơn, cùng với thời gian, kinh nghiệm và kỹ năng của ta tăng lên, ta tham vọng nhiều hơn – cả về sự trau dồi bản thân lẫn mức đãi ngộ – nhưng công việc hiện tại không thể đáp ứng được. Giống như một đứa bé lớn dần lên, chiếc áo cũ vốn vừa vặn nay bỗng chật chội, và vì thế, hoặc công ty trao cho ta một “chiếc áo” khác, hoặc ta phải tự tìm lấy “chiếc áo” đó.

Từ lúc tôi nhen nhóm suy nghĩ ấy đến khi đưa ra quyết định thực sự, thời gian phải tính bằng năm. Công việc đầu – giống như mối tình đầu – gắn liền với rất nhiều điều ý nghĩa: đam mê nhất, nhiệt huyết nhất, sáng tạo nhất. Vì thế, khi có ý định từ bỏ, tôi cũng tiếc nuối vô cùng. Sau hơn 2 năm làm việc, khi mục tiêu phát triển bản thân của những ngày đầu mới ra trường đã đạt được, tôi lại lên cho mình những mục tiêu mới, nhưng đáng tiếc, công việc cũ không cho tôi cơ hội đạt được điều đó. Vì vậy, tôi quyết định “chia tay”.

Để nói đến chuyện đi hay ở, tôi nghĩ phụ thuộc rất lớn vào mong muốn của mỗi người. Ví dụ như tôi: muốn tìm kiếm cơ hội để có thể đào sâu chuyên môn hơn, được làm việc ở một môi trường lớn hơn, mức đãi ngộ cao hơn, còn cả cơ hội thăng tiến nữa, đương nhiên vẫn phải là một công việc mình yêu thích rồi. Nhưng có người chỉ cần được làm công việc yêu thích, không đặt nặng tiền lương. Có người lại chỉ muốn công việc ổn định, còn làm gì cũng được. Có người lại đặt mục tiêu nhà gần lên đầu, những thứ còn lại đều có thể cân nhắc (Đừng nghi ngờ, đồng nghiệp cũ của tôi đấy! Đến giờ tôi vẫn còn bất ngờ về tiêu chí này J)

Tùy thuộc mong muốn rồi, quyết định này còn bị ảnh hưởng theo giai đoạn nữa. Ví dụ có thời điểm tôi cần một công việc cho mình chuyên môn sâu bất chấp mức thu nhập. Bởi tôi đánh giá đây là giá trị đàm phán cao nhất của người tìm việc. Có chuyên môn tốt, mọi thứ sau này đều dễ nói chuyện. Tôi đã từng làm như thế thật: chấp nhận mức lương vừa phải để làm một công việc đem đến nhiều mối quan hệ và chuyên môn đa dạng. Tôi còn tập tành làm Freelance Copywriter mà giai đoạn đầu định không nhuận bút cũng làm. May mắn gặp toàn anh chị tử tế vừa cho cơ hội viết lách và chỉ bảo, lại còn trả mức nhuận bút đúng giá thị trường luôn. Có năng lực thế mạnh, tôi mới có lợi thế đàm phán để xin vào một công ty lớn hơn, đạt được mục tiêu tiếp theo: làm việc trong một công ty có “brand” khủng để cải tạo CV, vì hai công ty đầu tiên khá nhỏ, công ty đầu còn không chút tiếng tăm gì.

Công việc thứ ba là một trải nghiệm vừa kinh hoàng vừa giá trị. Tôi phải chấp nhận đánh đổi bằng chuỗi ngày stress triền miên, đi làm không còn biết cuối tuần với ngoài giờ hành chính là gì, cứ sếp gọi chính là thời gian làm việc. Thế nên có lúc tôi còn nghi ngờ quyết định của bản thân là đúng hay sai; nhận đồng lương cao như thế có đáng hay không; hay mình chẳng cần nữa, về với cái máng lợn cũ lương dăm triệu là được… Nói thế thôi chứ cho quay lại, tôi sẽ vẫn lựa chọn như cũ 😀 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” mà!

lam-thue-hay-bo-viec

Làm ở những môi trường như thế một năm phải bằng ở các môi trường nhỏ vài năm. Những thứ bạn đạt được không chỉ là kinh nghiệm công việc mà còn là tầm nhìn, là sức bền bỉ giúp bạn tiếp tục chiến đấu với thế giới hỗn độn một cách đáng yêu này. (Thực ra lý do nữa mà tôi vào đây làm là vì hồi đó đang… thất tình. Thấy bảo môi trường bận rộn, nghĩ có lẽ sẽ đủ bận để quên đi những chuyện không vui. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, bận đến nỗi mà chỉ 3 tháng sau, tôi thậm chí còn không nhớ nổi anh ta tròn méo thế nào nữa =))))))))))))))) Tin tôi đi, áp lực hay bất công ở đâu cũng có, cái duy nhất ta có thể thay đổi chính là khả năng thích nghi của mình. Đáng giá cực kỳ luôn!

Nhưng đương nhiên cái gì cũng có giới hạn thôi. Làm việc mà để stress đến độ không còn cảm nhận được ý nghĩa công việc (có bạn còn không nhận thấy ý nghĩa tồn tại của mình – không hề nói quá đâu) thì đó là lúc ta nên dừng lại. Vì thế, nơi dừng chân tiếp theo của tôi là một công việc “ổn định” – như mong muốn của các bậc cha mẹ. Sự ổn định ở đây được đong đếm bằng thời gian làm việc khá cố định (hiếm khi phải làm thêm giờ hay đi làm cuối tuần), mức lương tương đối, thưởng cuối năm ổn…

Nếu sự lựa chọn này đến vào bất cứ thời điểm nào trước đó, tôi cũng sẽ bỏ qua. Bởi lẽ tôi đánh giá là công việc này không phù hợp mong muốn của mình (về lĩnh vực hoạt động của công ty, không phải chuyên môn công việc), cộng thêm môi trường khá nhàm chán và ì ạch. Nhưng lúc ấy, có lẽ cũng chẳng có công ty nào phù hợp với tôi hơn chỗ này, khi mà tôi đang quá stress và mong muốn một sự “ổn định” đến vậy. Và còn bởi tôi nghĩ rằng mình cần học thích nghi với những điều bản thân không thích, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng vận động theo ý mình.

Suy nghĩ này đúng, và cũng không đúng. Đúng là bởi chúng ta thực sự cần học cách thích nghi. Còn không đúng là bởi mọi quyết định đừng gạt bỏ suy nghĩ của trái tim, đừng làm việc mình không thích mà chỉ vì lợi ích, nếu không, theo sau đó sẽ là chuỗi ngày vô định. Có những người không đặt nặng sự yêu thích, hoặc có thể họ đủ lý trí để làm những điều đó. Nhưng tôi thì không thể, vì vậy, tôi lại quyết định chuyển việc. Tôi muốn tìm về những ngày tháng công việc đam mê và nhiệt huyết, được sống trong một môi trường năng động và hứng khởi. Và dù thế nào, tôi vẫn cảm ơn “khoảng lặng” mà công việc “ổn định” này đã đem đến cho mình.

Câu chuyện về lý do bắt đầu và kết thúc trong từng công việc mà tôi đã làm chỉ để nói với các bạn rằng: quyết định đi hay ở trong công việc không có đúng hay sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Phù hợp về con người, phù hợp về hoàn cảnh, phù hợp về định hướng. Với mỗi quyết định, dù là chủ động hay bị động, ta đều sẽ nhận được và mất đi. Nhận được đừng đắc ý, mất đi đừng hối hận. Bởi cuộc sống còn tiếp diễn, được mất đan xen, ai biết sau thất bại liệu có phải là mở đầu của một thành công?

Nếu không có những ngày mất phương hướng, mất mục tiêu sau lần bỏ việc đầu tiên, tôi sẽ không vì mưu sinh mà tập tành viết lách, để từ đó mở ra con đường trở thành một Copywriter và sống với nó. Như vậy, bỏ việc là mất hay được?

Nếu không vì đẹp CV (và cả vì thất tình nữa, huhu), tôi sẽ không bước vào một môi trường áp lực đến thế để nhận lấy những stress, và cả sự trưởng thành. Như vậy, nhảy việc là được hay mất?

Nếu không vì quá stress, tôi sẽ không lựa chọn một công việc “ổn định” mà nhàm chán. Như vậy, tiếp tục lần nhảy việc này, là mất hay được?

(Vì nhàm chán, tôi lại tiếp tục nhảy, và lần này không biết là được mất ra sao đây. Hãy chúc phúc cho tôi, huhu)

Chuyện đời khó nói trước, vì thế, hãy cứ quyết định đi, quyết định theo mong muốn thực sự của bản thân một cách có kế hoạch (không dám nói là hãy như tôi nhưng ít nhất hãy đưa ra một quyết định có cơ sở tính toán chứ không phải vì người này người kia nói có vẻ hợp lý) và dũng cảm chịu trách nhiệm với nó. Hãy nhìn nhận mọi việc ở góc độ tích cực thì bạn sẽ thấy mình luôn là kẻ được hời. Ví dụ thất nghiệp không lương ảnh hưởng đến miếng cơm nhưng bạn có được những ngày thảnh thơi (dù lúc đói chết thì thảnh thơi cũng không mài ra cơm, huhu), hoặc là bài học rằng xúc động bỏ việc là ngu ngốc, đừng bao giờ tái phạm (nghe ổn hơn chưa?) Hoặc công việc stress nhưng sẽ tôi luyện bạn thành một người trơ lì hơn, sau này gặp phải những chuyện tương tự sẽ thấy chẳng là gì cả.

Tôi rất thích một câu nói: “Mọi thứ đến tận cùng đều sẽ ổn. Nếu chưa ổn tức là chưa phải tận cùng đâu.”Nó có tác dụng như một liệu pháp trấn an tâm lý vậy với tôi (hoặc là tự AQ bản thân cũng nên). Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn.

Chuyện “xoắn ruột” 2: Đợi nhảy việc hay cứ thế bỏ việc?

Tạm kết lại câu chuyện đi hay ở, tôi tin rằng khi đã quyết định đi rồi thì lựa chọn “nhảy việc” hay “bỏ việc” cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều người. Và bản thân tôi ngay lúc này cũng vậy. “Nhảy việc” thành công đương nhiên vẫn là tốt nhất. Con đường công việc không bị ngắt quãng, không bị nỗi lo thiếu ăn ám ảnh, không phải giải trình và trấn an tinh thần phụ huynh ở nhà, bla bla bla… Nhưng nếu trời không chiều lòng người, bạn đã đi đến cực hạn của vấn đề và cơ hội mới vẫn chưa tới, liệu có nên “bỏ việc” trước rồi tính sau? Tôi sẽ không trả lời nên hay không (nhỡ có vấn đề gì, tôi không chịu trách nhiệm được đâu, huhu) mà tôi muốn hỏi: Kế hoạch tiếp theo của bạn là gì?

Nếu thực sự đến một ngày bạn nghĩ rằng tiền sinh hoạt, CV đẹp, ánh mắt người khác nhìn mình, tương lai phía sau… không còn là vấn đề cần quan tâm nữa mà chỉ muốn được giải thoát ngay lập tức khỏi nỗi khổ công việc hiện tại, vậy hãy lên kế hoạch “bỏ việc” một cách chu đáo, để nỗi lo cơm áo gạo tiền gì đó sẽ không làm bạn stress chồng lên stress. (Lời khuyên này chỉ dành cho các bạn thận trọng và suốt ngày lo lắng như tôi, để việc được sống theo ý mình không làm ảnh hưởng đến nhịp sống thường ngày. Còn các trường hợp được bố mẹ bao nuôi; hoặc kiểu sống chết mặc bay, thích thì làm, không cần quan tâm ăn gì; hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”, nghỉ việc không lo chết đói thì tôi không nói làm gì rồi.) Tôi có một vài gợi ý đúc kết từ kinh nghiệm xương máu của bản thân muốn chia sẻ cùng các bạn.

lam-thue-hay-bo-viec-1

  • Tiết kiệm chi phí sinh hoạt: Đây là vấn đề lớn nhất. Kể cả khi đang viên mãn với công việc, hãy tính đến khả năng một ngày nào đó bạn sẽ muốn “vứt hết tất cả để mà đi” để tích lũy tài chính từ giờ là vừa. Hãy tiết kiệm một khoản tiền đủ để chi tiêu tối thiểu trong nửa năm đến một năm trước khi đưa ra quyết định. Sự tích lũy tài chính này là nguồn an ủi rất lớn để nhỡ có lúc uất quá không chịu được nữa, bạn có thể mạnh dạn đập bàn nói với sếp: “Em nghỉ việc!” mà tạm thời chưa chết đói.
  • Không ngừng rải CV xin việc: Hãy xem xét lại quá trình xin việc của mình và điều chỉnh các yếu tố. Ưu tiên lúc này là kiếm được hoặc tạm kiếm được một công việc phù hợp đã, đừng nhất thiết phải đạt được 100% các tiêu chí của bạn, không thì sẽ chết vì đói trước khi chết vì không được làm việc đúng đam mê đấy! Hãy xác định điều bạn cần nhất lúc này (tiền lương/ kinh nghiệm/ môi trường/ vị trí…) và hạ dần các tiêu chuẩn còn lại xuống cho đến khi tìm được việc. Những thứ còn thiếu ta sẽ bù đắp sau.
  • Kiếm việc làm thêm: Trong lúc sống bằng tiền tiết kiệm và tiếp tục xin việc, hãy làm thêm. Việc làm thêm này cần kiếm ngay từ lúc bạn còn đi làm ấy, để nghỉ một cái là bắt tay vào làm thêm luôn, tự dưng trong lòng cũng không có cảm giác “thất nghiệp”. An ủi rất lớn lần thứ 2 đấy! Mà thực ra kiếm việc làm thêm trước cho yên tâm thôi. Bỏ việc xong cứ chơi vài tuần đã để lấy lại năng lượng, sau đó làm cũng được. Đừng để bản thân rơi vào tình huống từ “được nghỉ ngơi” thành “bị nghỉ ngơi” không thời hạn nhé!
  • Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp: Cái này cũng nên xác định trước khi nghỉ. Bạn nghĩ mình muốn/ cần/ nên đầu tư vào kỹ năng hay chuyên môn nào? Đầu tư như thế nào? (Đi học thêm các khóa/ Đi học thông qua công việc làm thêm/ Tự học trên mạng…) Nó có thể mang lại cho bạn những gì? (Kiến thức/ Kỹ năng/ Tiền lương từ việc làm thêm…) Những điều này tốt cho chính bạn và cho CV của bạn nữa, rất khuyến khích khám phá năng lực bản thân. Tôi đã từ đứa rất ngại viết trở thành một Freelance Copywriter (bên cạnh công việc chính) chỉ vì như thế đấy!
  • Chuẩn bị tâm lý “mọi việc rồi sẽ ổn thôi”: Kể cả đã khi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng như trên, trong khi vẫn còn tỉnh táo (chưa mắc chứng hoảng loạn sau bỏ việc), bạn nên chuẩn bị sẵn ‘bài diễn thuyết” trấn an tâm lý bản thân. Bởi những biến số trong quá trình sau khi bỏ việc có thể tác động rất lớn đến tâm lý và khiến bạn gục ngã. Tôi còn từng cảm thấy tự ti với suy nghĩ hay mình không giỏi như mình vẫn tưởng? (Mà có khi thế thật ấy chứ) Chẳng nhẽ mình chỉ là một người bình thường thế này thôi sao? Sau tôi nghĩ: Thế giới 7 tỉ người, được bao nhiêu người là phi thường, bao nhiêu người là giỏi hơn mức trung bình một chút? Mình không dở hơi bất thường đã là đóng góp lớn cho nhân loại rồi. Tự nhủ với lòng: Ta có thể bình thường, nhưng ta không tầm thường.

Khi viết những điều này để chia sẻ cùng các bạn, chẳng phải tôi đang khoe khoang kinh nghiệm hay rao giảng điều gì, chỉ là tôi cũng đang kiếm tìm sự sẻ chia và khích lệ trong cuộc “đại mạo hiểm” lần 2 – đấu tranh giữa việc đợi nhảy việc hay cứ thế bỏ việc. Bởi câu chuyện của tôi đã diễn biến đến tình huống không còn có thể cố gắng để cải thiện nữa rồi, chỉ muốn “buông đôi tay nhau ra” thôi. Tôi đã tìm đến một chuyến du lịch xa để cân bằng tâm lý và bình tĩnh nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo. Và khi đứng giữa trời cao biển rộng, thấy cuộc đời rộng dài là thế, chẳng nhẽ ngoài chỗ này, không còn chốn nào khác cho tôi dung thân? Không đâu, khi cứ gục mặt vào nỗi phiền muộn của bản thân thì làm sao ta có thể nhìn thấy những cánh cửa khác?

Vì thế, tôi đã có sự lựa chọn cho mình. Tôi tin bạn cũng vậy. Kể cả khi đang đi xin lời khuyên từ người khác, tôi tin bạn cũng đã có quyết định, chỉ là muốn tìm kiếm thêm điểm tựa niềm tin cho bản thân mà thôi, giống tôi lúc này vậy.

Tôi nghĩ rằng với mọi bế tắc chúng ta đang gặp phải, hẳn đâu đó sẽ có một cách giải quyết tốt hơn là chỉ chịu đựng. Vì ngay cả khi đâm đầu vào ngõ cụt, nếu muốn, ta vẫn có thể trèo tường cơ mà!

Nguồn YBOX