30 tuổi – Cuộc đời bình thường, sự nghiệp dậm chân, giả vờ sống ổn?

Nhất định đừng lựa chọn an nhàn vào độ tuổi nên phấn đấu nhất vì đó là hành động tàn nhẫn nhất đối với bản thân bạn. Chỉ có lựa chọn trưởng thành, mới là phần thưởng tốt nhất cho tương lai.

Chúng ta đều nhận thấy rằng những người gặt hái được thành công trong sự nghiệp thường có một đặc điểm chung đó là họ “cày sâu cuốc bẫm” trong lĩnh vực sở trường mà họ quen thuộc ít nhất là 10 năm trở lên.

Còn những người không thể tìm thấy vị trí của mình trong sự nghiệp thường là những người cứ cách 1, 2 năm lại thay đổi mục tiêu định hướng, chưa bao giờ chuyên sâu tích luỹ ở một lĩnh vực nhất định nào đó.

Đương nhiên ngoài nhân tố thường xuyên nhảy việc ra vẫn còn một nhân tố khác đó là đã chuyên sâu tích luỹ ở một lĩnh vực nào đó nhưng lại là kiểu tích luỹ mang tính “lao động lặp lại”, khiến sự nghiệp phát triển của bạn luôn “giậm chân tại chỗ”.

1. Gánh nặng gia đình

Đừng cho rằng bạn còn trẻ nữa, đừng cho rằng rất nhiều thứ vẫn đang ở rất xa bạn, cho dù bạn đang suy sụp chán chường hay bận rộn thì thời gian vẫn đang vèo vèo trôi đi, bạn đang già đi với tốc độ chóng mặt.

Có những vấn về mà cho dù bạn có muốn đối mặt hay không thì giai đoạn trưởng thành vẫn quyết định rằng bạn sẽ phải gánh vác những trọng trách tương xứng với độ tuổi của bạn.

Đại đa số mọi người khi đến tuổi này đều sẽ suy nghĩ đến vấn đề gia đình. Nếu như bạn đã thành gia lập nghiệp thì bạn nhất định phải tỉnh táo ý thức được rằng: “Sự nghiệp của bạn sẽ phát triển như thế nào mới có thể bảo đảm giúp bạn chống đỡ được gánh nặng gia đình? Không chỉ bao gồm vợ của bạn mà còn có cả con cái và cha mẹ bạn nữa (nhất là khi cả hai bên đều là con một, bạn sẽ phải gánh vác trọng trách phụng dưỡng cả bố mẹ hai bên)”.

Đến giai đoạn này, áp lực của bạn sẽ tăng lên gấp bội, nếu như sự nghiệp của bạn không bội tăng lên tương ứng mà lại tụt lùi đi bằng một hình thức nào đó thì việc phát triển sự nghiệp của bạn sẽ phải đối mặt với càng nhiều áp lực hơn. Sẽ có nhiều lúc những áp lực này sẽ khiến bạn không còn dư sức để mưu cầu những cơ hội phát triển tốt đẹp hơn.

Rất nhiều người khi nhảy việc thường sẽ có một điều lo lắng rất lớn đó là: Nếu như thu nhập của bạn sau khi nhảy việc không được cao như hiện tại thì bạn còn dám tuỳ tiện hành động không? Bạn còn dám không? Bạn còn đủ gan dạ và dũng khí không?

Bởi vậy nếu muốn hành động thì phải nhân lúc còn sớm, nhân lúc bạn chưa phải đeo lên mình gánh nặng gia đình. Trang bị nhẹ nhàng ra trận, dốc toàn sức lực xông lên phía trước, đó là sự lựa chọn duy nhất của bạn.

Tuyệt đối không được an nhàn hưởng thụ vào lúc này nếu không nửa sau cuộc đời của bạn sẽ mãi mãi “bị an nhàn” trong sự tầm thường và không có tài cán gì.

2. Sự nghiệp

Tại sao rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển chọn nhân tài thường quy định rõ yêu cầu có ít nhất là 5-10 năm kinh nghiệm? Bởi thời gian làm việc đồng nghĩa với việc tương xứng về đẳng cấp năng lực. Cùng là 1 công việc nhưng năng lực tích luỹ được trong 5 năm và 10 năm là hoàn toàn khác nhau nên trách nhiệm có thể gánh vác được cũng sẽ không giống nhau.

Thời gian làm việc của bạn càng dài thường đồng nghĩa với việc năng lực của bạn càng cao, giữa chúng có một mối quan hệ bội tăng chính hướng. Nếu như bạn làm trái ngược lại với mối quan hệ này thì bạn khó mà nhận được sự khẳng định của các đơn vị tuyển dụng khiến bạn mất đi những cơ hội phát triển tốt.

Đây là tình huống tương đối nan giải và hóc búa, năng lực và tuổi tác không tương xứng với nhau. Rất nhiều người đã làm việc tới 3-5 năm mà năng lực lại không khác gì so với những người làm việc 1 năm, khi sự nghiệp của họ muốn đột phá tiến lên chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều sự cản trở.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Một là thường xuyên nhảy việc, không có sự tích luỹ trong bất cứ một mục tiêu hay phương hướng nào. Hai là mặc dù tích luỹ lâu dài trên một mục tiêu hay phương hướng nào đó nhưng chỉ trưởng thành và tích luỹ được trong năm đầu tiên còn những năm sau chỉ là lặp lại những hành động tương tự, giậm chân tại chỗ.

Bởi vậy ngay từ bây giờ các bạn đã đang và sắp 30 hãy thận trọng xem xét lại: Từ khi ra trường tới giờ bạn đã đi làm được mấy năm rồi? Năng lực mà bạn đã tích luỹ được có tương xứng với độ tuổi của bạn không?

Nếu chưa tương xứng thì hãy nhanh chóng dự cảm những nguy cơ mà bạn có thể sẽ gặp phải đồng thời tăng tốc tiến lên để bù đắp lại khoảng cách với những người đã đi trước để đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bị người khác hất xuống ngựa trong quá trình cạnh tranh.

3. Khả năng phát triển

Tôi có một người bạn, cậu ấy đã từng làm kinh doanh 5-6 năm và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh thực tế khá phong phú. Một lần cậu ấy nhảy việc và nộp đơn phỏng vấn chức vụ giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp khá nổi tiếng.

Trong quá trình phỏng vấn tất cả những câu hỏi liên quan tới quy trình thao tác làm việc thực tế cậu ấy đều trả lời rất trôi chảy, nhưng khi đến những câu hỏi cao cấp hơn về mặt hệ thống và chiến lược thì đầu cậu ấy lại trống rỗng.

Tôi tin rằng có rất nhiều bạn đã từng làm việc 5-6 năm cũng sẽ cảm nhận được rằng về phương diện thao tác cho dù là quy trình hay là kỹ năng phương pháp đều có thể nắm rõ trong lòng bàn tay nhưng đối với những vấn đề ở góc độ cao cấp hơn thường sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu.

Trên thương trường những người có chức vụ và đẳng cấp khác nhau thì những việc mà họ làm cũng sẽ không giống nhau, dĩ nhiên tầm mắt và phương thức tư duy cũng có sự khác biệt. Một người nhân viên nghiệp vụ thường sẽ nghĩ cách để làm thế nào để lấy được lòng khách hàng và cấp trên nhưng đây chỉ là chiến thuật và trách nhiệm công việc.

Nhưng nếu là quản lý kinh doanh cao cấp lại giống như nhân viên nghiệp vụ hàng ngày chỉ nghĩ tới việc lấy lòng cấp trên tức là không làm tròn bổn phận của mình.

Quá trình vận hành doanh nghiệp là do chiến lược và chiến thuật cấu thành. Chiến lược lớn sẽ chia nhỏ thành những chiến lược nhỏ, chiến lược nhỏ lại chia thành những chiến thuật để nhân viên cấp dưới căn cứ thực thi. Con người ở những tầng cấp khác nhau sẽ phụ trách những công việc có mức độ cao khác nhau. Mỗi người một việc, mỗi người một trách nhiệm đó chính là ý nghĩa tồn tại của việc hợp tác nhóm.

Cũng giống như vậy, con người ở những cấp độ khác nhau cũng có trình độ kiến thức khác nhau. Cấp độ càng cao thì con mắt nhìn nhận vấn đề và suy nghĩ tư tưởng cũng càng cao, bởi vậy trình độ kiến thức của bạn cũng phải phát triển và đột phá nếu không năng lực của bạn sẽ mãi mãi dừng lại ở cấp độ cơ bản và dĩ nhiên bạn sẽ không có tiền đồ phát triển không có cơ hội thăng cấp.

Theo Cafebiz

>>> Ở tuổi 50, đây là 15 điều tôi biết tuổi trẻ thường bỏ ngoài tai… để về già lại hối hận