Từ bỏ thói quen mua sắm thoải mái ở siêu thị, hạn chế kéo nhau ra quán, mang cơm đi làm… là những cách kiểm soát chi tiêu khi thu nhập có chiều hướng đi xuống.
Khoảng 2 tuần, chị Dung, 27 tuổi, nhân viên thiết kế ở quận 7 (TP HCM) tới siêu thị để mua sắm vật dụng cần thiết cho gia đình và lần nào chị cũng tốn cả triệu đồng, dù ban đầu chỉ định chọn vài thứ lặt vặt. Từ 2 tháng nay, chị từ bỏ thói quen này vì sợ không cưỡng lại nổi sức hút của nhiều chủng loại mặt hàng trong không gian rộng lớn của siêu thị. Thu nhập hiện tại của chị khá bấp bênh khi công ty không đạt được doanh số như kỳ vọng và thu hẹp quy mô hoạt động. Sau 2 đợt điều chỉnh lương, giờ đây chị chỉ nhận 8 triệu đồng một tháng nên phải tính toán lại các khoản chi trong tháng.
Các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa gần nhà hoặc trên đường đi làm về được chị ưu tiên hàng đầu. Giờ đây, cứ thiếu vật dụng gì, chị ghé vào 2 nơi này chọn lựa, mua đúng những thứ mình cần dùng, tránh tình trạng “thấy cái gì cũng muốn mua” như trong siêu thị. “Hết chai nước mắm, dầu ăn hay gói hạt nêm…., tôi vào cửa hàng tiện lợi hoặc tiệm tạp hóa mua cho gọn, lại kiểm soát được mức chi trong ngày”, chị nói.
Chị tính toán, nếu mua ở siêu thị được hưởng khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm rất hấp dẫn. Nhưng khoản “tiết kiệm” nhờ giá ưu đãi này chẳng bù nổi vào kiểu sắm “vung tay quá trán”, thậm chí còn mang về nhà nhiều món đồ chưa cần thiết chỉ vì ham giá rẻ. Kết quả, chi phí đi chợ cho tháng đó lại vượt kế hoạch.
Công ty sửa chữa máy vi tính của chồng chị mấy tháng nay cũng ế ẩm mà gia đình lại đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng vào cuối năm nên tiết kiệm là mục tiêu hàng đầu vào thời điểm này.
Còn chị Minh, 31 tuổi, nhân viên quảng cáo ở quận 1 nói không với ăn uống bên ngoài từ nhiều tháng nay. Giờ đây, ngôi nhà thuê của chị là điểm tập kết mỗi khi muốn tiệc tùng với bạn bè, người thân, chứ không kéo ra quán như trước, vừa rẻ lại đảm bảo vệ sinh mà ngồi tám chuyện hàng giờ cũng không ngại.
Hai vợ chồng chị cũng hạn chế tối đa ăn tiệm. Cuối ngày, anh chị bàn nhau nấu món gì và cùng lăn vào bếp chế biến nên không mất nhiều thời gian mà tình cảm vợ chồng thêm gắn chặt. Chị nhẩm tính, nếu ăn món thịt luộc mắm tôm bên ngoài, hai vợ chồng tốn khoảng 120.000 đồng mà chẳng thấm vào đâu, trong khi tự mua về nấu chỉ 50.000 đồng. Hoặc gọi 2 phần món bánh tráng bắp bò phải trả 300.000 đồng, nhưng tự chế biến ở nhà rẻ hơn một nửa, lại biến tấu theo đúng sở thích của mình và còn tiết kiệm chi phí đi lại.
Nhiều bà nội trợ thắt chặt chi tiêu trong thời buổi vật giá leo thang. Ảnh: internet
Anh chị cũng hạn chế lui tới các chỗ sang trọng, lãng mạn như thời còn yêu nhau – nơi mà chị từng xót ruột khi uống ly sinh tố bơ 80.000 đồng, trái dừa tươi 50.000 đồng. Tối rảnh rỗi, hai vợ chồng đèo nhau ra các quán bờ sông hóng mát mà giá mỗi ly sinh tố chỉ có 10.000 đồng. Nhờ vậy, hàng tháng, anh chị không còn “đóng góp” cho quán xá bên ngoài vài triệu đồng như năm ngoái.
Vẫn còn độc thân, anh Tài, 25 tuổi, hầu như không bao giờ vắng mặt trong các cuộc họp nhóm cùng bạn bè, thường được tổ chức ở quán cà phê quanh khu vực thành phố vào những ngày cuối tuần. Nhưng từ đầu năm đến nay, việc họp mặt gần như thưa dần, chỉ lèo tèo vài người tham dự và kể cả anh Tài cũng không còn mặn mà góp mặt thường xuyên nữa.
Anh cho hay: “Bạn bè tôi giờ lo làm thêm luôn cả ngày cuối tuần, không còn rảnh để buôn chuyện nữa. Vả lại, bản thân tôi làm nhân viên kinh doanh đang chịu áp lực doanh số hàng tháng nên không còn tâm trí đâu để tham gia hội họp”. Lịch làm việc của anh giờ choán hết tất cả các ngày trong tuần để đạt được doanh số tỷ đồng trong một quý. Hiện tại, lương cố định của anh giảm xuống còn 3,7 triệu đồng một tháng nên nhân viên kinh doanh chủ yếu sống nhờ hoa hồng, căn cứ trên doanh số bán ra. Phòng kinh doanh của anh ai cũng phải lo chạy doanh số nên các đồng nghiệp cũng rất hạn chế bia bọt vào cuối ngày như trước.
Anh tâm sự, giờ kiếm tiền khó khăn nên không muốn ngồi hàng giờ ngoài quán tán gẫu mà thời gian rảnh sẽ ở nhà tự nấu ăn, xem tivi…. Một số đồng nghiệp nữ ở đơn vị của anh còn mang cơm theo ăn trưa để tiết kiệm tiền, bởi suất cơm ở khu trung tâm quận 1 thường khoảng 35.000-40.000 đồng.
Anh chia sẻ thêm, lúc trước, bạn bè tuần nào cũng gặp nhau, nhưng bây giờ có khi 3 tháng mới thấy nhau một lần, chủ yếu hỏi thăm động viên mấy đứa bạn qua tin nhắn điện thoại hoặc trên mạng xã hội.
Theo Nhdmoney