Đã sống là phải mơ và mạnh dạn vượt qua vùng thoải mái, còn “ngoan cố” trong vòng an toàn rất khó để bạn tạo nên được “cú hích” cho cuộc đời

Chấp nhận bơi trong  một “vùng an toàn” để được sống một cách bình an và ổn định thì cái giá mà bạn phải trả sẽ là sự gò bó, mất tự do và không được thỏa thích làm những gì mà bản thân mình mong muốn. Nhưng lạ thay, cái giá đó lại đang được rất nhiều người ưa chuộng và chấp nhận chi trả “gói bảo hiểm trọn đời” cho mỗi vùng an toàn ấy.

Khoảng cách thế hệ tạo ra một lối mòn tư tưởng “ Hãy cứ yên phận thì cuộc đời khắc bình an”

Ở yên trong nhà chơi nhé! Đừng ra đó, ở đấy có ma đấy”

“ Con/ Cháu không được động vào những thứ kia đâu, vì nó sẽ làm bản thân mình đau đấy”

“ Đã bảo rồi mà không nghe, cứ ngồi im một chỗ đừng nghịch ngợm thì đâu có ra nông nỗi này”

Những điều khuyên dạy từ ông bà, bố mẹ ấy đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Nhìn ở chiều tích cực, suy cho cùng tất cả họ chỉ mong muốn cho chúng ta có được một cuộc sống tốt nhất, tránh được những rủi ro không đáng có cho bản thân bởi khi đó chúng ta còn quá nhỏ để nhận thức được đâu là việc làm đúng, đâu là việc làm sai. Nhưng nếu xoay lại ở một góc nhìn khác, những điều răn dạy tưởng chừng như “vô thưởng vô phạt” ấy lại chính là những “hạt mầm” tiêu cực đang được được reo rắc hàng ngày vào tâm trí của mỗi đứa trẻ từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Đến tuổi đi học, thói quen cũ ấy lại được các thầy cô “nhắc lại” thêm một lần nữa như là một lời khẳng định chắc nịch về sự an toàn. Những bài toán được đóng đinh theo công thức có sẵn, những bài văn mẫu được lên dàn ý vội vàng theo một ý tưởng chung để các em có thể dễ dàng nhìn vào để có thể triển khai nhanh thành một đoạn văn ngắn nhằm đối phó với những bài kiểm tra giữa kì hoặc là kì thi cuối cấp. Họa huần ra có những em với cá tính mạnh, trong đầu luôn manh nha với một ý nghĩ là phải làm điều gì khác biệt đi để không giống với phần đông còn lại thì ngay lập tức bị bạn bè chê cười, bị thầy cô trách móc là không tuân thủ lời dặn….Ngay lập tức, ý tưởng về một sự khác biệt kia đã vô tình bị bóp nghẹt ngay từ khi chúng còn trong trứng nước.

Mọi chuyện cứ diễn ra đều đều như thế, cho đến khi tâm trí chúng phải thừa nhận rằng “ Chẳng có chỗ nào tốt hơn ngoài chính vùng an toàn của riêng bản thân mỗi người”

Nhưng suy cho cùng, kết quả được tạo thành một phần lớn phụ thuộc vào hành động của chính bạn. Nếu bạn là một người ngại bão tố, hãy cứ ngoan ngoãn ở trong vùng an toàn ấy. Còn nếu như bạn là một kẻ thích chinh phục, hãy dấn thân để “kiến tạo” dấu ấn riêng

Hẳn bạn vẫn nhớ câu chuyện đi thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng chứ?

Hình ảnh một vòng an toàn được vẽ ra từ chiếc gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không đến tận bây giờ vẫn luôn ám ảnh bản thân tôi. Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao Ngộ Không không liên tục vẽ một vòng an toàn ấy để bảo vệ sư phụ mình trên đường đi thỉnh kinh? Tại sao biết là ra khỏi chiếc vòng bảo vệ ấy là sẽ gặp phải nguy hiểm mà Đường Tăng vẫn năm lần, bảy lượt bước ra để mắc mưu yêu quái? Nhiều lần phát bực tôi phải hét lên, thà ông ta cứ chấp nhận yên phận ở trong vòng bảo vệ ấy thì các đồ đệ đã chẳng phải cực khổ.

Nhưng rồi sau này tôi mới chợt hiểu, nếu như Đường Tăng cứ chấp nhận yên phận ở trong vòng tròn an toàn ấy thì con đường đi thỉnh kinh há chẳng có ý nghĩa gì. Nếu như không gặp phải các kiếp nạn, làm sao biết được tinh thần và ý chí của mình được rèn luyện đến đâu, và nếu như con đường đến thành công cứ im lặng không có một đợt sóng thì con đường đó sớm muộn gì cũng sẽ bị hỏng bởi một tác động rất nhỏ nào đó mà thôi.

Tôi muốn mượn câu truyện và hình ảnh của bộ phim Tây Du Kí ấy để có thể giúp các bạn dễ dàng hình dung và liên tưởng một cách dễ dàng hơn về chính mình. Tôi biết trong mỗi các bạn đều có một “vùng an toàn” riêng, được đóng kĩ càng và cố định đến mức chẳng mấy ai trong số các bạn có thể dễ dàng từ bỏ nó cả, nhưng các bạn có đồng ý với tôi rằng bề ngoài các bạn muốn sống an toàn nhưng bên trong lúc nào cũng muốn được tự do là chính mình không? Để tôi ví dụ nhé :

Các bạn nhiều khi thực sự nhàm chán với công việc hiện tại, muốn đứng ra khởi nghiệp để thực hiện một dự án riêng mà bản thân đã ấp ủ bấy lâu. Nhưng rồi vì sợ ngã đau, vì sợ không có kinh nghiệm nên lại đành thôi.

Các bạn muốn được làm chủ, được tự do về tài chính, nhưng các bạn không chịu nghĩ cách để làm tăng thu nhập ( buôn bán, kinh doanh) . Hoặc có bạn đã từng nghĩ nhưng lại chẳng thể biết mình bắt đầu như thế nào? Các bạn lười, sợ khó, sợ khổ vì đang quen với công việc ngày 8 tiếng….Và thế suy nghĩ đó lại chỉ nằm trên giấy

Các bạn muốn làm mới thêm các mối quan hệ, nhưng lại không chịu mở rộng vùng thoải mái của mình để kết giao với những người bạn mới. Thử hỏi như thế thì đến bao giờ bạn mới thành công?
Các bạn chỉ thực có được tất cả những điều trên nếu như các bạn “dám dấn thân và dám thay đổi”, thay đổi từ góc nhìn, từ thói quen sẵn có, từ tập tính sinh hoạt hàng ngày…Chỉ có như thế bạn mới dần thoát ra khỏi vùng an toàn bạn đang sống.

Tuổi trẻ của chúng ta chỉ có một lần duy nhất, nhưng cơ hội để các bạn làm mới mình thì vẫn luôn rộng mở, điều đáng sợ không phải là sự thất bại hay vấp ngã…Mà điều đáng sợ chính là cách bạn chấp nhận “ẩn mình” trong suốt hơn 60 năm cuộc đời. Vì lẽ đó, hãy cứ mạnh dạn và bước ra một vùng thoải mái rộng lớn ở ngoài kia, hãy vứt bỏ những gì cũ kĩ vốn đã quá nhàm chán vây quanh bạn.

Đến khi bạn đã sẵn sàng và thực hiện được những điều đó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và tuyệt vời hơn rất nhiều.

Mr Why Phạm Ngọc Anh