9 Bước Cần Chuẩn Bị Cho Việc Kinh Doanh Nhà Hàng Thành Công (Phần 1).

Bạn nuôi ước mơ mở một nhà hàng nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu và cần chuẩn bị những gì? Hy vọng một vài bước căn bản dưới đây sẽ giúp ích được bạn trong quá trình set-up nhà hàng của riêng mình.

1.Trang bị kiến thức kinh doanh nhà hàng cơ bản:

Với tư cách là chủ nhà hàng hay là người quản lý bạn nhất định phải trang bị cho mình những hiểu biết  nhất định trong việc điều hành nhà hàng một cách thuận lợi và hợp pháp. Trong đó đặc biệt chú ý đến những kiến thức về:

  • Ẩm thực: không nên nghĩ rằng là chủ nên việc của bạn chỉ cần quản lý và điều hành là đủ. Bạn càng sâu sát và hiểu biết về ẩm thực bao nhiêu, thực đơn của bạn càng chất lượng bấy nhiêu.
  • Tổ chức quản lý: hãy chắc rằng bạn biết những điều cơ bản về công việc chính ở mỗi bộ phận, cách sắp xếp nhân sự, cách giải quyết mâu thuẫn..
  • Tài chính: để biết số vốn bạn cần bỏ vào. điểm hòa vốn, lãi lời hàng tháng, hàng quý..
  • Marketing: bạn có thể sẽ thuê riêng một người làm Marketing, nhưng cũng như việc set-up menu vậy, phần chính vẫn phụ thuộc vào bạn. Bạn chỉ yêu cầu đúng một công việc, khi bạn hiểu nó.

2. Nghiên cứu thị trường mục tiêu:

Ngành kinh doanh nhà hàng ngày nay yêu cầu một sự chuyên môn hóa cao hơn rất nhiều, ẩm thực thậm chí đã biến thành một nghệ thuật. Bạn không thể ôm đồm mở một nhà hàng đáp ứng cho đủ các kiểu khách hàng và đại diện cho đồ ăn của cả trăm vùng miền. Điều này đúng ngay cả khi bạn chỉ định mở một nhà hàng nhỏ hay thậm chí quán bia vỉa hè. Tính chủ đề rõ nét như nhà hàng Việt Nam, Ý, Pháp, Trung Hoa,… chính là một trong những yếu tố giúp cho việc kinh doanh nhà hàng thành công.

setup nhà hàng

Khách hàng của bạn xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội với trình độ văn hóa khác nhau. Là người cung cấp dịch vụ, bạn cần phải đáp ứng ở mức tốt nhất mọi yêu cầu của khách hàng. Sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ ăn uống là cực kỳ dễ đánh giá, nên bạn phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng đồ ăn, dịch vụ, không khí trong cửa hàng, các chương trình ưu đãi, tri ân… Không có một nhà hàng nào đủ sức hấp dẫn tất cả mọi người, đó là một thực tế mà nhiều người mới bước vào kinh doanh khó chấp nhận. Hãy chỉ nhắm vào 5 hay 10% thị trường và phục vụ tốt, thế là bạn đã thành công.

Bạn có thể phân đoạn thị trường theo độ tuổi, theo thu nhập, sở thích hay nhà hàng đặc thù (nhà hàng dinh dưỡng, nhà hàng ăn chay…). Tuỳ từng cách phân đoạn, bạn tìm hiểu đặc điểm của từng đối tượng để có cách thức kinh doanh phù hợp. Ví dụ phân đoạn theo độ tuổi:

  • Chưa đi làm: Là những người trẻ tuổi, có nhu cầu thể hiện mình và tụ tập bạn bè cao, họ cần những không gian mở sôi động, đẹp, chất, những mẫu đồ ăn được bày biện hấp dẫn, lạ.
  • Đã đi làm: Đây là những đối tượng cần khá nhiều không gian yên tĩnh, một là để bàn công việc, hai là nghỉ ngơi. Họ cần những nơi sách sẽ, lịch sự, tương đối khép kín và tiện nghi. Một phần sẽ yêu cầu sự sang trọng. Phụ thuộc vào phân khúc khách hàng bạn chọn.

Việc chọn được thị trường mục tiêu và nhóm khách hàng chủ lực là cực kỳ quan trọng trong việc kinh doanh nhà hàng thành công.

3. Lập phương án tổ chức hoạt động trong quá trình khởi tạo.

Nếu muốn chuẩn bị cho việc kinh doanh nhà hàng, đừng chỉ nghĩ mọi bước trong đầu, bạn nhất định cần xây dựng một bản kế hoạch càng chi tiết cáng tốt, nhất định phải viết chúng ra giấy. Điều này sẽ vô cùng hữu ích khi bạn thật sự bắt tay vào công việc khởi tạo nhà hàng, bạn sẽ tránh được việc bị rối trước một loạt những đầu việc từ phức tạp, đến không tên, từ quen thuộc đến cực kỳ mới mẻ, như: phương án kinh doanh ngắn, dài hạn; dự trù nguồn ngân sách và nguồn khách; phương án marketing trong từng giai đoạn; cơ cấu nhân sự; tuyển dụng và đâò tạo; phương án quỹ lương và trả lương…

4. Ngân sách hoạt động.

Bạn bắt buộc cần lập bảng ngân sách năm bao gồm:

– Tỉ lệ khách/bữa/ngày/tháng theo từng giai đoạn. Giá định xuất trung bình/người/bữa.

– Doanh thu/ngày/tháng/năm. Nếu bạn làm ăn chung, bạn nên tính phần doanh thu của cá nhân mình sau khi trừ đi của những người góp vốn.

– Tổng chi phí: chi phí hoạt động, chi phí gián tiếp, chi phí quản lý, chi phí không hoàn lại, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay ngân hàng.

Lập bảng ngân sách hoạt động theo kế hoạch 06 tháng, 01 năm.

Nhân sách setup mặt bằng, bếp, nội thất ban đầu.

Bảng dự trù nguồn ngân sách trong tương lai.

setup nhà hàng

5. Chọn địa điểm.

Đây là một khoản tiền bạn cần chi khá lớn vào thời điểm bắt đầu khởi tạo nhà hàng. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào kiểu nhà hàng bạn chọn và số tiền bạn có thể đầu tư để mở. Thường thì bạn sẽ phải chuẩn bị một số tiền khá lớn (ít nhất là 3 đến 6 tháng, hoặc cả năm tiền nhà để trả lần đầu, bên cạnh đó còn có tiền cọc), trong hợp đồng thuê nhà bạn cần làm rõ khoảng thời gian sẽ thanh toán hàng năm, và số % được tăng khi giá thị trường lên..

Bạn cũng cần biết rằng “tiền nào của đó”. Vị trí đẹp, phố lớn thì chi phí cao. “Tuy nhiên, điều quan trong nhất là “địa lợi” cũng phải hợp với mô hình nhà hàng gì.Chẳng hạn, bạn có một mảnh đất rộng hơn 1.000 m2, không phải ở phố lớn trung tâm thì bạn nên định hướng đến việc mở một nhà hàng Á (Việt, Hoa, Bia, đặc sản…) tầm “thường thường bậc trung” hoặc trung – cao. Nếu vì yêu thích mà mở một nhà hàng Âu sang trọng thì bạn khó mà nắm được phần thắng, trừ phi có những lý do rất đặc biệt như bạn có sẵn thế mạnh là các mối quan hệ cá nhân”.Không phải hầu hết các nhà hàng đều cần gần nơi đông dân cư, tuy nhiên đối với những nhà hàng phụ thuộc vào đặc điểm này, cần lưu ý một số điểm khi lựa chọn nơi kinh doanh:

  • Lượng bán hàng dự kiến: Địa điểm bán hàng ảnh hưởng như thế nào tới khối lượng bán hàng của bạn?
  • Bạn có cần sửa chữa gì không?
  • Giao thông: Xem xét lưu lượng người đi bộ và đi xe. Có khoảng bao nhiêu lượt người đi bộ và đi xe qua lại mỗi ngày? Địa điểm có thuận lợi cho việc dừng chân của khách hàng hay không?
  • Nhân khẩu học: Những người sống xung quanh đó có phù hợp cho việc kinh doanh của bạn không?
  •  Khả năng thanh toán tiền thuê địa điểm: nếu bạn đã tính toán lỗ lãi trong năm đầu kinh doanh, bạn sẽ biết con số gần chính xác doanh thu bạn sẽ đạt được là bao nhiêu và dùng con số này để quyết định nên thuê địa điểm với mức bao nhiêu thì vừa.
  • Thuận lợi dừng đỗ xe: địa điểm phải đảm bảo có chỗ để xe cho khách và dễ dừng đỗ.
  • Gần các cửa hàng khác: những cửa hàng gần kề có thể ảnh hưởng tới doanh số của bạn, sự có mặt của họ tác động bất lợi hay có lợi?
  • Lịch sử của địa điểm: tìm hiểu về địa điểm trước khi quyết định thuê hay không. Ai là người thuê trước đó và tại sao họ lại không thuê nữa?
  • Phát triển trong tương lai: Tìm hiểu chiến lược quy hoạch của địa phương để biết trước liệu có sự thay đổi nào liên quan đến địa điểm bạn định thuê hay không?
  • Các điều khoản hợp đồng: tìm hiểu kỹ hợp đồng thuê để có những thoả thuận hợp lý nhất.

Vấn đề cốt lõi nhất trong kinh doanh nhà hàng là mặt bằng vì nó tạo ra 80% hiệu quả. Nếu chọn vị trí tồi thì dù người quản lý có giỏi cũng không thể mang đến sự thành công.

Bài viết tiếp theo Ngọc Anh sẽ chia sẻ những bước cơ bản còn lại với các bạn.

 

Mr Why – Phạm Ngọc Anh.