Chăm lo cho con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành vốn là đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc chăm lo “quá đáng” về mặt vật chất, tiền bạc là con dao hai lưỡi mà có khi hại nhiều hơn lợi.
“Một người thành công là người phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Sự thử thách, khó khăn là cơ hội rất tốt để con người khám phá chính mình và vượt lên chính mình. Vì vậy, ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền” – Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt nói về cách dạy trẻ ứng xử với tiền.
PV: Liên quan đến việc gần đây nhiều “đại gia” có những cách sử dụng đồng tiền đối với con cái rất phô trương, trong đó đặc biệt là đám cưới con của “đại gia phố núi”, xin thạc sĩ cho biết ý kiến về hiện tượng này?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu: Nhận thức – thái độ – hành xử của con người chịu ảnh hưởng bởi gia đình, nhà trường, cộng đồng, thể chế chính trị và văn hóa. Vì vậy, nếu dư luận ở các nước khác “miễn nhiễm” khi chứng kiến những đám cưới sang trọng, tốn kém của giới “siêu giàu” hoặc các gia đình nổi tiếng thì với văn hóa, thói quen nhận thức của người Việt, dư luận thiên về không đồng tình, phản đối, lên án việc một “đại gia phố núi” tổ chức đám cưới rầm rộ cho con trai cũng là chuyện bình thường của tâm lý con người.
Pv: Vị “đại gia” này có phân trần rằng, bà làm vậy là để bù đắp cho con cái vì lúc trẻ bà ta đã để con thiếu thốn tình cảm mà lao đi kiếm tiền. Theo thạc sĩ, cách nghĩ, cách giải thích này có chấp nhận được?
Tâm lý bù đắp cho con trẻ khi mà người lớn không có nhiều thời gian, sự quan tâm, thương yêu dành cho con là có thật. Mục tiêu của sự bù đắp thực chất là để giúp người lớn giảm bớt cảm giác xấu hổ, mặc cảm khi không làm tròn nhiệm vụ với con trẻ. Với sự bù đắp này, con trẻ là đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, sự bù đắp cho con trẻ nhiều khi lại chính là sự khỏa lấp cho thiếu hụt của bố mẹ. Đây là một hiện tượng tâm lý phức tạp có liên quan đến quá khứ, tuổi thơ, những thăng trầm trong cuộc đời của một con người. Vì vậy, khó có thể phân định đúng – sai, chấp nhận hay không chấp nhận nếu không có sự thấu hiểu về người trong cuộc.
Ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền.
PV: Là một chuyên gia về tâm lý, theo Thạc sĩ, cách suy nghĩ, cách hành động của các “đại gia” này sẽ tác động đến con cái như thế nào trong hiện tại cũng như tương lai?
Nếu sự bù đắp có quan tâm đến nhu cầu thực sự của trẻ thì điều đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Ngược lại, sự bù đắp có thể khiến trẻ dễ bị sa lầy vào những tệ nạn của xã hội khi người lớn chỉ biết dùng vật chất bù đắp cho sự thiếu hụt tinh thần.
PV: Hiện nay, có nhiều người cho rằng, khi còn sức khỏe thì cần phải lao động cật lực để kiếm tiền lo cho tương lai của con cái, suy nghĩ của Thạc sĩ về quan điểm này như thế nào?
Vật chất, tiền bạc chỉ là phương tiện quan trọng để con người chạm đến thành công – hạnh phúc nhưng nhận thức tích cực về vật chất, tiền bạc mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, bên cạnh việc kiếm tiền để lo cho tương lai của con, người lớn cần dành thời gian quan tâm đến nhu cầu tinh thần cũng như giáo dục trẻ thái độ nhận thức tích cực đối với vật chất, tiền bạc vì sự đủ đầy vật chất có thể khiến trẻ mất đi khả năng tự lập, thiếu động lực phát triển bản thân.
PV: Phải chăng, chính quan điểm của một số người lớn về tiền bạc đã vô hình chung tạo cho đứa trẻ sức ép cần phải kiếm tiền bằng mọi cách ngay từ khi còn rất ít tuổi, thậm chí dẫn đến phạm tội ác để có tiền?
Thái độ nhận thức đối với việc kiếm tiền và sử dụng tiền của trẻ chịu ảnh hưởng bởi việc kiếm tiền và sử dụng tiền của người lớn quan trọng trong gia đình. Vì vậy, nếu trẻ có nhận thức lệch về kiếm tiền và sử dụng tiền thì người lớn trong gia đình không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Cho nên, ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền.
PV: Từ những hiện tượng này, thạc sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc làm cha mẹ trong cách giáo dục con về đồng tiền?
Một người thành công là người phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Sự thử thách, khó khăn là cơ hội rất tốt để con người khám phá chính mình và vượt lên chính mình. Vì vậy, để vừa tạo động lực cho trẻ phấn đấu tự lực kiếm sống, vừa để chúng không vì quá coi trọng đồng tiền mà có những hành động sai lầm, bố mẹ hãy dành thời gian rèn luyện khả năng tự lập cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ khám phá bản thân, khám phá thế giới và không tiết kiệm lời khen khi trẻ làm đúng, làm tốt.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Thạc sĩ!
Nguồn: kienthuckinhte.com