“Đếch quan tâm” mà vui sống: Nghệ thuật của việc sống bất cần

Charles Bukowski (nhà thơ, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ gốc Đức) là một tên bợm rượu, hám gái, mê cờ bạc, bần tiện, nợ nần chồng chất và và tệ hại hơn cả, ông ta là một nhà thơ. Ông ta có lẽ là người cuối cùng trên trái đất này mà bạn nên tìm tới để xin một lời khuyên cuộc sống hay sẽ hi vọng bắt gặp trong những cuốn sách về hoàn thiện bản thân.

Đó là lý do tại sao ông là một nhân vật hoàn hảo để bắt đầu câu chuyện này.

Bukowski ao ước trở thành một nhà văn. Nhưng trong mấy chục năm trời, các tác phẩm của ông bị hầu hết các tạp chí, tờ báo, tập san, công ty, nhà xuất bản từ chối khi gửi bản thảo. Họ biết chất lượng của chúng rất tệ. Thô thiển. Kinh tởm. Đồi trụy. Và khi những tập thư từ chối ngày một dày lên, nỗi đau thất bại đè nén khiến ông chán đời tìm đến rượu chè, cái tật đi theo ông gần như cả cuộc đời.

Bukowski có một công việc lọc thư tại bưu điện. Ông được trả chút ít tiền và tiêu xài phần lớn chúng và các quán rượu. Chỗ ít ỏi còn lại ông đem đánh cược nốt vào các cuộc đua. Đến tối ông sẽ uống rượu một mình và đôi khi rặn ra được chút thơ từ chiếc máy đánh chữ tàn tạ. Thường thường ông sẽ thức giấc trên sàn nhà do ngủ thiếp đi từ đêm trước đó.

30 năm trôi qua như thế, sống với rượu, thuốc, cờ bạc và gái điếm. Rồi, khi Bukowski 50 tuổi, sau cả một đời thất bại và tự căm phẫn bản thân, bỗng một nhà biên tập từ một công ty xuất bản nhỏ có mối quan tâm kì lạ với ông. Người này không thể trả cho Bukowski nhiều tiền hay hứa hẹn sẽ bán nhiều sách cho ông. Nhưng ông ta lại có tình cảm kì quoặc với những tên bợm rượu, vậy nên quyết định đặt vận may vào Bukowski. Đây là cơ hội thực sự đầu tiên mà Bukowski từng có và ông cho rằng có lẽ cũng sẽ là cơ hội duy nhất. Bukowski hồi đáp nhà biên tập:

“Tôi chỉ có 2 lựa chọn – tiếp tục làm việc ở bưu điện và phát điên… hoặc bỏ việc, làm nhà văn và chết đói. Tôi thà chết đói còn hơn”.

Sau khi kí hợp đồng, Bukowski viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong vòng ba tuần. Cuốn sách được đặt tên đơn thuần là Post Office. Trong lời đề tặng, ông viết: “Dành cho không ai cả”.

Nhờ tác phẩm đầu tay này mà Bukowski nổi danh. Ông tiếp tục viết và xuất bản sáu cuốn tiểu thuyết và hàng trăm bài thơ, bán hơn hai triệu cuốn sách của mình. Sự nổi tiếng của ông đã đi ngược lại với kì vọng của tất cả mọi người, đặc biệt là chính ông.

Câu chuyện như của Bukowski tồn tại nhan nhản trong văn hóa của chúng ta. Cuộc đời của Bukowski đại diện cho một giấc mơ Mỹ: một người đàn ông đấu tranh cho những gì anh ta muốn, không bao giờ từ bỏ và cuối cùng hoàn thành giấc mơ hoang dại nhất của mình. Một bộ phim thậm chí còn có thể được dựng theo kịch bản này. Chúng ta đều trông vào câu chuyện như của Bukowski và nói: “Thấy chưa? Anh ta không bao giờ từ bỏ. Anh ta không bao giờ ngừng vươn lên. Anh ta luôn luôn tin vào bản thân mình. Anh ta chống lại mọi nghịch cảnh và tự mình tạo nên cơ nghiệp!”

Bởi thế, thật kì lạ khi trên ngôi mộ của Bukowski lại khắc dòng chữ: “Đừng có cố”.

Thấy không, bất kể doanh số bán sách và sự nổi tiếng, Bukowski vẫn là một kẻ “loser” (kẻ thất bại). Ông biết điều này. Và sự thành công của ông không bắt nguồn từ quyết tâm trở thành người chiến thắng, mà từ thực tế rằng, ông biết mình là một kẻ bất tài, chấp nhận nó, và rồi viết thật chân thật về điều này. Ông không bao giờ cố gắng trở thành một ai đó cả. Tài năng trong các tác phẩm của Bukowski không nằm ở quá trình vượt khó hay phát triển bản thân thành một ngôi sao văn học. Ngược lại mới đúng. Đơn giản là ông có khả năng 100% thành thật với chính mình – đặc biệt với những phần xấu xa nhất – và chia sẻ những thất bại đó mà không phải do dự hay hoài nghi.

Đây là câu chuyện thành công thật sự của Bukowski: ông hài lòng với sự thất bại của bản thân mình. Bukowski đếch quan tâm đến thành công. Kể cả khi đã nổi tiếng, ông vẫn xuất hiện tại các buổi đọc thơ với giọng chỉ trích và chửi bới khán giả của mình. Danh tiếng và thành công không biến ông thành một con người đạo đức hơn. Cũng không phải vì sống tốt hơn mà ông mới được nhiều người ái mộ.

Văn hóa của chúng ta ngày nay bị ám ảnh đến sự tập trung vào những kì vọng lạc quan phi thực tế: Hãy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Hãy là số 1, giỏi hơn tất cả. Hãy thông minh hơn, nhanh hơn, giàu hơn, quyến rũ hơn, nổi tiếng hơn, năng suất hơn, có nhiều người hâm mộ hơn.

Nhưng khi bạn dừng lại và thực sự  nghĩ về những điều này, các lời khuyên cuộc sống quen tai mà bạn nghe đi nghe lại – chúng chỉ đang nhấn mạnh vào những thứ mà bạn không có. Chúng đi vào những thiếu sót và thất bại của bạn và rồi tô đậm chúng lên. Bạn học được các cách tốt nhất để kiếm tiền bởi vì bạn cảm thấy mình chưa có đủ tiền. Bạn đứng trước gương và nhắc đi nhắc lại những câu khẳng định rằng mình xinh đẹp vì bạn cảm thấy như thể mình chưa có đủ nhan sắc. Bạn nghe theo các lời khuyên trong chuyện hẹn hò và các mối quan hệ vì bạn cảm thấy mình vẫn chưa phải là người được mọi người yêu mến…

Trái khoáy thay, khi quá tập trung vào những thứ tích cực – tốt hơn, đẳng cấp hơn – lại chỉ khiến chúng ta càng ám ảnh hơn về những gì không phải là mình, hoặc mình không có hoặc lẽ ra cần có nhưng chưa đạt được. Sau tất cả, không một ai hạnh phúc thực sự lại phải đứng trước gương và lẩm bẩm rằng tôi là người hạnh phúc. Họ sẽ tự nhận ra được.

Ở Texas có một câu tục ngữ: “Con cho bé nhất lại sủa to nhất”. Một người đàn ông tự tin không cần phải chứng tỏ anh ta tự tin. Một người phụ nữ giàu có không cần phải thuyết phục ai đó rằng cô ta giàu có. Hoặc là có hoặc là không, đâu cần phải võ mồm. Và nếu bạn đang mơ ước thứ gì đó mọi lúc mọi nơi, thì bạn càng tô đậm một sự thật vô thức rằng: bạn vẫn chưa có nó.

Xã hội và các quảng cáo muốn bạn tin rằng chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp là một công việc tốt, một chiếc xe ngầu, một cô bạn gái xinh đẹp… Cả thế giới liên tục nói với bạn rằng con đường để có một cuộc sống tốt đẹp hơn là cần có nhiều hơn – mua nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn, trở thành ai đó cao siêu hơn.

Và cho dù chẳng có gì sai với lối kiếm tiền chân chính, vấn đề là khi cái đếch gì bạn cũng quan tâm, thì sức khỏe tinh thần của bạn sẽ giảm sút. Nó khiến bạn trở nên điên loạn với những thứ phù phiếm và giả dối, dành cả đời mình để theo đuổi ảo ảnh hạnh phúc.

Chìa khóa để có một cuộc sống tốt lành là đếch quan tâm; để ý bớt đi, chú ý vào những thứ cấp bách, quan trọng và có ý nghĩa.

Trích từ chương 1 cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” – Mark Manson

Bản dịch – Trạm đọc

>>>Hỡi những bạn trẻ, dậy sớm còn chưa nổi thì xin hãy tạm gác hai tiếng “thành công”