Nếu bạn nợ tín dụng của ngân hàng và không biết làm cách nào để thoát ra khỏi cảnh trả nợ triền miên. Nếu bạn mong muốn chấm dứt tình trạng đó, và đặc biệt là nếu bạn sẵn sàng hành động một cách dứt khoát, thì có thể những lời mách bảo dưới đây sẽ giúp được bạn.
1. Hãy cố gắng trả nhiều hơn con số tối thiểu
Điều đầu tiên bạn cần làm khi quyết định thoát khỏi cảnh nợ nần – đó là từ bỏ thói quen chỉ thanh toán khoản trả góp tối thiểu hàng tháng. Bởi nếu mỗi tháng bạn chỉ trừ được một vài phần trăm từ tổng số nợ, thì về tổng thể sẽ không giải quyết được điều gì, ngược lại chỉ làm cho tình trạng nợ nần thêm mệt mỏi.
Ngoài ra, đó lại chính là điều mà các ngân hàng chờ đợi ở bạn. Bạn trả nợ càng lâu thì ngân hàng càng được lợi nhiều, trong khi bạn lại phải cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn để trả nợ.
Vì vậy, hãy đặt cho mình quyết tâm trả nợ hàng tháng càng nhiều càng tốt.
Giả dụ, nếu hàng tháng bạn phải trả góp 100$, hãy tự nâng lên 200$ hoặc hơn nữa. Hãy phân tích kỹ các khoản chi tiêu hàng ngày – bạn nhất định sẽ tìm được tiền từ đâu đó. Chẳng hạn, hãy bỏ thói quen ăn trưa ở quán café, thay vào đó hãy mang theo đồ ăn khi đi làm. Hoặc chỉ hạn chế ăn đủ no, tránh lãng phí tiền mua các món tráng miệng…
Mỗi người chúng ta đều có những điểm yếu của mình, mà bản thân các bạn là người biết rõ hơn ai hết. Bạn buộc phải hy sinh một sở thích nào đó, nhưng để bù lại, bạn sẽ có tiền để trả vào gốc cho ngân hàng nhiều hơn. Những khoản tiền đó có thể không nhiều, nhưng nó lại giúp bạn tiết kiệm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đô la tiền phần trăm. Hơn thế nữa, bạn sẽ tự giúp mình sớm thoát ra khỏi cái hố nợ nần mà chính bạn đã tự đào trước đó.
2. Hãy gom các khoản nợ thành một
Nếu bạn có nhiều thẻ tín dụngkhác nhau, hãy chịu khó ngồi lại để phân tích tình hình. Hãy cố gắng chuyển các tài khoản có lãi suất cao hơn sang thẻ lãi suất thấp nhất.
Nhiều loại thẻ tín dụng cho phép thực hiện điều đó. Bạn sẽ được lợi không nhỏ khi chuyển từ lãi suất 18% xuống 12%. Nếu bạn không tự làm được việc này, hãy nói chuyện với ngân hàng, có thể bạn sẽ được nhân nhượng, vì không ngân hàng nào muốn đánh mất khách hàng.
3. Hãy sử dụng các khoản tiết kiệm
Nếu các bạn có tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư (mỗi nhà đầu tư trên thực tế đều có những tài khoản như vậy), hãy đừng ngần ngại dùng chúng để thanh toán nợ tín dụng. Dĩ nhiên, không ai muốn bị mất đi những khoản dành dụm, nhưng đây chính là cách làm của những người có đầu óc tỉnh táo.
Thậm chí, nếu khoản nợ tín dụng của bạn chỉ phải chịu lãi suất 12%/năm, thì các khoản tiết kiệm của bạn cũng phải sinh lời ít nhất 18% (trước khi trả thuế thu nhập), để có thể đưa cán cân thu-chi về mức thăng bằng. Nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta sẽ thấy rằng khó có tài khoản tiết kiệm nào cho bạn hưởng phần lợi nhuận như vậy. Mà thậm chí, nếu đặt giả thiết là có đi nữa, thì số tiền sinh ra cũng không giải quyết được gì. Giải pháp tốt nhất ở đây là lấy tiền tiết kiệm đi trả nợ, sau đó tiếp tục gom góp theo khả năng. Ít nhất thì khi đó đầu óc bạn cũng sẽ thanh thản hơn.
4. Mượn tạm tài khoản bảo hiểm
Nếu bạn đã đóng bảo hiểm nhân thọ và trong tài khoản bảo hiểm của bạn có một số tiền nhất định, hãy dùng chính thẻ bảo hiểm để mượn tạm số tiền đó, với hình thức tương tự như vay tín dụng. Tất nhiên, bạn sẽ phải trả lãi cho khoản vay này, nhưng thông thường lãi suất trong trường hợp này thấp hơn nhiều so với lãi suất của các khoản tín dụng thương mại. Như vậy, bạn sẽ có tiền để thanh toán nợ ngân hàng. Nếu chẳng may bạn qua đời trước khi trả hết nợ, thì công ty bảo hiểm sẽ thay bạn thanh toán nốt số nợ còn lại, thay vì trả bảo hiểm cho gia đình bạn.
5. Nhờ bạn bè và người thân giúp đỡ
Không nên loại trừ khả năng bạn bè và người thân của bạn có thể giúp thanh toán các khoản nợ. Liệu còn ai trên đời này yêu thương chúng ta hơn những người trong gia đình? Thậm chí, trong trường hợp phải trả phần trăm cho các khoản vay mượn của bạn bè và người thân, bạn vẫn có lợi – nếu chậm trễ thanh toán, bạn có thể được họ thông cảm. Tuy nhiên, để tránh trường hợp tiền bạc làm hỏng tình cảm, tốt nhất bạn nên thống nhất rõ ràng khi vay mượn các điều kiện liên quan và ghi biên bản cam kết đàng hoàng. Việc này sẽ giúp bạn tránh được mọi hiểu lầm, cũng như những sự giận dỗi không cần thiết. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn phải cố gắng thực hiện đúng các cam kết, nếu không bạn có thể bị cô lập và không ai muốn quan hệ với bạn nữa.
6. Cầm cố tài sản để vay tiền trả nợ
Nếu bạn còn bất động sản không dính nợ ngân hàng, hoặc những tài sản giá trị như đồ cổ quý, vàng bạc, cổ phiếu… bạn có thể tính đến phương án mang chúng ra cầm cố để vay tiền trả nợ. Nếu bạn đang phải trả một khoản tín dụng lãi suất 20%, thì việc đổi nó lấy một khoản nợ khác 12% cũng giúp bạn trút được phần nào gánh nặng.
7. Vay tiền bảo hiểm hưu trí
Nếu bạn có tham gia một chương trình hưu trí nào đó, bạn có thể xin vay tạm đến 50% tổng số tiền tích lũy của mình. Hãy tìm hiểu theo hướng này ở chỗ chủ lao động hoặc Quỹ hưu trí. Nếu được phép vay, hãy đừng bỏ qua cơ hội. Lãi suất của kiểu vay nợ này chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tín dụng của ngân hàng. Thêm nữa, điều thú vị là ở đây bạn trả phần trăm lãi suất đó cho chính bản thân mình.
8. Đàm phán với chủ nợ
Nếu bạn đã làm mọi việc có thể, và nếu tiền tiết kiệm của bạn đã hết, họ hàng người thân quay lưng lại với bạn, nếu bạn không có bất động sản, không có bảo hiểm, không có quỹ lương hưu… Bạn cảm thấy bị dồn vào chân tường và hoàn toàn không có tiền trong túi. Bạn sẽ làm gì?
Có một cách thoát ra khỏi tình trạng đó, dù khó khăn nhưng cũng nên thử, ít nhất vì nó sẽ giúp bạn giữ được thanh danh của mình: Hãy đến gặp chủ tín dụng và trình bày với họ về hoàn cảnh của mình. Hãy nói với họ rằng, nếu không thể xem xét lại điều kiện thanh toán, bạn sẽ không còn lối thoát nào khác, ngoài việc tuyên bố phá sản. Hãy đề nghị họ cho bạn một kế hoạch trả nợ phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại, đồng thời hãy làm cho họ tin tưởng rằng bạn sẽ tiếp tục cố gắng mọi cách để thanh toán. Thông thường, khi con nợ đứng trước nguy cơ phá sản, các chủ nợ sẽ nghĩ đến phương án tự cứu mình.
Trên thực tế, các ngân hàng làm đủ mọi cách để cứu khoản nợ, trước khi buộc phải xóa nợ cho bạn. Nói như các luật sư – mọi việc đều có thể thỏa thuận được. Xét cho cùng thì bạn cũng chẳng còn gì để mất.
Hiện nay, có rất nhiều công ty chuyên cung cấp các dịch vụ giải quyết nợ nần tín dụng khi có khách hàng yêu cầu. Bạn có thể tìm gặp họ để nhờ.
9. Phương án cuối cùng – tuyên bố phá sản
Nếu như tất cả các phương án trên đây đều không mang lại kết quả và bạn không còn con đường nào khác ngoài tuyên bố phá sản. Xét về nguyên tắc thì mỗi người đều phải có trách nhiệm đạo đức trong việc thanh toán nợ nần. Nhưng trong cuộc sống đôi khi xảy ra những trường hợp bất khả kháng – khi lối thoát duy nhất là tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, khi đi theo hướng này, bạn cần phải sẵn sàng đón nhận những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Thông tin về bạn sẽ được lưu giữ rất lâu tại các ngân hàng, vì vậy bạn sẽ rất khó có cơ hội được vay tín dụng một lần nữa, nếu cần. Ngoài ra, bạn cần biết rằng thủ tục công nhận phá sản cũng đòi hỏi phải chi tiền – tòa án phí và dịch vụ luật sư là những khoản chi không hề nhỏ, mà nếu không có tiền trả, bạn sẽ không được nhận phán quyết của tòa, cho phép bạn rũ bỏ gánh nặng nợ nần trên vai.
Theo báo NEP, số 40, tháng 10/2010