Vụ Quán Cà Phê Xin Chào Dưới Góc Nhìn Của Chuyên Gia Kinh Tế

Trước khi bắt đầu bước chân vào kinh doanh, Ngọc Anh khuyên các bạn nên chủ động tìm hiểu về pháp luật kinh doanh một cách thấu đáo và chính thống. Đặc biệt cần nắm vững và tuân thủ các thủ tục hành chính, chúng không đơn giản hay nhanh, nhưng sẽ làm bạn gặp nhiều rắc rối hoặc mất thời gian hơn nếu không chấp hành. Khi bạn hiểu luật, ít ra bạn sẽ biết mình có đang bị “bắt nạt” hay không.

Trao đổi về vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào đối diện Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) bị truy tố về tội Kinh doanh trái phép, GS.TS Nguyễn Quang Thái – Phó tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, khởi tố như thế là “sai bét”.

“Họ lấy cớ luật mới có hiệu lực từ 1/7, nhưng tôi nghĩ ai lại hình sự hóa việc đăng ký kinh doanh làm gì. Ngay cả khi người ta đăng ký chậm, tôi nghĩ cũng không có một tý gì gọi là tội cả. Chỉ là lỗi thôi. Lỗi chứ không phải tội. Phải mắc lỗi nhiều lần mới thành tội được, đằng này có 5 ngày… Tôi không muốn đổ thêm dầu vào lửa, nhưng tôi tin chắc chắn họ sẽ dẹp vụ này đi thôi”, GS. TS Nguyễn Quang Thái nêu quan điểm.

Học cách kinh doanh làm giàu: chủ động tìm hiểu về pháp luật kinh doanh

GS.TS Nguyễn Quang Thái – Phó Tổng Thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam.

Ảnh:Tầm Nhìn.

Đồng quan điểm với GS. TS Nguyễn Quang Thái, ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, việc khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử một chủ quán phở về hành vi kinh doanh trái phép trong thời điểm nhạy cảm này đáng bàn.

Đây là thời điểm Bộ luật Hình sự cũ vẫn coi hành vi “kinh doanh trái phép” là tội phạm và Bộ luật hình sự mới sắp có hiệu lực đã bãi bỏ đối với tội này. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi này vẫn bị coi trở thành tội phạm, theo ông Tuấn Anh, “rõ ràng là đang có vấn đề”.

“Theo tôi, nó không phải vấn đề ở pháp luật hay ở hành vi vi phạm mà nó ở người thực thi pháp luật”, luật sư Tuấn Anh nói.

“Kinh doanh trái phép không bị coi là tội phạm”

Luật sư này phân tích, trong vòng 20 ngày, cơ sở kinh doanh rất khó, thậm chí là không thể kịp thời có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Công an huyện Bình Chánh chỉ căn cứ vào hai lần xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi khác nhau để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự là trái pháp luật”, luật sư Tuấn Anh khẳng định.

Theo quy định tại Điều 159, vụ án, bị can chỉ được khởi tố khi có đầy đủ các dấu hiệu như kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; mạo nhận một tổ chức không có thật; hàng phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính lớn.

Học cách kinh doanh làm giàu: kinh doanh trái phép chó được coi là tội phạm hay không?

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố do chậm làm đăng ký kinh doanh. Ảnh: Lê Phong.

Cơ quan công an huyện Bình Chánh đã căn cứ khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép. Theo luật sư trên, quyết định này trái pháp luật và hành vi của ông Tấn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội này.

Hành vi vi phạm của ông Tấn, theo ông Tuấn Anh, không được xem là tái phạm. Bởi lần một, ông Tấn vi phạm về hành vi kinh doanh không có giấy phép kinh doanh. Lần hai, ông Tấn vi phạm về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”.

“Như vậy, rõ ràng đây không phải là ‘tái phạm’ theo đúng tinh thần của luật pháp. Theo khoản 5, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý”, luật sư Tuấn Anh kết luận.

Học cách kinh doanh làm giàu: Luật sư trần tuấn anh

Luật sư Trần Tuấn Anh.

Từ vụ việc trên, ông cho rằng, tội kinh doanh trái phép đã chứng tỏ sự bất cập bằng việc Quốc hội đã bãi bỏ điều này trong Luật Hình sự. Điều đó cũng có nghĩa, hành vi kinh doanh trái phép không còn bị coi là tội phạm.

“Bởi quy định này còn tồn tại sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh méo mó, không đúng với bản chất pháp luật là người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm và đi ngược lại với định hướng phát triển hướng đến nền kinh tế thị trường của nước ta”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cho phép công an có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm.

Liên quan đến vụ quán cà phê Xin Chào, ngày 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu cơ quan chức năng dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán Xin Chào do chậm đăng ký kinh doanh; làm rõ trách nhiệm liên quan.

Nội dung vụ việc:

– Ngày 8/8/2015, ông Nguyễn Văn Tấn mở quán cà phê, điểm tâm sáng và cơm trưa Xin Chào tại thị trấn Tân Túc, đối diện Công an huyện Bình Chánh.

– 5 ngày sau, 2 chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh vào quán rồi lập quán phạm các lỗi: kinh doanh không có giấy phép, không khám sức khỏe định kì cho nhân viên…

– Ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra, dù quán cà phê lúc này đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công an vẫn cho rằng quán ông Tấn vẫn còn vi phạm lỗi chưa có giấy chứng nhận đủ điều  kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh sai địa điểm…

– Ngày 25/9/2015, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố bị can với ông Tấn.

– Ngày 11/3/2016, VKSND huyện Bình Chánh hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Tấn tội Kinh doanh trái phép.

– Ngày 28/4, dự kiến TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử.

 

Theo Zing.vn.