Tại sao 25-29 tuổi là quãng thời gian tồi tệ nhất của một người đàn ông? Không địa vị, không giàu có, sự nghiệp mới bắt đầu!

Hãy làm những điều mình muốn làm, hãy làm hết sức mình, hãy sống bằng cả lý trí và cảm xúc, hãy chọn những người đồng hành muốn ở lại, hãy sống là chính mình, hãy tin vào bản thân mình.

Đàn ông, từ trước tới nay, vẫn được cho là trụ cột của gia đình, lưng dài vai rộng gánh cả một bồ trách nhiệm. Phụ nữ có những điểm yếu thì đàn ông cũng có những nỗi lo thầm kín riêng. Chẳng một ai hoàn hảo nên có ưu điểm thì sẽ có khuyết điểm.

Vốn dĩ đảm nhận trọng trách lớn như vậy, lại là phái mạnh, đàn ông thường không có xu hướng cho người khác biết lúc mình yếu đuối. Ai cũng có những lúc yếu lòng, lúc thất bại, lúc không hài lòng về cuộc sống của mình nhưng không phải ai cũng muốn phô bày trước mắt người khác một hình ảnh như thế.

Quãng thời gian, từ 25 đến 29 tuổi, có lẽ là quãng thời gian mệt mỏi nhất đối với một người đàn ông, cứ cho đó là tồi tệ nhất cũng được. Tuổi trẻ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất đối với một con người nhưng cũng là khoảng thời gian vấp ngã dễ nhất, nhiều nhất. Có như thế, con người ta mới có cơ hội được trưởng thành, được hưởng những điều tốt đẹp hơn…

– 25-29 tuổi: Không có gì trong tay, ngoại trừ những cơ hội

Quả đúng vậy, đâu có gì trong tay ngoài tấm bằng đại học, vài chứng chỉ học tập, kĩ năng hay kinh nghiệm làm việc vẫn còn thiếu sót, cần phải học hỏi, tiếp thu nhiều hơn. Nếu gia đình có điều kiện thì chắc hẳn có thể đã bắt đầu mọi thứ từ con số 5 rồi, chứ chẳng phải con số 0 đầy mệt mỏi, thất bại như thế nữa.

Nói vậy thôi, đàn ông mà có chí thì dù điều kiện gia đình anh ta có khá giả đến thế nào đi chăng nữa, con đường thành công cũng chẳng bao giờ được trải đầy hoa hồng mà thiếu đi những cái gai nhọn hoắt có thể cản trở bước chân bất cứ lúc nào. Đàn ông khi ấy, khi 25-29 tuổi, mệt mỏi lắm chứ, không có gì trong tay, chỉ chờ những cơ hội đến rồi nắm bắt.

– 25-29 tuổi: Người mình yêu đi lấy chồng

Những người đi trước thường nói con gái có thì. Đúng, con gái dù cho có mạnh mẽ đến đâu thì cũng cần một chỗ dựa vững chắc. Đàn ông khi ấy, chắc chắn có thể là một chỗ dựa nhưng vững chắc hay không thì không thể biết vì họ dành thời gian mình có để lo gây dựng sự nghiệp, để lo tìm chỗ đứng trong xã hội. Ở độ tuổi ấy, rất ít người con gái muốn dựa vào một chỗ dựa không vững chắc.

Tất nhiên, chẳng ai muốn một người đàn ông khác là chỗ dựa vững chắc cho người mình yêu cả. Nhưng vì tương lai xán lạn của hai đứa nên họ cần phải hi sinh nhiều hơn những giây phút bên cạnh người yêu để đầu tư vào công việc. Đàn ông ấy mà, họ vẫn gán cho mình trách nhiệm làm trụ cột gia đình, nên không chăm chỉ làm việc thì làm sao có thể ngẩng cao đầu nhìn họ hàng hai bên.

– 25-29 tuổi: Sự nghiệp mới chỉ bắt đầu

22 tuổi, chân ướt chân ráo bước ra ngoài xã hội. Dù 4 năm đại học, có chăm chỉ đi làm hay tham gia các sự kiện thì kĩ năng, kinh nghiệm vẫn được đánh giá thấp. Ai có năng lực tốt hơn thì sớm gặt được những thành quả đầu tiên. Tuy nhiên, phải nói đi nói lại rằng dù tự tin đến mấy về bản thân thì quãng thời gian 25-29 tuổi cũng không phải quãng thời gian một người trẻ đạt được nhiều thành quả.

Vì sao? Vì ngỡ tưởng chạm tay đến thành công rồi, hóa ra lại không phải, tất cả chừng ấy vẫn đổi lấy một cái tát đau điếng của cuộc đời. Ở độ tuổi ấy, có vấp ngã mới có trưởng thành, có thất bại mới biết trân trọng thành quả. Ở độ tuổi ấy, người đàn ông phải đánh đổi nhiều, mệt mỏi có, ức chế, áp lực có, với lí do muốn để sự nghiệp là ưu tiên số 1 mà thôi.

– 25-29 tuổi: Phải đối diện với những câu hỏi tò mò của những người xung quanh

Những câu hỏi quen thuộc như: “Bây giờ làm gì rồi?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Bao giờ lấy vợ?”, “Khi nào định mua nhà?”, “Không mua ô tô đi chứ cứ đi xe máy đến bao giờ nữa?”… Từng ấy câu hỏi cũng đủ khiến con người ta cảm thấy bị làm phiền. Bởi vì khi ấy, trong tay đã làm gì có gì đâu, sự nghiệp còn mới bắt đầu, tương lai vẫn còn đang mông lung.

Khi không nắm chắc trong tay điều gì, điều hiển nhiên là người ta chẳng thể biết tương lai mình sẽ ở đâu và sẽ có gì rồi. Ấy vậy mà, đâu có mấy ai hiểu, họ luôn hỏi những câu hỏi được cho là “quen miệng”, “đứa nào bác cũng hỏi thế”. Tổn thương lắm chứ, nhìn bạn bè rồi người nọ người kia tầm tuổi mình được báo chí vinh danh, ca ngợi làm sao không thấy đau lòng cho được.

– 25-29 tuổi: Hiểu ra rằng những điều mình biết trước kia chỉ là những điều mình tự vẽ ra

Thực tế khác hoàn toàn so với những gì con người ta suy nghĩ và tưởng tượng. Bất kì ai cũng đều phải lớn lên và trưởng thành. Điều đau khổ nhất khi trưởng thành là hiểu ra những điều mình nghĩ trước kia không giống thực tế và rồi tự cảm thấy chơi vơi trong những suy nghĩ ấy. Có những người vì cứ tự trách bản thân mình vô cớ rồi vô tình, đẩy mình cô lập trong xã hội “thiên biến vạn hóa”, kéo mình ra xa khỏi thực tế lúc nào không hay.

Chẳng ai không phủ nhận quãng thời gian 25-29 tuổi là quãng thời gian tồi tệ nhất của một người đàn ông cả. Khó khăn, tất nhiên, không ai né tránh hoàn toàn được. Nhưng, đừng quên, có khó khăn thì mới có dễ dàng, có thất vọng thì mới có hài lòng. Cuộc sống giống như một bản nhạc vậy, có nốt trầm rồi sẽ có nốt thăng.

Hãy làm những điều mình muốn làm, hãy làm hết sức mình, hãy sống bằng cả lý trí và cảm xúc, hãy chọn những người đồng hành muốn ở lại, hãy sống là chính mình, hãy tin vào bản thân mình. Rồi đến một ngày, bạn sẽ có những gì mình muốn!

Sưu tầm