Có lẽ bạn thường nghe đến câu này: “Hãy học thật giỏi để sau này kiếm một công việc vừa ý với thu nhập ổn định. Đó là tiêu chuẩn của một cuộc sống thành đạt và hạnh phúc.”
Câu nói trên nghe có vẻ rất hợp lý. Trước đây, tôi rất tâm đắc với cách nghĩ đó. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, tôi đã nghiệm ra rằng đó là tư tưởng an phận không có lợi nếu ta muốn làm giàu.
Cụm từ “thu nhập ổn định” đã nói lên điều đó. Vậy thu nhập ổn định có gì sai? Không sai, nhưng vô tình nó đã tự hạn chế mơ ước và khả năng làm giàu của ta.
Người nghèo luôn mong muốn có thu nhập ổn định và đều đặn. Họ cần bảo đảm có thu nhập hàng tháng, đúng ngày giờ. Tháng nào cũng thế. Sự bảo đảm này luôn có giá của nó, đó là họ không thể giàu vượt lên trên người khác.
Sống mà cần sự bảo đảm an toàn có nghĩa là sống trong sợ hãi. Người nghèo hay nghĩ rằng: “Phải làm sao bảo đảm được thu nhập đủ sống qua ngày. Như thế đã là hạnh phúc rồi.”
Người giàu có cách suy nghĩ khác, họ cố gắng đầu tư kinh doanh và chờ đợi kết quả. Đa số không làm việc cho ai, không phải lãnh lương của ai, mà họ tự làm chủ công việc kinh doanh dù lớn hay nhỏ. Thu nhập của họ cũng là toàn bộ lợi nhuận có được từ công việc kinh doanh đó. Trong trường hợp họ còn phải làm việc cho ai đó, thu nhập của họ cũng khác. Họ không lãnh lương mà thỏa thuận chia phần trăm hoa hồng với chủ. Ngoài ra, họ còn có cổ phần ở chính công ty họ đang làm việc và ở những nơi khác.
Các thu nhập này không bảo đảm ổn định và có nhiều yếu tố rủi ro.
Tuy nhiên, người giàu luôn tin tưởng ở bản thân mình. Họ tin rằng mình đã quyết định đúng trong khi người nghèo thì ngược lại. Người nghèo luôn cần sự bảo đảm an toàn.
Gần đây có một nhà tư vấn về quan hệ cộng đồng để nghị được làm việc cho tôi với lương 4 nghìn đô một tháng. Tôi hỏi lại tôi sẽ nhận được gì tương xứng với số tiền bỏ ra đó. Cô ấy trả lời rằng cô quảng cáo tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cô ấy còn tính được rằng tôi sẽ được lợi thêm ít nhất 20 nghìn đô nếu được quảng cáo như thế. Tôi hỏi ngược lại: “Vậy giả sử nếu cô không hoàn thành công việc như đã nói thì sao?” Cô trả lời rằng cô luôn làm việc uy tín.
Tôi đề nghị: “Tôi không quan tâm đến việc cô có uy tín hay không. Tôi chỉ biết đến hiệu quả của cô. Nếu cô không hoàn thành công việc, tại sao tôi phải trả lương cho cô? Cũng như thế, nếu cô làm việc tốt, tại sao cô chỉ nhận được chừng ấy tiền? Bây giờ tôi đề nghị thế này: Cô sẽ nhận được 50% giá trị số lợi nhận của tôi từ việc tôi được cô quảng cáo cho tôi. Nếu như cô nói giá trị ấy là 20 nghìn đô, có nghĩa là cô sẽ nhận được 10 nghìn đô một tháng. Vậy thu nhập như thế không gấp đôi thu nhập cố định 4 nghìn đô hay sao?”
Bạn có biết cô ấy phản ứng ra sao không? Từ chối ngay. Vậy bạn có muốn biết cô ấy hiện ra sao không? Vẫn đang nghèo. Tôi dám bảo đảm rằng cô ấy sẽ còn nghèo nếu không chịu thay đổi cách thu nhập.
Người nghèo đánh đổi công sức và thời gian để lấy thu nhập. Tuy nhiên, thời gian của một đời người là có giới hạn. Sức lực của con người cũng không phải là vô tận. Điều đó có nghĩa là thu nhập theo cách ấy cũng có giới hạn. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc làm giàu: “Không bao giờ giới hạn các nguồn thu nhập.” Bạn hãy để ý, không có ai làm giàu nhờ một nguồn thu nhập từ lương cả.
Cách thu nhập ổn định cũng rất phổ biến trong các ngành dịch vụ cá nhân như: bác sỹ riêng, luật sư, tư vấn… Họ không hẳn là nhân viên cố định hay là cổ đông của công ty nào cả. Tuy nhiên, thu nhập của họ suy cho cùng cũng là đánh đổi thời gian và công sức. Do đó, họ cũng chỉ có mức sống trung bình.
Tôi không có ý phê phán những ngành nghề dịch vụ như thế. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm giàu, bạn phải làm sao tăng gấp đôi hiệu quả làm việc của mình để nhân đôi thu nhập.
Trong các lớp học của mình, tôi thường nhận được những ý kiến phàn nàn của học viên là những người làm công ăn lương về việc họ không được trả công tương xứng với công sức đã bỏ ra. Tôi thường trả lời họ như thế này: “Không xứng đáng đó là cách nghĩ của bạn. Ông chủ của bạn không nghĩ thế. Vì sao bạn không thay đổi hình thức làm việc nhận lương cố định đó và thay bằng cách làm khoán nhận thù lao? Vì sao bạn không tự làm việc cho chính mình?” Lời khuyên trên đã làm cho rất nhiều người thay đổi. Ít ra những người không muốn thay đổi cũng nhận ra rằng họ được trả công như thế là hợp lý và thôi không nghĩ xấu về chủ.”
Người ta không có can đảm chuyển sang cách thu nhập “hiệu quả” là vì họ sợ phải đảo lộn thói quen của mình. Tư tưởng an phận của họ đã bào chữa rằng làm công ăn lương là ổn định, là phổ biến và phù hợp với hoản cảnh của riêng họ. Tư tưởng này, như đã nói ở những phần trên, được hình thành trong quá khứ khi ta còn nhỏ thông qua con đường giáo dục và noi gương.
Tuy nhiên, nếu bạn ở trong tình cảnh này, bạn cũng không nên trách bố mẹ, người thân của mình. Tất cả các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình được bảo đảm an toàn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi họ dạy con phải sống một cuộc sống an phận, tránh va chạm và hạn chế biến động. Họ thường khuyên: “Cứ làm việc cho tốt. Thay đổi nhiều thì bao giờ mới ổn định?”
Khi nghe bố mẹ khuyên như thế, tôi thường trả lời: “Hy vọng là không bao giờ ổn định.” Mẹ tôi sửng sốt và hỏi: “Vậy à? Vậy làm sao con giàu được?” Tôi nói: “Con chỉ không thể giàu được khi chỉ làm công ăn lương và có thu nhập ổn định.”
Để làm giàu, bạn hãy làm việc cho chính mình. Nếu chưa đủ sức hãy nhận làm khoán một công việc nào đó và hưởng thù lao. Bạn cũng có thể mua cổ phần nơi công ty bạn đang làm việc để có thu nhập từ lợi nhuận công ty
Nói tóm lại, cách thu nhập đúng nhất để làm giàu chính là làm những công việc được trả theo hiệu quả, những công việc ăn chia phần trăm lợi nhuận. Bố tôi thường nói: “Không ai giàu nhờ lương mà là nhờ bổng”. “Bổng” tức là phần trăm bạn được hưởng tùy vào mục tiêu bạn đạt được.
T. Harv Eker – trích trong quyển Để trở thành tỷ phú
Sưu tầm