Chúng ta ai cũng đều mong muốn hạnh phúc, nhưng có phải càng nghèo càng hạnh phúc hay không? Khi đọc bài viết này trên báo Thanh Niên trong đầu tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự giàu có, hạnh phúc của một đất nước nên được đo đếm từ đâu và như thế nào. Đâu là giá trị đích thực của hạnh phúc? Nếu bạn có ý tưởng, trăn trở gì hãy chia sẻ nó cùng tôi.
Hạnh phúc là gì?
Câu trả lời cũng có gì khó đâu. Với người này, hạnh phúc là khi họ có thể mua được căn nhà mà họ mong ước. Với người kia, hạnh phúc là khi có được một công việc như họ hằng mơ. Với một vài người khác, hạnh phúc chỉ đơn giản là họ có thể ngủ một giấc đã đời mà không cần lo lắng nghĩ suy. Và với một vài người khác nữa, hạnh phúc có thể sẽ pha thêm chút sến súa theo kiểu như, được ngồi cạnh người bạn đời của họ, ngắm những vì sao đang ganh nhau lấp lánh trên nền trời. Ừ, cứ lãng mạn và sến súa thế đi. Vì tôi sẽ bảo, hạnh phúc ấy à, càng hạnh phúc chỉ càng chứng tỏ bạn nghèo.
Bạn sẽ bảo tôi rằng, ăn nói gì kỳ cục, làm sao càng hạnh phúc càng nghèo khi mà ai trong chúng ta cũng đang phấn đấu để một ngày tất cả mọi người trên thế giới đều trở nên hạnh phúc. Tôi kỳ cục thì đúng rồi. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người chỉ sống trong thiên đường của hạnh phúc?
Càng hạnh phúc càng nghèo?
Bhutan một quốc gia thuộc Nam Á nằm giữa Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc và Nepal – nơi được xem là thiên đường còn sót lại của hạnh phúc và cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân.
Rất nhiều khách du lịch đã bỏ ra một số tiền lớn đến Bhutan chỉ để xem người Bhutan sống và đã hạnh phúc như thế nào. Ai ai cũng thừa nhận rằng, ở Bhutan, không hề có hình bóng của một tên trộm cắp, con người sống chan hòa, từ bi, giàu lòng vị tha và họ học cách tôn trọng lẫn nhau cũng như tôn trọng cả môi trường. Đó là lý do tại sao Bhutan được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng mà đồng thời cũng là quốc gia duy nhất chấp nhận tất cả mọi thứ từ truyền thuyết, cổ tích, dân gian đến quỷ thần và những thứ khác.
Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Mặc dù vậy, Bhutan lại là một trong những quốc gia xếp hạng nghèo nhất thế giới. Dễ hiểu thôi. Bởi vì hạnh phúc, nên người ta chấp nhận cả cuộc sống nghèo của họ. Đó là lý do có tới 26% dân số Bhutan sống trong cảnh mức chi tiêu mỗi ngày dưới 25.000 đồng (1,25 USD) và khoảng 30% dân số sống dưới mức trung bình. Bởi vì hạnh phúc, nên người ta không có nhu cầu trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài, không có nhu cầu sử dụng các trò tiêu khiển hiện đại. Đó là lý do khiến Bhutan trở thành quốc gia chậm phát triển nhất về internet, truyền hình quốc gia và các thiết bị công nghệ.
Cũng bởi vì hạnh phúc, chính phủ Bhutan hầu như không quan tâm đến lĩnh vực “chăm sóc sức khỏe tâm lý” cho người dân. Đó là lý do vì sao, năm 1996, có hơn 5.300 người mắc bệnh rối loạn thần kinh, chán nản, stress và tất cả gánh nặng đó đặt lên vai một bác sĩ duy nhất có chuyên môn về tâm lý học – ông Chencho Dorji. Có quá đáng không nếu tôi nói, họ hạnh phúc đấy, nhưng cái hạnh phúc của họ đã khiến họ mãi ở trong cái nghèo?
Nepal – nước láng giềng của Bhutan cũng được xem là miền đất hứa của hạnh phúc. Đến Nepal, bạn không bao giờ lo sợ về nạn cướp giật, bạn sẽ ngạc nhiên về sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây. Nhưng Nepal cũng là một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Bởi vì hạnh phúc, nên người dân không có nhu cầu phải kiếm tiền, nên ở Nepal, mỗi năm quốc gia này có hơn 100 ngày nghỉ. Bởi vì hạnh phúc, nên người dân không quan tâm đến phát triển công việc của họ. Nên giờ làm việc của người Nepal bắt đầu rất trễ, 10 giờ sáng trong khi các quốc gia phát triển khác đều bắt đầu giờ làm việc từ 8 giờ sáng.
Những ngày ở Ấn Độ, tôi ở gần khu phố ổ chuột Old Sangvi. Một lần tôi đến hỏi những người dân ở đó về lý do tại sao họ không cố gắng đi làm để đổi đời. Những phụ nữ trong khu ổ chuột trả lời rằng, vì Chúa ban cho họ cuộc sống nghèo khổ như thế rồi, và họ vẫn thấy hài lòng với cuộc sống đó nên hà cớ gì phải thay đổi. Đó là lúc tôi nhận ra, tại sao người ở khu ổ chuột này sẽ không giàu lên được, cho dù cả thế hệ tiếp sau. Chỉ bởi vì họ cảm thấy hạnh phúc, chỉ bởi vì họ bằng lòng với thực tại.
Đâu mới là giá trị đích thực của hạnh phúc
“Nếu một ngày thế giới trở nên hạnh phúc?”
Thử hình dung thế này, nếu một ngày thế giới trở nên hạnh phúc, điều gì sẽ xảy ra. Mọi người không muốn đổi một công việc mới chỉ vì họ luôn hạnh phúc với công việc họ đang làm. Mọi người cũng sẽ không dám xây một ngôi nhà to chỉ vì họ hạnh phúc với ngôi nhà nhỏ đang có. Tốt thôi, nhưng thế giới sẽ vì thế mà chậm phát triển. Nên đó là lý do, danh sách top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất năm 2014 (theo nghiên cứu của Movehub) không có quốc gia công nghiệp phát triển nào nằm trong danh sách này. Thậm chí, Mỹ đứng vị trí 105 trên tổng số 151 quốc gia được nghiên cứu. Việt Nam xếp thứ 2 trong danh sách này. Có hay chăng, càng hạnh phúc càng chứng tỏ bạn nghèo?
Cuối cùng, tôi muốn kể các bạn nghe câu chuyện thế này. Rằng tôi có một anh bạn từng rất nghèo. Anh đã dùng hết thời gian tập trung vào việc kiếm tiền vì nghĩ, nếu có tiền, cuộc sống của anh sẽ trở nên hạnh phúc. Giờ anh trở thành người giàu. Nhưng không may, anh bị mắc căn bệnh ung thư quái ác.
Nhiều người – những người ganh ghét với cái giàu của anh đã nhìn anh, cười và bảo rằng, thấy chưa, lo kiếm tiền làm giàu cho lắm vào nên quên hưởng thụ hạnh phúc, đến bây giờ có muốn hưởng thụ cũng không kịp. Anh bạn tôi nghe những câu dèm pha ấy chỉ biết lắc đầu, chậc lưỡi. Còn tôi thì muốn hỏi những người đã và đang biết tận hưởng hạnh phúc kia rằng, nếu anh ta không dành hết thời gian để kiếm tiền mà ngồi đó hưởng thụ hạnh phúc như các bạn, liệu các bạn sẽ cho anh ta tiền để anh ta trị bệnh lúc này chăng?
Quan điểm về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau, chúng ta không thể đem suy nghĩ của người này áp đặt lên suy nghĩ của người khác. Vì vậy, bạn đừng vội đánh giá việc nghèo đồng nghĩa với không hạnh phúc hay giàu có đồng nghĩa với hạnh phúc. Người nghèo có giá trị hạnh phúc của họ và người giàu cũng có thước đo giá trị hạnh phúc của họ. Theo bạn, có phải càng nghèo càng hạnh phúc?
Chuyên gia Huấn luyện và Đào tạo