Trăn trở hoà nhập vào cuộc sống hướng ngoại của một người hướng nội: Làm sao để vừa quảng giao vừa giữ được bản sắc của mình?

Bạn không cần trở thành trung tâm của sự chú ý để trở nên hướng ngoại trong mắt người ngoài hay thích thú tiệc tùng hơn. Bạn cũng không cần từ bỏ những điều trước nay bạn vẫn coi trọng để cải thiện sự quảng giao vì việc đó làm mất đi bản sắc riêng của bạn.

Tôi sẽ không bao giờ quên được cái lần một mình ngồi làm bài tập lớn giữa những tiếng ồn từ dưới tầng vọng lên. Hôm ấy là thứ năm, các bạn cùng nhà tổ chức tiệc còn tôi ngồi ở tầng trên, cặm cụi với tiểu luận môn Luật Thương mại quốc tế của mình.

Một phần lý do là vì tôi là một vận động viên chủ chốt trong câu lạc bộ thể thao của trường, đã thế còn theo học song bằng (tính cả bằng Luật Thương mại kia) trong một kỳ.

Việc đó không dễ dàng. Thực sự có những khi tôi thấy mình may mắn vì không phải tham dự những buổi tụ tập ồn ào như vậy. Thế nhưng tôi cũng muốn được quảng giao. Nhưng những bữa tiệc đông đúc có nhiều người lạ thường làm tôi lo lắng. Tôi chỉ muốn quảng giao ở mức thấp nhất có thể và gặp gỡ một vài người mới mà thôi.

Tôi mệt mỏi với việc luôn chôn chân ở “Pháo đài cô đơn” của mình (một người bạn cùng phòng gọi tôi như vậy vì biết tôi hâm mộ Superman).

Những lời khuyên đứa bạn khuyên nhủ tôi thì khá chung chung, không có lời nào hữu ích như “là chính mình thôi” hay “đến bắt chuyện với cô ấy đi”. Kết quả là tôi không thay đổi gì mấy.

Nhưng tôi thì có thể làm gì chứ? Tôi không có nhiều thời gian. Tôi học 6 môn một kỳ, phải tập bóng chuyền, có nhiều bài tập về nhà và vẫn muốn dành thời gian với những người đã thành bạn tôi rồi.

Chấp nhận đây không phải chuyện có thể đạt được một sớm một chiều và dám thừa nhận thất bại

Khi bạn nhận ra bạn cần trải qua cả một quá trình, bạn sẽ trút bớt được gánh nặng phải nhanh chóng đạt được những thành công LỚN. Thay vì vậy, bạn sẽ tập trung vào những thành công nhỏ mà nhanh. Chúng cho thấy bạn đang tiến bộ, bạn cần bỏ ít công sức hơn và bớt chán nản trên hành trình chinh phục mục tiêu. (Ví dụ: thay vì bắt chuyện với một cô gái xinh đẹp trong bữa tiệc 80 người, hãy thử nói chuyện với một người lạ dễ gần bạn gặp ở trung tâm thương mại kể cả khi đó là một ông cụ tuổi 80).

Bằng cách tiến những bước nhỏ, bạn sẽ thấy quá trình tiến bộ của mình khi tiến tới những mục tiêu lớn hơn. Bước nhỏ nhất tôi đã tiến được có lẽ là việc tới bắt chuyện với một người bạn/một người trong đội bóng chuyền của tôi khi họ đang ở cùng một nhóm người mà tôi không quen. Tôi đã có bạn mình ở đó nên việc giới thiệu cũng trở nên dễ dàng hơn.

Một số người trong đó nhanh chóng trở thành bạn của tôi, chúng tôi tụ tập cùng nhau vào các giờ giải lao hoặc cùng tham gia các bữa tiệc. Tất cả là nhờ bước tiến nhỏ bé kia.

Tất nhiên áp lực thôi thúc bạn thay đổi sẽ nhẹ nhàng hơn vì sự thay đổi bạn đã chọn tương đối nhỏ bé so với việc bạn ngay lập tức dấn thân vào thử thách có thể thay đổi bạn hoàn toàn.

Ngoài ra, bạn cần hiểu rằng bạn không thể lúc nào cũng thành công. Một số người có thể bất lịch sự hay từ chối bạn. Điều đó không quan trọng. Ai cũng từng trải qua những việc tương tự. Cốt lõi nằm ở chỗ bạn cần chấp nhận nó. Bạn gặp những người như vậy càng sớm thì bạn cũng sẽ càng sớm tìm ra những người thật lòng đáp lại sự cởi mở của bạn.

Giới hạn thời gian bạn định dành cho việc lập tính quảng giao 

Điều đầu tiên tôi phải thừa nhận là tôi không thể dành nhiều thời gian cho việc này.

Việc học, luyện tập bóng chuyền, công việc bán thời gian để trang trải sinh hoạt phí phải được đặt lên đầu. Đó là những lý do tôi đến trường mà không thể gạt chúng sang một bên vì một mục tiêu mới.

Tôi phải tìm cách điều chỉnh để phù hợp với lối sống hiện tại và những đam mê cá nhân. Chúng ta không nên gạt những điều chúng ta coi trọng nhất hay những sở thích của bản thân để hoà mình vào thế giới hướng ngoại. Chúng ta cũng còn nhiều cái khác phải học.

Vậy nên hãy sắp xếp thời gian cho sở thích, nghĩa vụ của mình trước khi dành thời gian cho việc ngoại giao. Sự thật là việc từ bỏ quá nhiều những điều trước nay bạn vẫn coi trọng để tập trung cải thiện sự quảng giao có thể phản tác dụng vì nó làm mất đi bản sắc riêng của bạn. Chính những sở thích, nghĩa vụ bạn cần thực hiện là những phương tiện quan trọng giúp bạn giao tiếp dễ dàng hơn.

Bạn hãy thử đặt ra khoảng thời gian tối thiểu bạn nghĩ mình cần để bắt đầu quá trình này. Ví dụ tuần đầu tiên bạn chỉ cần một tiếng đi dạo quanh trung tâm thương mại, bắt chuyện với một người lạ về tấm poster cổ động rất ấn tượng họ đang xem hay bộ suit Italy họ đang thử.

Sang tuần thứ hai, có thể bạn sẽ dành 3-4 tiếng để đến một cuộc gặp mặt hay đi tụ tập với đồng nghiệp sau giờ làm. Chìa khoá của việc giới hạn thời gian này là bạn biết chính xác khi nào thì mình cần bỏ thời gian ra luyện tập. Nếu không nó có thể bị “để sau đi” và những chuyện đã bị để sau rồi thì sẽ không bao giờ xảy ra.

Tận dụng đam mê của mình

Một trong những cách đơn giản nhất để thoát khỏi vỏ ốc là nói chuyện về đam mê của bạn. Thường thì chúng ta rất hào hứng khi nói về những chủ đề mình có hứng thú ngay cả khi đó là cuộc trò chuyện với một người lạ (hãy nghĩ đến việc rất nhiều người có thể giao lưu với nhau ở các quán ăn, hàng café những mùa bóng đá để xem các trận đấu vì họ đều yêu thể thao hay đội bóng nào đó).

Đôi khi bạn kết bạn dễ hơn khi các bạn cùng tham gia một đội thể thao. Bạn đại học thân nhất của tôi cũng từng chơi cùng đội bóng chuyền với tôi. Tình yêu dành cho trái bóng và sự đồng điệu từ những ngày chập chững nhập môn đã xây đắp nên một tình bạn giản đơn kéo dài đến tận hôm nay (Tôi là phù rể trong đám cưới của cậu ấy).

Tôi cũng từng gặp một người bạn thân khác trong một sự kiện của trường và vì chúng tôi đều thích xem bóng đá vào cuối tuần, chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói. Chúng tôi nói cả ngày không mệt và có những hôm tôi còn đến nhà cậu ấy, vừa ăn uống vừa xem bóng đá cùng nhau.

Lại có người bạn tôi trở nên thân thiết nhờ việc trích dẫn một câu nói của Ivan Drago (nhân vật võ sĩ quyền anh người Nga trong phim Rocky IV). Một lời thoại trong phim đã giúp tôi tìm ra một người có chung niềm đam mê phim ảnh. Điều này khiến việc trò chuyện với người tôi mới chỉ gặp 10 phút trở nên vô cùng dễ chịu. Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau.

Cái hay nhất của việc nói chuyện về đam mê (ngoài sự hào hứng tự nhiên bạn cảm thấy) là bạn có thể thu hút hoặc đẩy ai đó ra xa bạn. Những người có chung sở thích sẽ thích tương tác với bạn trong khi những người không hứng thú với chủ đề bạn đang đề cập không phải là những đối tượng bạn đang tìm kiếm.

Thoát ra khỏi cái kén của mình không phải việc đơn giản. Các bạn đại học dù đưa ra lời khuyên với thành ý tốt nhưng không thể đưa ra những câu trả lời mà tôi cần. Nhưng nếu bạn tập trung vào những điều bạn có thể kiểm soát như: sự cố gắng, thời gian, những người bạn tiếp xúc và những chủ đề bạn bàn luận, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự tiến bộ của mình.

Bạn không cần trở thành trung tâm của sự chú ý để trở nên hướng ngoại trong mắt người ngoài hay thích thú tiệc tùng hơn.

Tôi đã áp dụng những nguyên tắc trên vào trường hợp của mình và kết quả hơn cả mong đợi. Một người bạn đại học ở cùng phòng của tôi cũng nhận ra sự thay đổi này, cậu ấy mua tặng tôi mô hình Superman dưới vì “anh ta cũng đang thoát khỏi cái kén của mình… như ông.”

Đó chỉ là một món quà nhỏ nhưng tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay (tôi đặt món quà lên đỉnh tủ sách của mình), nó cũng là một trong những vật kỷ niệm mà tôi yêu thích nhất. Không hẳn là tôi thích món đồ chơi mà vì nó biểu tượng cho một sự thay đổi lớn trong cuộc đời tôi.

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn bè của mình cũng nhận ra một sự thay đổi tương tự ở bạn?

Theo: Phương Thảo