Đời thay đổi nhờ bài học tiêu tiền bố dạy tôi năm 6 tuổi

Bố tôi đã từng bảo, khi đến tiệm ăn, đừng bao giờ gọi chocolate sữa. Hãy gọi nước lọc, miễn phí mà.

Năm 1997 khi tôi lên 6 tuổi là lần đầu tiên bố nói với tôi về bài học quản lý chi tiêu cá nhân, với cách không thể đơn giản hơn: “mọi thứ ta chi tiền đều thuộc một trong hai dạng, nếu nó không phải là ‘nhu cầu’ thì là ‘sở thích’.

Hồi bé, như mọi đứa trẻ cùng trang lứa, món đồ uống tôi yêu thích nhất là chocolate sữa tại một tiệm ăn trong thị trấn quê tôi ở Davidson bang North Carolina (Mỹ). Tất nhiên câu chuyện bố nói với tôi không có nhiều ấn tượng với cái đầu non nớt của một đứa trẻ 6 tuổi. Nhưng thông điệp quan trọng nhất còn đọng lại với tôi là: khi đến tiệm ăn, đừng bao giờ gọi chocolate sữa. Hãy gọi nước lọc, miễn phí mà. Chiều hôm đó tôi học được bài học rằng chocolate sữa được xếp vào danh sách ‘sở thích’, trong khi nước lọc được xếp vào danh sách ‘nhu cầu’.

quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả hơn

Bài học dùng tiền bố dạy tôi vẫn có ích đến tận bây giờ – chia sẻ của Kathleen Elkins. Ảnh: Kathleen Elkins.

Càng lớn lên, tôi hiểu ra rằng mọi thứ đều phân loại được vào một trong 2 danh sách trên. Tôi hiểu rằng đôi giày Sambas mà tôi đang thèm muốn sẽ phải xếp vào ‘sở thích’, trong khi đó, đôi giày tennis sẽ là ‘nhu cầu’, bởi vì mỗi cuối tuần tôi đều phải tập tennis để thi đấu giải.

Ban đầu, bố tôi định hướng tôi với những định nghĩa của ông về ‘nhu cầu’ và ‘sở thích’. Dần về sau, tôi tự hình thành các định nghĩa cho riêng mình. Tôi nhận ra rằng danh sách ‘sở thích’ như chocolate sữa thì luôn có xu hướng nhiều lên và luôn nhiều hơn ‘nhu cầu’ thiết thực như là nước lọc.

Thật may cho một đứa nhóc như tôi, tôi biết cách dám quay lưng với danh sách ‘sở thích’. Dĩ nhiên là sẽ rất có ích khi phát triển nếp sống căn cơ dựa trên chi tiêu theo ‘nhu cầu’ chứ không theo ‘sở thích’, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông hay sinh viên. Nhưng bài học của bố tôi là giá trị hơn cả, bởi vì để đối mặt với thế giới thực tại, khi con người ta phải cố bám trụ ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ với thu nhập vơi đi, bạn phải biết phân biệt ‘nhu cầu’ và ‘sở thích’. Việc phân biệt này sẽ làm cho bạn trở thành người chi tiêu có lý trí và sáng suốt hơn, một thói quen cần mất nhiều thời gian để định hình – điều mà các sách dạy tài chính cá nhân hay các khóa học thường chỉ ra nhưng khó mà giúp ta lĩnh hội và thực hành được một cách vô thức và tự nhiên.

Bài học về ly chocolate sữa năm nào vẫn len lỏi vào từng quyết định chi tiêu của tôi. Ban đầu tôi xác định mua là nhu cầu hay là sở thích, và nếu đó là sở thích, tôi sẽ cân nhắc, chứ không chi tiền một cách vô tội vạ. Dĩ nhiên, tôi không cực đoan đến mức bảo bạn phải nhịn luôn chocolate sữa – thi thoảng phung phí một tí cho đời tươi – nhưng về cơ bản thì hầu như mọi lúc, tôi sẽ là đứa trẻ chọn uống nước lọc thôi.

Theo Businessinsider