Thay đổi tất cả trừ vợ con – Lee Kun Hee

Ở châu Phi vào mỗi buổi sáng con linh dương thức giấc, con linh dương biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Và ở châu Phi vào mỗi buổi sáng, khi con sư tử thức giấc nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn ít ra là với con linh dương chạy chậm nhất hoặc là nó sẽ chết đói.

Còn chúng ta, dù là sư tử hay linh dương – là kẻ mạnh hay kẻ yếu thì khi mặt trời mọc (hoặc từ tinh mơ – tuỳ theo từng công việc), chúng ta cũng sẵn sàng để chạy. Chúng ta phải nỗ lực không ngừng vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để tồn tại và khẳng định giá trị bản thân.

Đó chính là những gì tôi rút ra được sau khi hoàn thành quyển sách “ Thay đổi tất cả chỉ trừ vợ và con ” của Ji Sung. Xuyên suốt quyển sách là những bài học quý giá về chiến lược phát triển bản thân và quản trị cuộc đời của Lee Kun Hee, chủ tịch tập đoàn Samsung. Có một câu tôi thấy vô cùng tâm đắc khi hoàn thành quyển sách này chính là “Nếu phải đối mặt với một trận chiến thì hãy vừa mỉm cười vừa đấu tranh”. Trong một cuộc sống với hàng ngàn lựa chọn mà ta phải đưa ra quyết định hằng ngày, dẫu có khó khăn cách mấy thì việc cần làm chính là xem xét một quyết định theo một trạng thái tích cực nhất. Hãy đón nhận tất cả những gì xảy đến với chúng ta dẫu hạnh phúc hay khổ đau, dẫu niềm vui hay sự rạn vỡ như là một tất yếu cuộc sống, như một “món quà” Thượng đế ban tặng cho ta, hãy để tất cả xuyên qua ta, một cách nhẹ nhàng và bình thản.

Lee Kun Hee, chủ tịch Samsung, năm nay ở tuổi 71. Ông tỏ ra khá lặng lẽ nếu so với những lãnh đạo đồng cấp như Steve Jobs, Bill Gates.

Lee Kun Hee là tấm gương về sự kiên trì và khao khát thay đổi bản thân. Ông đã cổ vũ tinh thần cho lớp trẻ chúng tôi – những người vẫn bị cuốn vào vòng quay của việc cố gắng học tập trên sách vở để mong muốn tìm được một công việc tốt và một cuộc sống ổn định. Ông dạy cho chúng tôi rằng nếu không tự phát triển bản thân, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thương trường thì theo quy luật khắc nghiệt của xã hội, chúng tôi sẽ bị đào thải không thương tiếc dù đã sống và cống hiến bao lâu cho tổ chức. Gấp lại quyển sách gần hai trăm trang với những ấn tượng về niềm tin biến điều không thể thành có thể, đọng lại trong tôi là những gì tâm đắc nhất mà Lee Kun Hee đã chia sẻ với thế hệ sau.

Thứ nhất, “hãy thay đổi suy nghĩ để thay đổi mọi thứ”. Gần đây tôi có tham dự một buổi hội thảo, một diễn giả đã chia sẻ cho mọi người về bộ phim The Secret (Bí mật) và quyền năng của lực hấp dẫn. Khi ta nghĩ về một điều gì đó suốt ngày thì xung quanh ta sẽ sản sinh một nguồn năng lượng, theo luật hấp dẫn thì sẽ hấp dẫn những gì ta tập trung vào. Ta sẽ thấy được những cơ hội, những điều tốt đẹp và tích cực trong việc ta đang quan tâm. Hiểu và áp dụng được định luật này trong cuộc sống, tôi tin là mỗi người chúng ta sẽ có được thành công. Muốn thay đổi cuộc sống của mình thì trước hết phải có một niềm tin vững chãi về sự toàn thắng, cho dù điều đó đôi lúc có nghĩa là mình đang đi ngược lại với tất cả mọi người và đơn thương độc mã chiến đấu cùng lựa chọn của mình. Như tôi đã viết ở trên, nếu phải đối mặt với một trận chiến thì hãy vừa mỉm cười vừa đấu tranh! Điều quan trọng không phải là ta muốn thay đổi suy nghĩ gì mà chính là ta khao khát thay đổi như thế nào. Niềm tin ấy có đủ lớn để vượt qua những khó khăn, thử thách hay không. Tôi thấy sở dĩ con người ta ngại thay đổi chính là vì bản thân mỗi người đều sợ thất bại. Bản thân chúng ta không đủ tự tin để vượt qua rào cản tâm lý được xây nên bởi chính chúng ta và những người xung quanh. Chúng ta thậm chí còn chưa kịp thất bại, nhưng cứ mãi bị đè nặng bởi tâm lý thất bại! Nhưng lạc quan thay chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của mình, bắt đầu bằng việc ông Ji Sung đề cập, nạp thông tin tích cực bằng cách đọc khoảng 2000 quyển sách về phát triển bản thân của những người thành công

Thứ hai, “hãy dốc hết sức lực của mình”. Cứ thử tưởng tượng mỗi thành viên trong tập thể chúng ta đều dành thời gian phát triển bản thân, từ giám đốc đến nhân viên thì cả tập đoàn sẽ thay đổi theo. Phát triển bản thân là một cuộc chiến, kẻ thù không ai khác chính là những lề lối, thói quen từ quá khứ của bản thân mình. Thay đổi bản thân cần thiết phải từ bỏ “quá khứ của bản thân”: ngủ ít, đọc sách phát triển bản thân, học theo gương thành công, nghe bài giảng của các chuyên gia, chăm chỉ làm việc, tạo mối quan hệ xã hội… Để có được thành công trong hiện tại và tương lai thì thay đổi là tất yếu cộng với sự kiên nhẫn và cứng rắn. Chỉ cần luyện tập và dốc sức lực vào những việc mình làm, ta có thể làm được mọi việc, dù đó là những việc khó khan nhất.

Thứ ba, “làm việc gì cũng phải tìm hiểu mục đích và bản chất công việc”. Tôi thường được dạy rằng sự nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ trở thành một con người phá hoại, có khi sẽ gây ra một thảm họa. Làm việc gì cũng nên suy nghĩ và thận trọng. Bởi thế nên chúng ta không cần phải làm việc thật nhiều, thật chăm chỉ ngày đêm nhưng hãy làm việc một cách thông minh. Việc cần thiết trong tìm hiểu mục đích công việc chính là phải luôn luôn đặt câu hỏi để giải quyết vấn đề. Tại sao tôi phải làm việc này? Việc này có quan trong với tôi không? Tôi học hỏi được điều gì từ công việc?… nhằm loại bỏ những công việc dư thừa và thêm thời gian chú tâm vào những việc phục vụ cho mục đích quan trọng. Biến mục đích thành niềm tin và hiện thực hóa là ba công đoạn trong việc xác định mục đích công việc. Ngoài ta, nhìn nhận bản chất công việc là yếu tố đòi hỏi người thực hiện cần có một cái nhìn sâu và rộng, một lượng kiến thức đủ để tự đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề nhằm vạch chiến lược. Nhìn nhận ra bản chất công việc không phải là một chuyện dễ dàng thực hiện trên thực tế. Đó là một quá trình luyện tập khôn ngoan, kiên trì, bền bỉ và không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, “Hãy suy nghĩ đơn giản” và “Tạo bước đột phá” chính là hai nguyên tắc vàng trong thái độ quyết tâm thay đổi bản thân của ông. Trên đời này, không có việc gì để mà hoàn thành, con người ta lại không gặp khó khăn. Dám chấp nhận rủi ro, dám đương đầu với thử thách chính là những gì Lee Kun Hee đã trải qua và minh chứng là thành công của ông trên thương trường.

Trên đây là những gì tôi cảm thấy rất tâm đắc từ quyển sách. Vấn đề thứ hai tôi xin phép được bàn luận chính là việc làm thế nào mới được xem là một nhân viên tốt và có tương lai? Với tôi, tôi cho rằng điều quan trọng nhất của một nhân viên triển vọng và lý tưởng chính là “đừng bao giờ bằng lòng với hiện thực mà hãy phá vỡ hiện thực”. Những người có suy nghĩ này luôn luôn tìm kiếm và chinh phục thử thách. Như những gì tôi đã bàn ở trên, khi họ có động lực, theo nguyên tắc luật hấp dẫn thì chính họ sẽ có được những cơ hội hay duyên may mà người bình thường không thể có được. Ví dụ họ có thể tìm kiếm được nhiều hợp đồng bất ngờ, vô tình khám phá ra một giải pháp để giải quyết vấn đề hay hơn… Tôi đã từng đọc được một câu rất hay: “Thất bại đầu tiên trong đời người chính là ngủ quên quá lâu trên chiến thắng”. Những ai luôn tự bằng lòng với thành công hiện tại và không cố gắng tìm tòi tri thức mới sẽ gặp khó khan trong việc phát triển bản thân. Luôn luôn đặt cho bản thân một mục tiêu để hướng tới, một khi đạt được mục tiêu thì hãy lên kế hoạch cho một mục tiêu tiếp theo, khi đó mỗi người sẽ luôn luôn cố gắng không ngừng nghỉ.

Tôi rất thích một đoạn của Ji Sung: “hãy sống những tháng năm tuổi trẻ như là đi chiến đấu. Phải đấu tranh quyết liệt với bản thân, luôn tự nhủ rằng mình không được suy nghĩ tiêu cực, phải sống sao cho ngày hôm nay khác với ngày hôm qua và phải quyết tâm học những gì cần thiết đối với mình.” Đây là một bí quyết đúc kết từ kinh nghiệm của những người thành công. Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn văn này và đọc thành tiếng rất to, cảm giác lúc đó rất lạ, như có một sức mạnh tinh thần làm cho tôi thêm vững tin vào mình. Tôi cảm nhận như mình có thêm động lực thực hiện nó nhưng tiếc thay cảm giác đó qua đi rất nhanh, chỉ tồn tại vài giờ khi tôi bắt tay vào việc. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình có thể thực hiện mỗi ngày, tôi tin chắc cảm giác tích cực thôi thúc bản thân thay đổi sẽ dần dần trở thành một thói quen và tạo niềm tin cho bản thân. Đây cũng chính là điểm một nhân viên triển vọng cần nên thực hành.

Cuối cùng, tôi cho rằng một nhân viên có tương lai sẽ rất coi trọng việc “thực học”. Không chỉ tìm hiểu, học hỏi, mở mang kiến thức thông qua sách báo, internet và lắng nghe các bài giảng từ những chuyên gia mà còn phải có một tinh thần thực hành cao độ. Học bằng cách làm, học bằng cách va chạm với thực tế để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Chấp nhận rủi ro và thất bại, luôn chuẩn bị tinh thần để vừa chiến đấu vừa mỉm cười.

Nguồn Bit.vn