Thanh 22 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi khoa Ngữ Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bằng sự năng động và nhạy bén của mình Thanh đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm từ thời sinh viên, có lẽ vì thế mà sau khi ra trường Thanh đã nhận được rất nhiều lời mời về giảng dạy tại các trường tư tại Hà Nội.
Nếu như là người khác thì chắc chắn họ đã nắm lấy cho mình một cơ hội, thế nhưng cô bạn tôi thì lại khác - sẵn sàng từ bỏ những cơ hội hấp dẫn ấy để được quay trở về quê hương.
Ai cũng muốn tiến thân lập nghiệp, ai cũng muốn được ở lại thành phố để tìm kiếm thêm cho mình những cơ hội phát triển. Nhưng trường hợp của Thanh là một ngoại lệ bởi những chốn xô bồ, tấp nập và bon chen không phù hợp với lối sống của cô ấy. Hơn thế nữa, cô ấy luôn có một dự định gì đó đang ấp ủ phải hoàn thành.
Không dưới một lần tôi ngồi hỏi Thanh, rằng cơ hội là thứ mà nhiều người phải “dẫm đạp” lên nhau mới có, vậy tại sao bạn lại từ bỏ dễ đến vậy ?
Cô ấy trả lời ngắn gọn: “Vì tớ thích sự ổn định, không thích những công việc bấp bênh và bon chen, nên tớ sẽ quay trở về nhà để chuẩn bị thật tốt cho đợt thi viên chức giáo dục sắp tới”.
À, thì ra vẫn là giấc mơ lớn ấy, tôi cũng đã từng được nghe Thanh trải lòng rất nhiều lần về vấn đề này nhưng đột nhiên lại không nhớ ra. Cô ấy muốn một cuộc sống ở gần bên gia đình sau những năm tháng lăn lộn xa quê hương, không còn muốn phải đối mặt với những chuỗi ngày “cơm đường phở chợ”. Hơn lúc nào hết trong suy nghĩ của cô ấy, con gái chỉ cần một công việc ổn định là được. Điều ấy sẽ tốt hơn nhiều so với việc cứ phải du hành kiểu “nay đây, mai đó”.
Tròn 3 năm sau khi Thanh ra trường và quay về nhà để thực hiện ước mơ.
Nhưng con đường ấy vẫn đang “chững lại” mà không có tiến triển. 3 năm từ một cô gái tuổi 22 nay đã thành 25, nếu đi làm thì số kinh nghiệm sống bây giờ chắc cũng đã kha khá, hoặc nếu không sẽ có cho mình những mảng màu kiến thức khác phong phú hơn ở nhiều lĩnh vực.
Nhưng Thanh vẫn tin vào điều mình làm, vẫn chờ đợi cho những đợt thi kế tiếp để tên mình có trong danh sách những người đỗ đạt ở kỳ thi viên chức sắp tới. Chính vì niềm tin đó mà cô ấy vẫn chưa “quăng mình” ra ngoài xã hội để va chạm và trưởng thành. Thay vào đó cô ấy dành thời gian để làm vài công việc nhà, thời gian còn lại cô ấy ngồi vào bàn tiếp tục ôn thi với mớ lý thuyết khô khan đến sáo rỗng.
Với tư cách là một người bạn, không ít lần tôi đã đứng ra khuyên ngăn cô ấy, tôi có nói rằng: “Bây giờ đi làm công việc nào cũng được, bởi xã hội hiện tại đã rất mở rồi. Sao cứ phải đánh mất quá nhiều thời gian chỉ để lấy cho mình cái mác “ổn định” trong biên chế nhà nước kia?”
Cô ấy đáp trả: “Bởi công việc ổn định thì sẽ chẳng mấy khi phải gặp sóng gió, cuộc sống luôn trôi qua một cách rất bình yên mà chẳng cần phải nghĩ ngợi quá nhiều”.
Tôi không biết phải nói gì với câu trả lời đó nữa. Chỉ vì không muốn phải gặp áp lực trong công việc, chỉ vì mong muốn là vào biên chế rồi thì sẽ yên tâm làm cả đời mà chẳng cần phải đau đầu suy nghĩ, mà cô ấy vẫn đang kiên trì một cách mù quáng trong suốt 3 năm qua.
Đúng là sự kiên trì bền bỉ sẽ mang đến cho ta những cơ hội thành công, nhưng sự thật đã cho ta thấy rằng không phải cứ cái gì kiên trì thì sẽ cho chúng ta kết quả.
Nhiều khi khi chúng ta phải biết xác định mình đang ở đâu? Thực lực mình như thế nào...? Và giả dụ nếu có đạt được kết quả đó thì tương lai sau này của mình có thực sự hạnh phúc như chính mình đã từng nghĩ hay không?
Tôi không hề phủ nhận việc có được một công việc ổn định là sai, nhất là ở trong môi trường nhà nước. Nhưng nếu lỡ một ngày bạn cảm thấy ngột ngạt với sự ổn định đó, muốn thoát ra ngoài để mở mang đầu óc thì tôi sợ rằng bạn sẽ chẳng thể nào theo được nhịp sống ngoài kia vốn đã đi quá so với năng lực hiện tại của bạn.
Giả dụ, mọi dự định của bạn và gia đình đều đúng, từ lúc ra trường cho đến khi vào được cơ quan nhà nước, nơi có công việc ổn định mà bạn muốn thì tôi xin chúc mừng bạn bởi đó là một niềm vui tuyệt vời.
Nhưng ngược lại nếu chẳng may mọi chuyện diễn ra không thuận lợi, như trường hợp của cô bạn tôi kể trên, mất 3 năm mà vẫn chưa thể “chen chân” được vào nơi mình muốn thì mọi chuyện chỉ dần trở nên tồi tệ hơn với bạn mà thôi.
Một sự ổn định, an toàn đồng nghĩa với việc lượng kiến thức mà bạn có được cũng sẽ được bảo toàn. Nhìn gần thì đúng là an nhàn thật đấy, nhưng ẩn sau lớp vỏ an nhàn ấy là cả một lỗ hổng khó có thể mà khỏa lấp nếu như trên đường đời có những ngã rẽ bất ngờ xảy đến với bạn.
Có lẽ chúng ta vẫn đang bị chi phối quá nhiều bởi lối suy nghĩ của gia đình, xã hội rằng ổn định mới là “quy chuẩn” tuyệt vời.
Trong mắt của nhiều người, dù bạn có đang làm công việc gì đi chăng nữa nhưng nếu công ty đó không phải của Nhà nước thì thái độ của họ sẽ thấy rõ, những câu hỏi đại trà như:
- Công ty đó của Nhà nước hay là tư nhân?
- Làm công ty đó thì biết bao giờ mới ổn định? Sao không xin vào Nhà nước mà làm?
Nhiều người cũng bị áp lực với điều đó nên sống chết phải “đua nhau” vào làm Nhà nước để kiếm tìm sự ổn định, nhưng cuộc sống là của chúng ta, chẳng ai có thể sống hộ được cuộc đời của mình cả. Vì thế, thay vì phải cố an phận theo nếp nghĩ đó thì bạn hãy suy nghĩ tích cực lên, dám thay đổi bản thân, có như thế bạn mới không bị thổi bay trước những biến cố đổi thay mà cuộc đời đem lại.