Bạn có thể “mặc cả” với ti tỉ thứ ở trên đời, nhưng nên nhớ “sức khỏe” là thứ không thể mang ra để thêm bớt

Thử nhớ lại xem, bạn đã trì hoãn và vô tâm với chính sức khỏe của mình bao nhiêu lần rồi? Tôi biết rất nhiều người vì cuộc sống mưu sinh, vì cường độ cao của công việc, vì những khó khăn đang tạm thời bủa vây trước mắt mà chấp nhận “làm ngơ” để quên đi những trục trặc của cơ thể đang lên tiếng.

Bạn có thể vui với rất nhiều nỗi vui ở bên ngoài xã hội, bạn có thể say xưa khám phá thế giới này một cách vội vã mà không thể trì hoãn. Ấy vậy mà khi có một vài dấu hiệu của sự quá tải, có những lúc cơ thể giường như muốn “khụy” xuống bạn lại lưỡng lự như cái cách bạn băn khoăn về một điều gì đó, bạn đấu tranh tư tưởng xem xem việc dấu hiệu này có quan trọng hay không? Bạn tìm kiếm trên các trang mạng xã hội thông tin về dấu hiệu, triệu chứng mà bạn đang vướng phải ấy để suy đoán về tình hình sức khỏe của bản thân. Khi mơ hồ hiểu được về điều gì đó, cách mà bạn làm là chạy ra ngoài hiệu thuốc “mua tạm” lấy vài đơn để uống, đó như là cái cách để bạn trấn an tinh thần rằng mình sẽ không sao đâu mà.

Câu hỏi đặt ra ở đây rằng tại sao chúng ta lại lười đến thế? Từ bao giờ bạn xem sức khỏe của bản thân như là trò chơi riêng của mình vậy? Bạn nói rằng bạn bận, bạn nói rằng đi khám mất thời gian quá, bạn viện lý do hết tiền....tất cả như những công thức được lập trình một cách có sẵn để “đồng hóa” cho việc làm ngơ đi với chính cơ thể của mình. Có thể bạn không lo cho chính bạn, nhưng thử nghĩ mà xem nếu bạn nằm ra đấy, người khổ nhất có phải lại chính là gia đình, bố mẹ bạn hay không? Họ lại phải tạm gác lại hết tất cả những công việc thường ngày lại, phải gác hết lại những mệt mỏi lo toan của chính mình để dành sự quan tâm cho riêng bạn, vô hình chung chỉ vì sự “lười biếng” ấy của bạn mà kéo theo sự ảnh hưởng của bao nhiêu người khác nữa.

Bạn có thể trì hoãn với tất cả mọi thứ, bạn có thể mặc cả với hàng tá món đồ sở thích ở ngoài kia. Nhưng bạn nên nhớ, sức khỏe chưa bao giờ là thứ bạn có thể mang ra làm trò đùa, đừng để đến khi bạn cất lên hai chữ “giá như” thì mọi chuyện nó đã đi quá xa tầm kiểm soát rồi đấy! Lúc ấy, mọi sự hối hận đều đã quá muộn màng.

Có những bạn lúc đầu mới bắt tay vào khởi nghiệp, việc “thức khuya đậy sớm” là chuyện quá đỗi bình thường. Thậm chí họ còn thức bất chấp, sắn sàng làm việc với cường độ cực cao để nghiên cứu và chèo lái sao sao cho con thuyền khởi nghiệp của mình đi đúng hướng theo lộ trình họ đề ra.

Lại cũng có những bạn, vì chót yêu thích và đam mê với các đề tài khoa học, nên họ sẵn sàng dành như gần hết quỹ thời gian trong một ngày của mình để tìm tỏi, hoàn thiện các đề tài ấy. Không gian sống của họ chỉ gói gọn trong một căn phòng vừa đủ, quãng thời gian mà họ được thảnh thơi nhất chắc có lẽ là lúc đi từ nhà đến phòng thí nghiệm. Những lúc như thế, trong đầu họ không thể chứa  được thêm bất cứ một điều gì khác ngoài những : Công thức hóa học, nguyên tử lượng, các tia bức xạ....

Không thể phủ nhận, ước mơ chính là động lực phấn đấu, là mục tiêu cố gắng cho bất kì ai để có thể sống và làm việc được trọn vẹn. Nhưng dù có thể nào đi chăng nữa, bạn phải luôn tự ý thức rằng Sức khỏe mới chính là nguồn sống, là điểm tựa để bạn có thể bay cao và xa hơn. Tin tôi đi, bạn sẽ chẳng thể nào bê nổi một cốc nước để uống,  cầm được một cái thìa để ăn nếu như bạn đang ốm đâu. Chỉ đến khi bạn nằm xuống với những vết tiêm chích chằng chịt ở trên tay bạn mới hiểu, điều gì mới là quan trọng nhất ở trong cuộc sống này, mọi thứ xung quanh, mọi niềm vui bên cạnh...đều trở nên vô nghĩa hết nếu bạn không có sức khỏe chứ đừng nói đến những điều gì đó cao xa.

Có câu “Chiếc giường đắt giá nhất chính là giường bệnh”. Quả thật điều đó chẳng sai chút nào, cho dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa, cho dù bạn có giàu đến mức nào. Nhưng khi cơ thể mệt mỏi, bạn sẽ cảm thấy mọi điều bạn cố gắng trước đấy chỉ là phù du . Nếu để ý quan sát kĩ bạn sẽ thấy, khoảng 70% người đi tập thể dục ở các công viên đều là người già, tỉ lệ ấy vào sáng sớm còn cao hơn nữa vào khoảng 85%. Có bao giờ bạn thắc mắc về điều này không? Rằng tại sao tỉ lệ người già lại chú trọng hơn đến sức khỏe hơn người trẻ? Đơn giản thôi vì đến khi bạn nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của sức khỏe thì bạn đã già như họ rồi, khi còn trẻ bạn ỷ lại mình còn khỏe, sức đề kháng tốt. Thay vì đầu tư thời gian cho bản thân bạn dành quá nhiều cái sức trẻ ấy cho công việc, bạn bè, các cuộc nhậu....

Với những gì đã qua bởi trải nghiệm bản thân, tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới các bạn rằng “ Làm gì thì làm, bận gì thì bận, hãy lưu ý và ưu tiên đến sức khỏe của bản thân ở trước tiên. Mỗi ngày sử dụng 15-30 phút để nâng cao sức khỏe đó không phải là điều gì quá khó, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm để thực hiện điều đó hay không mà thôi

Vì một dân tộc khỏe mạnh, có như thế chúng ta mới sản sinh ra được những bộ não thông thái để góp phần xây dựng và kiến tạo đưa dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới các bạn nhé.

 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả ( Vui lòng ghi rõ nguồn khi coppy)

Mr.Why Phạm Ngọc Anh

Về Mr Why Phạm Ngọc Anh — là một trong những doanh nhân – huấn luyện viên hàng đầu tại Việt Nam với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đào tạo các vấn đề liên quan tới Phát triển cá nhân, Bán hàng, Kinh doanh, Lãnh đạo, Xây dựng doanh nghiệp... Bạn có thể kết nối với anh ấy trên Google+, Twitter, FacebookYoutube.