Trưởng thành thực sự không phải là khi bạn chứng tỏ mình trở thành “ông nọ, bà kia”- Mà là lúc bạn dám đứng trước mặt dũng cảm và nói “Con yêu cha”.

Từ xưa đến nay, cha và con trai vẫn luôn là hai thái cực trái dấu. Những tính cách, những góc nhìn, những cảm nhận của hai thế hệ vốn quá khác nhau khiến cho “sợi dây” tình cảm của hai người cứ thế kéo dài theo năm tháng mà chưa một lần có thể được gắn kết.

Khởi nguồn của mâu thuẫn được bắt đầu ngay từ lúc khi tôi còn bé…

Ai cũng có cho mình một tuổi thơ, tuổi thơ ấy sẽ thật hạnh phúc và may mắn nếu như họ có được cho mình một hình ảnh trọn vẹn, ý nghĩa về tình cảm mà cha dành cho con. Còn với riêng tôi, những cảm nhận “nghệch ngoạc” về tình cảm cha con trong lòng chẳng thể đẹp được như những gì mà sách vở thường hay miêu tả, xung quanh cảm nhận ấy mà đến tận bây giờ vẫn ghi hình trong tôi đó là sự hờ hững, sự vô lo, đôi khi là những trận đòn vô lý mà lý do nhiều khi rất đơn giản là đánh mất “giấc ngủ” của cha.

Có nhiều khi, tôi luôn tự nhủ với bản thân, rằng chẳng có cha nào không thương con cả. Chắc tại cha đi làm mệt, phải lo toan với quá nhiều bộn bề của cuộc sống nên cha chẳng đủ sức để dành tặng những cử chỉ thân thuộc ấy cho con nữa. Lớn hơn một chút, khi mà  bắt đầu biết cảm nhận, nhiều khi cũng mạnh dạn sử dụng hành động để bày tỏ tình cảm đối với cha (nấu cho cha những bữa cơm thật sớm để đợi ba về ăn cùng, đi là lại những bộ quần áo đã nhàu sao cho thật phẳng phiu để sáng hôm sau cha đi làm, hay cuối tuần gợi ý rủ cha cùng đi chơi…). Nhưng sau tất cả những gì tôi làm đều vô nghĩa, dần dần cứ thế cha và con càng ngày càng có những “ khoảng trời riêng”  rộng lớn mà chẳng ai có thể xâm phạm được vào nữa.

Và đến khi  trưởng thành tôi càng cảm nhận rõ nét được ý nghĩa của câu nói “Cha và con như nước với lửa”

Càng trưởng thành, cái khoảng cách mà cha và tôi tạo dựng lên cho nhau càng ngày càng lớn. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải thật thành công, thật cố gắng để làm việc, để hoàn thiện mình hơn nữa, để có thể chăm lo cho gia đình nhỏ của mình một cách tốt nhất. Và xa hơn, tôi muốn trả lời bằng hành động cho những nhận định không đúng về tôi của cha trong suốt quãng thời gian kia.

Bởi đã có khoảng thời gian khi còn ở nhà, từng có lúc tôi tưởng như “ngạt thở” trong chính ngôi nhà ấy, chỉ muốn trưởng thành thật nhanh để đi ra khỏi căn nhà ấy. Chẳng thể lý giải vì sao, tôi và cha càng ngày càng gay gắt với nhau, đôi khi tôi chẳng làm gì sai cả, chỉ đơn giản là tụ tập đi chơi với nhóm bạn thân về hơi muộn một chút mà đã xin phép trước đó cũng bị nói cho lên bờ. Cảm giác lúc đó như thế nào, nếu ai đã từng gặp phải như tôi chắc sẽ là người hiểu nhất.

Có lẽ cũng vì thế, mà bây giờ khi đã trưởng thành và đi làm tôi càng ngày càng ít về nhà hơn. Một phần vì nhà xa, và cũng một phần là càng lớn càng ngại phải gặp cha bởi cả hai chẳng có gì để nói, cảm giác ngại ngần như hai người xa lạ cứ lấn áp hết con người tôi, nhiều khi cũng thấy nhớ nhà, nhớ cha thật đấy nhưng cũng chỉ biết gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình qua mẹ, rồi hỏi mẹ xem dạo này cha có khỏe không? Ăn được nhiều không? Vậy thôi.

Nhưng rồi tôi chợt hiểu, trưởng thành thực sự không nhất thiết phải trở thành “ông nọ, bà kia” mà đôi khi chỉ đơn giản là bạn đã biết cách cân bằng cuộc sống , dám dũng cảm đứng trước mặt cha và nói “Con yêu cha”

Tôi đã từng nghĩ trưởng thành là khi bản thân biết kiếm được nhiều tiền để nuôi sống bản thân và phụng dưỡng bố mẹ. Phải cố gắng để trở thành người có tiếng nói để thấy mình đã trưởng thành hơn.

Nhưng tôi chợt nhận ra, nếu định nghĩa bản thân trưởng thành theo cách đó thì cán cân trong tôi đang càng ngày càng bị chênh lệch. Tức là tôi đang coi trọng những giá trị vật chất, coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động khác trong đời sống hàng ngày mà bỏ qua đi khía cạnh tình cảm. Nếu thực sự là thế, tôi chỉ đang trưởng thành một cách “nửa vời”.

Bởi trưởng thành thực sự là phải biết cân bằng cuộc sống, cân bằng được tình cảm hạnh phúc trong gia đình. Câu nói “con yêu cha” không đơn thuần chỉ là bước chuyển trong nhận thức tâm lý, mà đó còn là sự đánh dấu cho sự dũng cảm, xóa bỏ khoảng cách và tạo được sự gần gũi mà tưởng chừng như cha và con trai sẽ chẳng bao giờ có.

                                                                                                                                                       Phạm Ngọc Anh