Người trẻ thời nay: Hổ báo với bạn bè người thân, nhưng lại là những con thỏ nhát gan, những con rùa rụt cổ chốn công sở

Những người trẻ mới đi làm, họ giữ trong đầu quan niệm “dĩ hoà vi quý”. Họ im lặng trước mọi luồng thông tin, đơn giản chỉ vì không muốn làm mất lòng bất kì ai. Nỗi sợ hãi đã khiến họ ngập trong “đống vàng” của sự im lặng, rồi bị chôn vùi trong đó mãi mà chẳng khá lên được.

(1)

Im lặng là vàng. Đây là lời răn dạy của ông cha ta ngày xưa được nhiều bạn trẻ bây giờ thấm thía nhất. “Nghệ thuật im lặng” của giới trẻ được áp dụng đặc biệt nhiều trong công việc. Nhưng những nỗ lực im lặng đó, sau cùng thì, không hề đem lại cho các bạn trẻ nhiều vàng như họ mong muốn, thậm chí còn đang âm thầm bòn rút túi tiền tương lai của họ.

Ngày nay, không khó để nhìn thấy những gương mặt ít tuổi xuất hiện liên tục ở môi trường làm việc dưới dạng part-time, full-time, hay đang trong quá trình thực tập. Các bạn luôn đem đến sự trẻ trung, năng động, sự nhiệt huyết của mình cho các công việc mình làm. Tuy nhiên, chỉ một số ít người thực sự nổi bật, bởi những người còn lại đang bị lún chân trong vũng bùn lầy im lặng của mình. Họ cho rằng một điều nhịn bằng chín điều lành, vì vậy quyết định bịt băng keo quanh miệng, rồi để bản thân bị cuốn trong những tình huống phức tạp khó giải quyết.

Họ không biết rằng, im lặng chẳng những không trao họ vàng, mà thậm chí còn là mồi lửa bắt cháy những hiểu lầm và tình huống bức xúc nơi công sở. Và khi trở thành nạn nhân, họ lại quá sợ hãi để lên tiếng, rồi tiếp tục để sự im lặng của mình dập tắt những cơ hội thành công trên con đường sự nghiệp của mình.

(2)

Ai là người mà khi đối mặt, các bạn trẻ thường tránh nói chuyện nhất? Các bạn trẻ chắc chắn không bất ngờ trước câu trả lời sau đây, bởi họ đã quá quen với việc lờ đi “sếp – những người trực tiếp phụ trách họ.” Thậm chí, khi trưởng thành, nhiều người vẫn duy trì thói quen sợ hãi vô cớ này. Họ sợ sếp còn hơn xem những bộ phim kinh dị đáng sợ nhất, giật mình thon thót khi sếp gọi tên mình, và thở phào nhẹ nhõm nếu có một ngày “được” sếp coi mình như người vô hình.

Cứ thế, họ bỏ qua quyền lợi tối cao nhất của mình: Quyền được “ý kiến” với sếp.

Bạn đang đi phỏng vấn. Bạn đã chuẩn bị một bộ CV thực sự nổi bật, với những thành tích hoành tráng bạn tích cóp được trong suốt thời sinh viên. Bạn xuất hiện ở văn phòng từ sớm, bắt đầu thấy tim đập nhanh. Sau khi thấy người phỏng vấn mình, bạn hoảng sợ thực sự. Bạn bắt đầu lắp bắp, lí nhí mỗi khi người phỏng vấn đặt câu hỏi. Đến phần quyền lợi, người ta nói gì, bạn cũng gật đầu lia lịa. Sau đó bạn ra về và chờ kết quả.

Nếu bạn thấy mình từng trong tình cảnh này, chúc mừng bạn, bạn đang, hoặc ít nhất đã từng là, một phần của cộng đồng những người trẻ sợ hãi đang lớn mạnh dần lên từng ngày. Nỗi sợ hãi càng lớn, khả năng một người nói lên ý kiến của mình càng thấp, để rồi cứ giữ mọi thứ trong lòng mà chẳng biết kêu ai.

Khi đi học, trường dạy cho chúng ta rất nhiều kĩ năng khác nhau, hỗ trợ chúng ta thực hiện công việc của mình. Nhưng đa phần, những kĩ năng đó chỉ mang tính chất cá nhân, nghĩa là ta được trao công cụ để giải quyết tốt mọi thứ MỘT MÌNH. Nhưng khi đi làm, ta nhận ra không thể nào có thể tự mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta luôn cần những sự trợ giúp, bởi công việc muốn thành công cần sự nỗ lực từ một tập thể.

Và đây là lúc vấn đề bắt đầu. Từ trước đến giờ, bạn không nhận được bài học nào về kĩ năng giao tiếp. Tất cả những gì bạn biết về kĩ năng giao tiếp gói gọn trong câu “Im lặng là vàng”. Đến khi xung đột, bạn không biết mình phải mạnh dạn nói ra ý kiến của mình để trao đổi.

Bạn cũng cho rằng mình có thể tự giải quyết vướng mắc của mình, không phải phiền hà đến ai. Bạn đem sự im lặng của mình vá thành cái túi để chất chứa những sự khó chịu, bất mãn của mình.

Đến một ngày, túi nặng quá không vác được, bạn quyết định rời công ty và đi tìm việc mới. Chính vì không chịu nói ra những vấn đề của mình, bạn và rất nhiều bạn trẻ khác đã bị người lớn gán cho một đặc điểm nghe chẳng êm tai gì, đó là: Thích nhảy việc.

(3)

Thật ra, bạn im lặng không hoàn toàn áp dụng triệt để những lời dạy của ông cha ta ngày xưa. Bạn im lặng, một phần vì sợ hãi, một phần vì bạn cho rằng: Sếp của mình là những cỗ máy không có trái tim. Họ chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chứ chẳng mảy may quan tâm đến cảm xúc của bạn. Thực ra, loại sếp này có tồn tại, nhưng bạn phải thật sự rất kém may mắn, bạn mới có thể làm việc dưới trướng họ thôi. Còn đa phần những người sếp, họ thừa kinh nghiệm và kiến thức để hiểu rằng ai cũng có cuộc sống riêng, và trong một thị trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, không nhiều người muốn lãng phí nhân tài chỉ vì sự hà khắc quá đáng của mình.

Vậy nên, bạn hoàn toàn có thể coi sếp như một người bạn của mình, chứ không phải coi mình là nô lệ đang bị ông chủ, bà chủ nào đó bóc lột sức lao động. Khi sếp bạn ôn tồn bảo: “Em có gặp vấn đề gì không?”, bạn hãy giãi bày hết những trăn trở của mình, thay vì mỉm cười trấn an sếp và để mình lún sâu trong khủng hoảng!

Sếp không phải một đứa bé để bạn che chở, càng không phải là một đứa bé hở tí là khóc. Ngược lại, đó là những người dạn dày kinh nghiệm, sẵn sàng đưa cho bạn những phương án giải quyết đơn giản cho những vấn đề tưởng chừng như phức tạp nhất. Nếu bạn từ chối nguồn lực trợ giúp chất lượng này, thật dễ hiểu nếu bạn đi làm thật chán, và mỗi ngày phải đến công ty không khác gì bước chân vào chốn địa ngục.

Áp dụng “Im lặng là vàng” một cách mù quáng, các bạn trẻ đang làm con đường thăng tiến của mình trở nên gập ghềnh hơn. Trước những vấn đề đáng lẽ cần lên tiếng, họ lại để sự im lặng lên ngôi. Họ tự nhủ với bản thân rằng: “Mới đi làm, tốt nhất là không nên ý kiến gì nhiều. Đợi khi nào mình nắm giữ vai trò quan trọng hơn, khi ấy mình mới được quyền phát biểu ý kiến.” Họ không ngờ rằng, chính vì im lặng, họ trở thành những người thụ động, ít nói, sống khép mình trong mắt đồng nghiệp.

“Im lặng là vàng” tức bạn phải hiểu khi nào nên im lặng, tập trung lắng nghe, quan sát những điều quan trọng, và bạn chỉ lên tiếng với những vấn đề cần thiết, tránh những câu hỏi thừa thãi. Đó mới chính là ý nghĩa ẩn giấu đằng sau những câu răn dạy của ông bà khi xưa.

Im lặng vì sợ, hay vì nghĩ mình biết tuốt rồi đều có thể dẫn đến những bi kịch cho tương lai nghề nghiệp của bạn sau này. Im lặng không đúng cách, bạn có thể làm được ở một ví trí trong nhiều năm, nhưng những kiến thức bạn thu lượm được sẽ gần như bằng không, thậm chí còn cảm thấy mơ hồ về công việc mình làm.

Làm việc không đơn thuần chỉ để kiếm tiền, mà còn để bản thân trưởng thành và phát triển. Nếu bạn chỉ mơ kiếm tiền trong êm ấm, không chịu bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình để tiến vào giông bão, bạn sẽ không bao giờ kiếm được những đồng tiền tốt. Đừng để sự im lặng cướp đi giá trị của bạn, đừng vì e sợ những đồng tiền mà bỏ qua những cảm xúc, tâm trạng của mình, để rồi im lặng nhìn cơ hội vuột qua mất.

Cuối cùng thì, đừng câm lặng, đặc biệt với những điều có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, hay những điều bản thân cảm thấy chưa hợp lí hoặc bất công. Biết lên tiếng trước những vấn đề lên tiếng, các bạn trẻ mới có thể nhìn thấy tương lai của mình rõ ràng hơn, đồng thời có thêm bản lĩnh, sự tự tin để theo đuổi công việc mình lựa chọn.

Theo tác giả : Đình Trọng