Lời khuyên cho những ý tưởng kinh doanh ít vốn

Có rất nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ  được phát kiến ra từng ngày, nhưng hầu hết các ý tưởng này chưa được triển khai thực tế. Bởi trong đa phần suy nghĩ của những người mới khởi nghiệp – những người lên ý tưởng thì tất cả sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có đủ tiền bạc để hiện thực hóa chúng.

Vốn lớn đúng là một lợi thế trong kinh doanh, nhưng nó không quyết định được tất cả. Bạn hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế và bứt phá hoạt động kinh doanh của mình chỉ với một số vốn nhỏ hay biến giấc mơ của mình thành hiện thực ngay cả khi bạn chưa đủ khả năng về kinh tế.

Bạn đừng lo, mỗi ngày có tới 2700 người trở thành triệu phú khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cơ mà, tại sao bạn nghĩ mình không thể. Hãy bắt đầu từ:

  1. Xây dựng doanh nghiệp với loại hình kinh doanh bạn nắm rõ

Nếu chưa chắc chắn ở một lĩnh vực, thì việc liều mình vào một lĩnh vực hoàn toàn khác thì thật hoang đường, cho dù bạn có số vốn lớn thế nào cũng không biến ý tưởng kinh doanh của bạn trở nên hiệu quả.

Nếu đang là chủ một doanh nghiệp nhỏ và cảm thấy khó khăn khi mở rộng mô hình kinh doanh hoặc đang chuẩn bị khởi nghiệp với một số vốn ít ỏi. Thay vì mạo hiểm đầu tư vào những lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm với kiến thức kinh doanh được đào tạo, bạn hãy sử dụng các kỹ năng và kiến thức về lĩnh vực mình nắm rõ nhất.

Nên nhớ, càng ít phải phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài càng tốt, hãy học cách tự lực cánh sinh. Bạn có thể học hỏi từ các tiền bối đi trước những đừng dựa dẫm vào họ, vì như thế nền tảng kiến thức kinh doanh của bạn sẽ không chắc chắn. Việc này cũng giống như bạn đi xây nhà nhưng mượn móng của kẻ khác vậy.

y-tuong

Ví dụ, bạn được đào tạo về kinh tế và am hiểu về nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch tại thị trường Việt Nam. Bạn có thể bắt đầu khai thác và kinh doanh về các mặt hàng này, hoặc mở các trang trại, đơn vị sản xuất cung cấp các nguồn thực phẩm sạch. Đây là một ví dụ  điển hình ở các quy mô kinh doanh nhỏ có số vốn đầu tư ít. Nó cũng là loại hình kinh doanh bắt kịp xu hướng kinh tế bây giờ.

Bạn am hiểu về kinh tế nông nghiệp thì hãy bắt tay với nó chứ đừng lao vào thị trường bất động sản, khó khăn sẽ gấp bội đấy. Không ai chờ tàu hỏa ở sân bay phải không?

  1. Không bỏ tiền vào những đầu tư không cần thiết

Nếu tiền với doanh nghiệp bạn là một vấn đề lớn thì càng phải có một kế hoạch chi tiêu cụ thể. Đừng vung tay quá trán, bạn nên dùng tiền vào việc đầu tư vào mua thiết bị, cải tiến phương tiện sản xuất và tăng tiện ích về đặc điểm của sản phẩm. Đừng phung tiền vào việc ra rả quảng cáo và truyền thông, nó rất lãng phí với các doanh nghiệp nhỏ, nhất là khi tình trạng nguồn tài chính đang bị hạn chế.

Sản phẩm dịch vụ không tốt, thì chẳng có quảng cáo nào bán được nó cả. Bạn bán uy tín chất lượng sản phẩm tốt tức là bạn đang quảng cáo tốt. Người tiêu dùng cực kỳ thông minh, họ sẽ nhận ra ưu điểm này của bạn.

Giả dụ, bạn sản xuất các sản phẩm về lốp xe hay các phụ tùng vận tải chẳng hạn, và bạn muốn quảng cáo sản phẩm bằng Frame media trên mọi nẻo đường hoặc các tòa nhà lớn, nhưng bạn nên biết  chi phí ấy vô cùng tốn kém. Nếu muốn tiết kiệm, hãy liên kết với nhà đại lý hoặc các công ty chuyên về Logistics với việc họ sử dụng và quảng bá cho sản phẩm của mình trên chính phương tiện họ di chuyển, hãy trao đổi giá hợp tác ưu đãi nhất mà ít doanh nghiệp nào đáp ứng được. Doanh nghiệp nhỏ có một lợi thế là đáp ứng mức giá thấp hơn cho các đơn vị hợp tác so với các doanh nghiệp lớn, bởi doanh nghiệp lớn thì họ luôn giữ “giá” cho thương hiệu, chẳng dễ gì mà họ hạ giá cho sản phẩm của mình nhiều như thế.

Nếu bạn thực sự muốn quảng bá thật rộng rãi bằng các phương tiện quảng cáo online, thì có một phương pháp nhỏ cho bạn. Đừng thuê các công ty chạy quảng cáo riêng cho mình, nếu bạn ý thức được việc phát triển thương hiệu doanh nghiệp lâu dài hãy tự đầu tư cho mình nhân viên chuyên về lĩnh vực này và bồi đắp cho anh ta chuyên nghiệp hơn nữa. Thật tệ khi để cho những kẻ không am hiểu về sản phẩm của mình đi quảng bá chúng, hãy tự lên cho mình chiến dịch và triển khai ngay lập tức, chắc chắn điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản lớn và mang tính lâu dài.

  1. Tự quản lý kiểm soát tài chính

 

Với những người mới bước vào nghề kinh doanh, việc để dự trù về kinh phí là một điều nên làm hơn bao giờ hết, mọi nguy cơ và khủng hoảng đều có thể xảy ra. Chi phí cho những phát sinh mới tiêu tốn khá nhiều tiền của bạn, vì vậy hãy phòng bị cho những rủi ro ngay từ bây giờ.

Quản lý tài chính hết sức quan trọng, cả kể bạn là CEO của doanh nghiệp bạn cũng nên làm việc như một kế toán kiêm thủ quỹ lẫn hành chính. Nên học hỏi cách quản lý này từ những người có kinh nghiệm lâu năm trong cùng lĩnh vực, bởi họ là những kẻ nắm rõ nhất chi tiền vào cái gì là hiệu quả và tránh xa cái gì là an toàn với loại hình kinh doanh của bạn.

Kiểm soát tối đa về nguồn tiền thu chi, phát sinh của công ty, bạn phải biết mình đã chi cho việc gì, bao nhiêu và cần phải bỏ ra bao lần nữa. Nếu cảm thấy những khoản nào không thực sự cần thiết, không mạng lại hiệu quả nên ngừng bỏ tiền ra ngay lập tức.

Còn một điều nhỏ nữa, với những người có liên quan đến nắm giữ tài chính công ty, hãy “cẩn thận” với họ, tôi không có ý can thiệp đến sự tín nhiệm của bạn dành cho người khác, nhưng không phải ai cũng trân trọng tiền mồ hôi công sức của bạn đâu. “Một người làm kinh doanh phải tỉnh táo ngay cả lúc ngủ”.

  1. Sẵn sàng xắn tay làm tất cả mọi việc

trang-tri-van-phong-tien-loi

Đừng tưởng là kẻ đứng đầu phải nhận thêm chức vụ làm kế toán kiêm thủ quỹ là ghê gớm, bạn còn phải làm lao công cho chính công ty của bạn nữa. Đừng tốn tiền thuê một người dọn dẹp cho bàn làm việc của bạn chỉ vì sự lười nhác, hãy tự tay làm đi, đừng chi quá nhiều cho việc trang trí, hãy thiết kế công ty của bạn gọn gàng và tiện lợi nhất.

Bạn sẽ phải cùng một lúc đóng nhiều vai dưới danh nghĩa của một người điều hành, nó đòi hỏi cống hiến rất nhiều thời gian cũng như hao mòn sức lực. Dù vậy đừng để khó khăn về về kinh tế và mệt mỏi ban đầu này ngăn cản bạn hiện thực hóa việc kinh doanh của mình. Bạn đã có ý tưởng tốt thì chỉ cần hành động tốt nữa thôi.

Có thể mọi thứ sẽ thực sự rất khó khăn và bạn sẽ gặp nhiều tình huống căng thẳng, đầu chỉ muốn nổ tung, nhưng đó là một phần không thể thiếu trong hành trình gian khó này. Bạn có thể làm được tất cả mọi việc tức là bạn nắm bắt được hết tất cả hoạt động của công ty, doanh nghiệp mình. Nắm bắt được thì quản lý được.

“Người đàn ông giỏi nhất là người có thể làm những việc nhỏ nhất một cách tốt nhất” –  Abraham Lincoln.

Phạm Ngọc Anh