Căng thẳng mệt mỏi khi làm việc- Đâu là cách để chống lại điều đó

Khối lượng công việc hàng ngày quá nhiều dẫn đến việc bạn bị áp lực, mệt mỏi hay căng thẳng là chuyện thường tình. Những lúc như thế, tâm trí bạn chẳng còn đủ tỉnh táo để có thể tiếp tục được nữa, nhưng mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều nếu bạn trang bị cho mình được những kỹ năng sau 

Bạn là bạn chứ không phải là ai khác

Khi bắt tay vào thực hiện một công việc mới, bạn thường hay mang trong mình một tâm trạng lo lắng, hồi hộp vì không biết bản thân mình làm như thế là có đúng hay không? Kéo theo đó là chúng ta đi xem mẫu cách làm của người khác, bê nguyên cách làm của người mà chúng ta đang theo dõi ấy.

Nhưng bạn ạ, bản thân mình chứ không phải là ai khác, bạn không thể theo được cách trình bày, mẫu ý tưởng của người khác đã làm trước đó “dập khuôn” cho chính bạn được, nó chỉ làm cho bạn thêm mệt mỏi, căng thẳng và bất lực thêm mà thôi. Thay vì đó, hãy tự sáng tạo cách làm riêng mang theo phong cách của mình, dù mới đầu có thể không tránh được sai sót, nhưng dần về sau các kỹ năng sẽ được hoàn thiện lên. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy ổn hơn rất nhiều.

Hãy linh hoạt, khéo léo trong từng đầu việc, phân bổ công việc một cách hài hòa sẽ giúp bạn có được tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều, kèm với đó là cải thiện hơn chất lượng cuộc sống của mình sẽ giúp bạn thoải mái hơn.

Rèn luyện thói quen tốt

Bạn đừng bỏ qua điều này nhé, rèn rũa và tạo được cho mình một thói quen tốt sẽ làm công việc của chúng ta được tập trung và cải thiện hơn rất nhiều.

Bạn đã từng bao giờ phải dành khoảng thời gian vô nghĩa nhất để đi tìm lại các đống tài liệu, đã bao giờ phải chạy quanh khắp phòng chỉ đi tìm một cái kéo…Chính những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy nó cũng “gặm nhấm” kha khá thời gian làm việc của bạn, khiến bạn không thể tập trung hết mức vào công việc, kéo theo đó là sự xao nhãng không hoàn thành tiến độ đề ra.

Mỗi buổi sáng thức dậy, dành thời gian thể dục một chút cho bản thân và tranh thủ vạch ra trong đầu những việc cần làm ngay trong ngày hôm nay, gần nhất là ngay trong buổi sáng này. Đưa các thứ tự ưu tiên đó sẽ làm bạn căn chia thời gian hợp lý nhất cho công việc trong ngày.

Nếu có vấn đề xảy ra xung quanh công việc bạn đang đảm nhiệm ấy thì hãy giải quyết chúng ngay nếu có thể, trường hợp chưa thể giải quyết được thì hãy tạm dừng lại, xem xét công việc tiếp và đề ra ngày cố định để chốt cho xong . Tuyệt đối đừng cố ngồi để giải quyết công việc đó khi chưa thể, trong khi công việc đằng sau đang chờ bạn xử lý, hãy cứ làm các công việc khác như thường và sau đó mới quay lại việc ban đầu kia.

Khi đối mặt với những khó khăn trong công việc, chúng ta rất dễ sa lầy vào những tiểu tiết. Hãy nhìn vào bức tranh khái quát và đừng quá chú ý vào chuyện lặt vặt.

Tránh ôm việc về nhà

Một số người bạn mà tôi biết thì vấn đề này thường xuyên như “cơm bữa”.

Tôi cũng có hỏi rằng tại sao lại nhiều việc đến thế? Trên công ty không xong phải mang về nhà thì thời gian đâu mà nghỉ ngơi? Bạn tôi chỉ nói “Quen rồi”.

Công việc là quan trọng, đúng. Nhưng nó chỉ quan trọng khi bạn còn ngồi ở trên ghế cơ quan mà thôi, còn khi về nhà đó là thời gian mà bạn phải dành cho gia đình, con cái và cho chính mình. Một ngày 8 tiếng làm việc đã đủ bộn bề, áp lực trào dâng với những con số….Nếu như về nhà bạn vẫn tiếp tục “cày” như thế thì ngày qua ngày cuộc sống với bạn chỉ là những căng thẳng, lo âu mà chẳng có lấy nổi một ngày thoải mái.

Hãy tiết chế lại công việc, phân bổ thời gian sao cho phù hợp nhất để bản thân không bị cuốn vào guồng quay mệt mỏi.

Vô tư đi, chuyện gì đến sẽ đến

Nhiều bạn đi làm cứ mang tâm trạng “thấp thỏm” không hoàn thành chỉ tiêu, xa hơn là những quyết định nghỉ việc sắp tới biết đâu sẽ gọi tên mình….

Nhưng nếu lo lắng mà có thể không bị rơi vào hoàn cảnh trên thì tôi cũng sẽ lo lắng, còn  nếu lo lắng mà không giải quyết được vấn đề gì thì bạn hãy quẳng gánh  nặng tâm lý đó đi mà sống.

Mr. Why Phạm Ngọc Anh