Dạy trẻ tự tin

Tất cả chúng ta đều muốn con mình tự tin, dù vậy thì những đứa trẻ vẫn thường tỏ ra xấu hổ, rụt rè hệt như nhiều người lớn vậy. Đây là 10 cách đơn giản có thể giúp con bạn “tỏa sáng”.

Để trẻ chơi với bạn đồng lứa

Có thể không hẳn đúng, nhưng những tình bạn thuở đầu đời vẫn rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tự tin cho trẻ. Dù sao, con người vẫn luôn muốn được sống trong sự hòa hợp vui vẻ với người khác. Khi con bạn đủ tuổi để có thể lý giải vì sao nó thích chơi với người này mà không chơi với người kia, hãy để chúng tự quyết định.

Có thể bạn chỉ khuyến khích con trong một vài quan hệ bạn bè nhất định thì cũng đừng ngăn cản việc con chơi với ai trừ khi bạn có lý do thực sự đúng đắn. Khi trẻ chơi với bạn bè cùng lứa, chúng học được những kỹ năng sống quan trọng như biết chia sẻ, đàm phán và quan hệ với người khác.

Bên cạnh những bậc sinh thành yêu thương, không gì có thể giúp một đứa trẻ vượt qua tốt hơn những thử thách nhỏ trong đời sống như sự hỗ trợ của bạn bè cùng lứa.

Trò chuyện về cảm giác

Bạn càng sớm khuyến khích trẻ nói về những cảm giác của chúng càng tốt. Khi trẻ có thể xác định và miêu tả những cảm xúc của mình, chúng cũng cảm nhận được tình cảm bạn bè ở trường dành cho chúng. Từ đó, trẻ sẽ nhạy cảm hơn trong việc nhận diện cảm xúc của người khác, từ đó, phát triển thái độ đồng cảm ở trẻ.

Tất nhiên, cũng sẽ có những trẻ chỉ miễn cưỡng khi nói về cảm xúc của mình. Có đứa chỉ đáp cho xong kiểu như “con thấy bình thường”. Khi đó, bạn có thể khơi gợi để chúng nói thêm kiểu như, “Vậy khi bạn A nói điều gì đó với con, con thấy có buồn không?”, v.v…

Việc có thể nói ra bằng lời những cảm xúc của bản thân sẽ giúp trẻ dễ thương thuyết được với nhau hơn về những mắc míu trong các tình bạn thuở đầu đời.

Tạo cơ hội để trẻ bộc lộ tài năng

Việc hiểu rõ thế mạnh của bản thân ở lĩnh vực nào đó làm tăng lòng tự tin của người lớn thế nào thì với trẻ, điều này không có gì khác. Dù vậy, cũng không đơn giản để có thể tìm ra những hoạt động có thể kích hoạt trí tưởng tượng của chúng.

Do đó, nếu phải thử nghiệm qua nhiều lĩnh vực để tìm ra thứ mà con bạn thích thú thì việc đó cũng rất đáng để bạn đầu tư thời gian, công sức.

Khen ngợi phải đúng cách

Bạn có thường xuyên khen ngợi con mình không? Quá nhiều tới mức chúng có thể nghĩ, “Bố/mẹ chỉ nói vậy để mình vui thôi thì phải?” hay chẳng mấy khi như vậy.

Lời khen làm tăng sự tự tin trong mỗi người, nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi con bạn đạt được một thành công cụ thể, kể cả khi nó nhỏ bé thôi.

Hãy thể hiện lời khen của bạn thông qua việc trưng bày những thành tựu của trẻ, ví như tấm giấy khen,  chiếc cúp tặng thưởng hoặc bức tranh đẹp.

Đương đầu với thói bắt nạt

Thói bắt nạt làm xói mòn ghê gớm lòng tự tin ở trẻ, ngay cả khi chúng ta không thể tận mắt nhìn thấy điều đó. Việc réo tên gọi hay đột nhiên bị loại khỏi nhóm chơi cũng gây ra những tổn thương tương tự nhau.

Nếu nhận thấy lòng tự tin của con bạn có vấn đề, chúng trở nên lặng lẽ, khép mình, bạn hãy nhẹ nhàng hỏi han để biết điều gì đang khiến trẻ buồn bã.

Nếu bạn ngờ đã xảy ra chuyện con mình bị bắt nạt, bạn cần phải trao đổi kỹ với các giáo viên ở trường để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Cùng với đó, hãy giải thích với trẻ rằng, chúng không cần thiết phải lặng lẽ chịu đựng những điều đó, chúng nên thông báo với một người lớn đáng tin cậy biết về những việc đang xảy ra.

Giúp trẻ tự do khám phá

Hầu hết chúng ta đều luôn có xu hướng muốn bảo vệ con mình như một bản năng. Nhưng việc cho phép con trẻ tận hưởng cảm giác tự do sẽ đem lại những trải nghiệm kỳ diệu với chúng. Việc được thoải mái khám phá thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ kiểm nghiệm những khả năng của chúng, học hỏi những kỹ năng mới và thấy tự hào khi chúng có thể trèo lên cành cây cao nhất.

Tất nhiên, bạn vẫn phải luôn dõi mắt theo chúng và ngay lập tức xuất hiện khi chúng làm điều gì đó nguy hiểm.

Dù vậy thì bạn cũng chỉ nên quan sát từ một khoảng cách xa để trẻ có cảm giác chúng được phép đưa ra những quyết định nhỏ, rất quan trọng với chúng, mà không bị cha mẹ ngăn cản.

Loại bỏ sự ngại ngùng

Thật bực mình khi đứa con nhút nhát của bạn không chịu tham gia bữa tiệc sinh nhật. Năn nỉ hay thuyết phục hiếm khi có tác dụng, điều đó chỉ khiến nó bám chặt lấy bạn hơn thôi.

Bạn nên hiểu rằng, những đám đông ồn ào, sôi động quả là điều rất hoang mang với nhiều người. Bạn cảm thấy ra sao khi bị “ném” vào giữa một nhóm người đông đúc nào đó mà gần như chẳng quen ai. Hãy tạm từ chối mọi lời mời khi con bạn không muốn đi và rồi chủ động tạo điều kiện để trẻ được trò chuyện trực tiếp với người khác và dần xây dựng lòng tự tin.

Bạn cũng không nên nói trước với tất cả mọi người rằng con bạn xấu hổ khi trẻ đang đỏ mặt tía tai. Thường thì trẻ hay có xu hướng bị ảnh hưởng bởi những cái “mác” mà người khác gán cho chúng.

Dạy trẻ biết giúp đỡ

Trẻ nhỏ thường thích được giúp đỡ cha mẹ loanh quanh ở trong nhà hay ngoài vườn. Do đó, việc bạn khuyến khích chúng học hỏi những kỹ năng mới sẽ làm tăng cảm giác thành công với trẻ. Bạn hãy thực hiện điều này một cách đơn giản là khi làm việc bên trẻ, thi thoảng bạn tách ra để chúng tự làm theo một cách thức đã biết.

Theo các chuyên gia tâm lý, giống như việc giúp trẻ phát triển lòng tự tin, việc cho trẻ tham gia vào những công việc có ý nghĩa thực tiễn sẽ khuyến khích trẻ biết quan tâm và có trách nhiệm hơn. Bạn hãy kiềm chế thái độ phê phán, chỉ trích nếu trẻ làm chưa được vừa ý bạn, ví như chúng nặn cái bánh méo mó hay rửa bát đĩa chưa thật sạch.

Việc trẻ thích thú được làm việc mới là quan trọng, và thêm nữa, trẻ luôn học được nhiều điều qua những sai lầm nho nhỏ.

Trẻ đơn độc ư? Không phải lúc nào cũng thế…

Đôi khi thấy con mình cứ lụi hụi chơi một mình, nhiều bậc cha mẹ lo ngại chúng thiếu tự tin, nhưng không hẳn vậy.

Thường thì việc trẻ dành thời gian nhiều cho việc chơi một mình cho thấy, trẻ không chỉ hài lòng với “công trình riêng”, mà còn có trí tưởng tượng rất phong phú. Đây cũng là những tính cách sẽ giúp đỡ trẻ trong suốt thời thơ ấu và cả sau này nữa. Chúng ta vẫn cho rằng, tự tin tức là vẫn luôn là mình giữa một nhóm người.

Những trải nghiệm 2 mặt của cuộc sống

Chúng ta hãy cùng nhìn nhận về điều này: con cái chúng ta đang phải đối mặt với nhiều áp lực hơn thế hệ mình. Những kỳ vọng của chúng ta quá nhiều và do đó, ta thường hối thúc, bắt ép trẻ phải thực hiện hết việc này đến điều kia.

Thực chất, để tạo lòng tự tin cho trẻ, bạn hãy khuyến khích để con mình luôn chủ động và có nhiều thời gian vui chơi với bạn bè. Một tuổi thơ nhiều niềm vui sẽ tạo nên một con người trưởng thành tự tin và hạnh phúc.

Đỗ Dương (Theo Ivillage)