Dạy bé “tiêu tiền” qua các trò chơi

Bạn bày lên bàn một vài món đồ, chẳng hạn như hoa quả, chiếc kẹp tóc, bút, sách… và làm bảng giá cho mỗi thứ rồi chuẩn bị cho bé một ít tiền để trong vai trò người đi mua, bé sẽ tự “sắm” những món mình thích. Mẹ nên khuyến khích bé mặc cả cho mỗi thứ đó.

Trò chơi này phù hợp với các bé bậc tiểu học.

Qua các trò chơi nho nhỏ, bạn không chỉ gắn kết thêm sự thân thiết giữa hai mẹ con mà còn chủ động dạy bé những bài học đầu tiên về giá trị của đồng tiền.

Dành cho các bé từ 2 – 3 tuổi

Trò chơi với những tờ tiền

Đưa cho con bạn 3 tờ tiền (là giả) và bạn cũng giữ 3 tờ. Sau đó, bạn hãy cùng con hát một bài mà bé ưa thích, đồng thời lấy lại một tờ tiền trên tay của bé. Bé cũng bắt chước bạn và rút một tờ trên tay bạn. Khi bài hát kết thúc, ai giữ được nhiều tờ tiền hơn, người đó thắng cuộc.

Bạn cũng có thể tăng số lượng các tờ tiền lên (4, 5 hay 6 tờ) ở các lần chơi sau.

Trò chơi săn tìm kho báu

Bạn giấu những đồng tiền hoặc “của cải” (các vật ưa thích của bé) trong vườn hoặc ở các góc nhà. Trang bị cho bé một chiếc xẻng nhựa để bé đào xới (nếu bạn chôn trong vườn) hay bản đồ “kho báu” (nếu bạn giấu trong nhà). Hãy để bé tự tìm kiếm kho báu của mình và đừng quên khen ngợi mỗi khi bé tìm được một đồng tiền hay một báu vật. Sau khi bé đã tập hợp đủ kho báu, bạn có thể cùng con sắp xếp lại chúng và cất ở nơi bé muốn.

Bạn nên lưu ý những đồng tiền thường rất nhỏ và rất có thể bé sẽ cho vào miệng khi bạn không để ý.

Trò chơi trả tiền

Bé sẽ đóng vai người bị yêu cầu, còn bạn đóng vai người yêu cầu. Bạn hãy chuẩn bị một số tờ tiền (giả) và để bé vẽ lên các con số quy định giá trị của tờ tiền (chẳng hạn như 1000 đồng, 2000 đồng…).

Đặt chiếc rổ nhỏ hay chiếc túi trước mặt bé. Mỗi lần bạn bỏ vào đấy 1 tờ tiền, bạn có thể yêu cầu bé làm một việc và số lần làm việc này tương đương với con số ghi trên tờ tiền. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu bé thơm mẹ 3 cái, chạy quanh nhà 5 vòng…

Lặp lại trò chơi và đổi vị trí cho bé để tạo cho bé thêm hứng thú.

Trò chơi người thắng cuộc

Bạn chuẩn bị 1 đồng xu 200, 1 đồng xu 500, 1 đồng xu 1000, 1 đồng xu 2000 và 1 đồng xu 5000. Bạn hãy đề nghị bé tìm cho bạn đồng xu nhỏ nhất, đồng xu lớn nhất và giúp bé phân biệt chúng.

Bạn cũng có thể dùng tiền giấy để chơi cùng bé và giúp con phân biệt tờ tiền nào nhỏ nhất, tờ tiền nào lớn nhất và tờ tiền nào có màu đậm nhất.

Trò chơi này không chỉ giúp bé phát triển nhận thức về kích thước, số lượng, màu sắc mà còn giúp bé hiểu rõ giá trị của những tờ tiền.

Chú ý: Hạn chế sự nguy hiểm của đồng xu. Nên thu dọn các vật nhỏ (đồng xu) cho bé sau khi chơi và không để bé chơi một mình hoặc với bạn cùng lứa.

Dành cho các bé 3 – 6 tuổi

Trò chơi xếp tiền

Bạn chuẩn bị một số đồng xu có mệnh giá 200, 500, 1000, 2000 và 5000 đồng rồi để tất cả vào một chiếc hộp bên phải. Bạn cũng để vào chiếc hộp bên trái những tờ tiền giấy có mệnh giá tương đương.

Sau đó, yêu cầu bé xếp các đồng xu và các tờ tiền giấy thành những cặp có giá trị tương đương. Bạn có thể hướng dẫn bé cách phân loại dựa vào con số ghi trên mỗi đồng xu và mỗi tờ tiền.

Trò chơi tiền thật – tiền giả

Bạn photo một số tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ (nếu có thể thì photo màu là tốt nhất), sau đó cắt chúng ra các kích cỡ bằng tiền thật. Trộn lẫn những tờ tiền giả này với những tờ tiền thật và yêu cầu bé tìm những tờ tiền thật. Bạn có thể thưởng cho con những tờ tiền thật tìm được và gợi ý bé tiết kiệm hoặc cất vào một góc riêng của mình.

Trò chơi này giúp bé phân biệt được những tờ tiền thật và có ý thức tíết kiệm tiền.

Dành cho các bé học tiểu học

Trò chơi tìm sự khác biệt

Bạn sưu tập những tờ tiền giấy có mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng rồi cho bé so sánh với các tờ tiền polymer có mệnh giá tương đương và giúp bé tìm ra những sự khác biệt về màu sắc, họa tiết, chất liệu… Bạn có thể giải thích cho bé hiểu tại sao những tờ tiền mới lại khó có thể làm giả (chất liệu, màu sắc, những hoa văn chìm…).

Trò chơi đi chợ

Cắt từ các tạp chí những tranh ảnh về các loại thực phẩm như rau quả, thịt, cá, trứng… đồng thời bạn hãy làm những bảng giá tiền giống như ở siêu thị cho mỗi loại thực phẩm đó (ví dụ như rau muống giá 2000 đồng, trứng giá 3000 đồng…). Sau đó, đề nghị bé “đi chợ” và chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình với tổng giá tiền là 10.000 đồng. (Bạn có thể tăng dần mức giá tiền của bữa ăn để tạo cho bé sự đổi mới).

Trò chơi những cái lọ đựng tiền

Bạn chuẩn bị khoảng 2 – 3 chiếc lọ thủy tinh (không cần phải quá to) và nhét vào trong những đồng tiền xu hoặc tiền giấy. Hỏi bé xem trong mỗi lọ có bao nhiêu tiền. Sau đó bạn có thể để bé lấy tiền ra và đếm lại xem mình đoán có đúng không.

Trò chơi đo khoảng cách

Trước khi bắt đầu trò chơi, bạn có thể chuẩn bị cho bé một xấp tiền bằng giấy (tự làm) và để bé điền mệnh giá lên mỗi tờ.

Sau đó, bạn hãy bảo bé xếp từng tờ tiền tiếp nối nhau từ giường ra đến cửa ra vào, hoặc từ ghế salon đến TV… Sau khi bé đã xếp xong, bạn hãy yêu cầu bé đếm xem khoảng cách đó trị giá bao nhiêu tiền.

Theo Vnexpress