“Đường dài mới biết ngựa hay”: 7 chiến lược biến căng thẳng thành cơ hội thành công bạn nên biết

Người thành công luôn biết cách biến những căng thẳng trở thành “nhân viên ưu tú” làm việc cho họ.

Căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nó khiến con người cảm thấy choáng ngợp và sa lầy trong những suy nghĩ tiêu cực. Có thể, chúng ta cảm thấy bất lực khi bị những tình huống căng thẳng “nhấn chìm” nhưng nếu được sử dụng một cách hiệu quả, nó có thể thúc đẩy chúng ta làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.

Trên thực tế, ranh giới giữa căng thẳng có lợi và căng thẳng bất lợi (mãn tính) cực kỳ “mỏng manh”. Nếu như một chút căng thẳng vừa phải giúp chúng ta duy trì động lực thì căng thẳng mãn tính có thể khiến chúng ta khó chịu, chán nản, mất tập trung và lo lắng. Đó chính là lý do tại sao bạn cần 7 chiến lược giúp biến những căng thẳng trở thành cơ hội thành công dưới đây.

1. Căng thẳng giúp bạn thực sự sống thay vì chỉ tồn tại

Sự căng thẳng được cho là điều không tốt, nhưng không phải tất cả căng thẳng đều xấu. Có một loại căng thẳng có lợi mà các nhà tâm lý học gọi là “Eustress”. Đây là loại căng thẳng con người cảm thấy khi họ quá hào hứng và vui mừng về một điều gì đó. Sự căng thẳng này mang đến cho chúng ta cảm xúc mãnh liệt và sự phấn khích, khiến chúng ta cảm thấy được truyền cảm hứng và đam mê.

Một loại căng thẳng có lợi khác là “căng thẳng cấp tính”. Nó là phản ứng của cơ thể khi ngạc nhiên hoặc giật mình để đảm bảo bạn có thể phản xạ và đối phó với các tình huống bất ngờ. Căng thẳng này không có tác động tiêu cực lâu dài nếu chúng được loại bỏ một cách nhanh chóng.

2. Xây dựng khả năng tự hồi phục sau mỗi “trận chiến” với căng thẳng

Hãy nắm bắt căng thẳng như một “vị thuốc” giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi. Bởi nếu không có một chút căng thẳng, con người sẽ làm việc kém hiệu quả hơn và động lực thúc đẩy để hoàn thành công việc cũng ít hơn. Đối phó với căng thẳng một cách hiệu quả sẽ giúp bạn bạn học được cách đối mặt với nghịch cảnh, cách giải quyết các vấn đề và vượt qua nó.

Không có ai thành công mà không trải qua vô số tình huống căng thẳng. Khi học được các chiến lược để làm việc hiệu quả trong các tình huống căng thẳng, chúng ta cũng tự tin và hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân.

3. Căng thẳng và đơn độc – dấu chấm hết cho tương lai của bạn

Trong khi một số căng thẳng được cho là tích cực thì có nhiều dạng căng thẳng khác có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Căng thẳng xảy ra và liên tục trong một thời gian dài có thể gây ra mất ngủ, huyết áp cao và làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu. Loại căng thẳng này có liên quan đến bệnh tim, trầm cảm và béo phì. Hãy cho phép bản thân tìm đến sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân. Điều này sẽ giúp bạn có thể đối mặt trực tiếp với các vấn đề và loại bỏ những căng thẳng.

4. “Phòng bệnh” bằng cách nhận ra giới hạn của bản thân  

Nguyên tắc vàng để đối phó với căng thẳng là biết khi nào nên nói không. Bạn nhất định phải học được cách không nhận lời nhiều hơn khả năng xử lý thực tế của bản thân. Khi chúng ta tiếp nhận quá nhiều, chúng ta sẽ tự mở ra cho mình những vấn đề lớn hơn và căng thẳng kinh niên.

Đừng tự giết mình bằng cách cố gắng để làm cho mọi người vui vẻ và siết chặt mọi thứ. Hãy tìm hiểu những hạn chế, đặt ra các giới hạn và cho bản thân không gian để làm việc hết khả năng của mình.

5. Xác định những gì bạn có thể kiểm soát

Có một sự thật phũ phàng, đó là: Bạn không kiểm soát được phần lớn những gì xảy ra với bạn. Trên thực tế, tất cả những gì bạn có quyền kiểm soát trực tiếp là chính bạn và hành động của bạn. Thái độ và suy nghĩ của bạn là cách bạn tác động tốt hơn hay tồi tệ hơn đến các tình huống xảy đến.

Để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, hãy chấp nhận khi mọi thứ không diễn ra theo đúng ý mình và hiểu rằng bạn đã cố gắng hết sức.

6. Hiểu rõ việc nhại lại và giải quyết là hoàn toàn khác nhau

Liên tục “phát lại” những vấn đề tiêu cực đã xảy ra chỉ khiến bạn thêm căng thẳng và mệt mỏi. Giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm mới là điều cần thiết để thành công.Khi bạn thấy mình bị mắc kẹt vào một cái gì đó, hãy chắc chắn rằng bạn đang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp.

Nếu bạn đang làm việc hiệu quả, bằng mọi cách hãy tiếp tục. Nếu không, đó chính là thời điểm bạn cần “chuyển kênh”. Hãy thay đổi hoạt động của bạn và tập trung vào một thứ khác. Đó chính là cách giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

7. Tìm kiếm cơ hội trong sự căng thẳng

Căng thẳng thường đến từ những điều không thể đoán trước được và nó chính là dấu hiệu của sự thay đổi. Khi bạn thấy mình căng thẳng, có nghĩa là bạn đang đương đầu với những thử thách và tình huống mới – những điều có thể đưa bạn đến một hướng đi mới. Những tình huống căng thẳng buộc chúng ta phải điều chỉnh, đổi mới và sáng tạo.

Do đó, hãy tìm cách khai thác và sử dụng căng thẳng như một chất xúc tác cho sự thay đổi cần thiết. Hãy xem sự căng thẳng là một cánh cửa cho các giải pháp và cơ hội mới.

Theo Khánh Ly