“Ngay bây giờ” hoặc “Không bao giờ”!

Khi còn nhỏ, tôi và anh Randy chơi bóng bầu dục suốt ngày. Thật ra thì cũng không hẳn là chúng tôi có một quả bóng da, chúng tôi chơi bằng một con mèo Garfield nhồi bông tròn như quả bóng được ai đó cho. Ngoài việc quả bóng mèo này có đôi mắt bằng nhựa cứng có thể cào rách tay bạn khi bị ai đó ném quá mạnh thì đấy là một quả bóng hoàn hảo.

Chúng tôi từng sống ở đằng sau một ngôi nhà có những người đáng sợ khủng khiếp. Không biết hồi nhỏ bạn có chơi trò này không, nhưng lúc đó chúng tôi thường bịa ra với nhau là mấy vị hàng xóm này là một bọn sát nhân bằng rìu. Họ lúc nào cũng mặc quần áo tối màu, chỉ ra ngoài ban đêm và tôi chắc như đinh đóng cột là lúc nào họ cũng nhòm qua khe cửa sổ.

Chúng tôi hay đố nhau: “Em thách anh gõ cửa hoặc bấm chuông nhà đấy”. Tất nhiên là chẳng đứa nào dám làm vì cả hai đều sợ.
Cho đến một hôm chúng tôi đang chơi bóng, Randy ném bóng cho tôi, đôi mắt to thô lố của con mèo Garfield trượt khỏi lòng bàn tay tôi và bay vèo qua hàng rào nhà bên.

Cho dù chỉ là trẻ con, nhưng khi Garfield bị rớt sang nhà bên ấy, cuộc bàn bạc của chúng tôi đã chuyển từ “Ta có nên sang đó không?” thành “Làm thế nào để sang đó bây giờ?”. Khoảnh khắc đó là một ví dụ tiêu biểu của điểm then chốt. Đấy là khi bạn “ném bóng qua hàng rào” và không có cách nào khác ngoài tìm ra một giải pháp.

Bạn cần ném loại bóng nào qua hàng rào? Làm sao để tăng quyết tâm với một điều bạn biết cần giải quyết xong cho dù không chắc mình có làm được không, hay phải làm như thế nào? Làm sao để tạo ra hậu quả không thể chấp nhận được để ép mình phải hành động?

Khi Bob đứng trước bồn tiểu và cố nghĩ xem nên làm gì, anh đã tạo ra một hậu quả không chấp nhận được. Mất 5 đôla không đủ đau lòng để khiến Bob thò tay vào bồn tiểu công cộng. Nhưng mất 50 đôla thì có!

Khi tờ 5 đôla nằm dưới bồn tiểu, Bob ở điểm then chốt. Anh mắc kẹt giữa những lựa chọn hóc búa. Gọi là hóc búa bởi vì không có quyết định nào rõ ràng là đúng. Mất 5 đôla thì khó chịu thật, nhưng cho tay vào toilet cũng thế. Khi phải lựa chọn giữa hai điều, câu hỏi bên trong Bob là “Mình có nên không?”, “Mình có nên lấy lại tiền không?”, “Mình có nên thò tay xuống không?”
nghĩa là “Có đáng để làm thế không?” hoặc “Mình có làm được không?”

Tuy nhiên, khi Bob lấy tờ 50 đôla ra và ném xuống bồn tiểu, anh tạo ra một hệ quả không thể chấp nhận được và quyết định bỗng trở nên vô cùng rõ ràng. Đột nhiên câu hỏi đổi từ “Có nên lấy lại tiền không?” sang “Làm thế nào lấy lại tiền?”. Sự thay đổi trong tư duy làm nên khác biệt.

Đổi từ “Có nên không?” sang “Làm thế nào?” là cách tư duy tạo nên mọi sự khác biệt.

 Có lẽ bạn đã từng trải nghiệm nguyên tắc này trong cuộc sống rồi. Bạn đã bao giờ thuê huấn luyện viên riêng chưa? Tại sao người ta lại thuê huấn luyện viên riêng? Bởi vì nếu bạn không thích đến phòng tập thể dục, bạn sẽ không đi, bởi vì đi hay không cũng chẳng quan trọng gì. Nhưng một khi bạn đã mất 150 đôla cho một buổi tập dù bạn có đến hay không, thì chắc chắn bạn sẽ có mặt!

Đấy cũng là lý do vì sao người ta thuê những người tư vấn riêng như chúng tôi. Tất nhiên chúng tôi được trả tiền vì kỹ năng và kiến thức của mình, nhưng còn vì việc đó gia tăng hệ quả không thể chấp nhận được của việc không thực hiện những thay đổi mà người ta muốn trong đời.

Bạn có thể sẽ nói: “Nhưng Rory ạ, còn những dụng cụ tập đắt tiền tôi đã mua thì sao? Tôi cũng bỏ hàng đống tiền ra và bây giờ thậm chí chẳng sờ đến.” Bạn nói đúng. Sau một thời gian, hệ quả trở nên dễ chấp nhận hơn. Chỉ đơn giản là vì càng về sau thì cảm giác xót xa càng giảm bớt.

Điều này dẫn đến một đặc điểm quan trọng khác của hệ quả không thể chấp nhận được: Nó phải tiếp diễn. Lý do thuê một huấn luyện viên riêng hiệu quả hơn mua dụng cụ tập mới là vì trên lý thuyết, việc trả cho người này không bao giờ kết thúc, trong khi trả tiền cho dụng cụ tập thì có. Hệ quả luôn tiếp diễn thì “cắn đau hơn”.

Tương tự như thế, cứ mỗi giây trôi qua, nỗi day dứt do hậu quả để lại cho chúng ta sẽ giảm dần. Nếu Bob bỏ qua tờ 5 đôla tơi xuống bồn tiểu, mỗi giây qua đi khả năng anh quay lại để nhặt nó sẽ giảm dần. Anh sẽ bớt nghĩ đến nó, tầm quan trọng cũng giảm đi, cuối cùng nó sẽ trôi hẳn vào quên lãng. Đó cũng là những điều diễn ra trong mối quan hệ của ta với những mục đích, và những người ta yêu quý; khi không có quyết tâm gắn bó, họ vuột khỏi tay ta lúc nào không biết.

 Rất không may, không chỉ là khi Bob bỏ đi, khả năng tìm ra cách giải quyết mới giảm dần, mà ngay cả với mỗi giây anh để dành để nghĩ về nó, quyết tâm của anh cũng nhỏ lại. Bởi vì khi nghĩ ngợi, anh dùng cách tư duy “có nên không?”, và nếu vẫn trăn trở với câu hỏi đó thì có nghĩa là anh đang giữ thái độ “Mình vẫn chưa chắc lắm”. Do đó cứ mỗi giây trôi qua, anh lại trượt xa dần khỏi điểm then chốt.

Nếu bạn đang ở một thời khắc quyết định của một cuộc đời và thực sự muốn thay đổi, bạn phải hành động ngay bây giờ. Bạn phải tăng khoản cược lên, tăng giá phải trả lên, tăng thời gian và số tiền đầu tư vào bất cứ điều gì có ý nghĩa với bạn. Bởi vì nếu bạn không thay đổi từ “Mình chưa chắc lắm” sang “Mình sẽ theo đuổi đến cùng” thì bạn đang tự buông mình rơi trở lại lối mòn bạn đã quanh quẩn từ trước đến nay.

Bạn nên biết sự do dự thường gây nhiều tổn hại hơn một quyết định sai. Một người bạn tôi tên là Pete Wilson, mục sư tại nhà thờ Cross Point ở Nashville, hay nói là: “bỏ lỡ cơ hội thường tốn kém hơn việc làm rối tung lên.”

 Rory Vaden – trích trong Thành công không chớp nhoáng