Làm sao thoát khỏi cạm bẫy “Con ngoan trò giỏi”

Từ khi còn nhỏ, ba mẹ đã luôn thủ thỉ vào tai bạn và nói rằng “Làm gì thì làm, nhưng luôn phải nghe lời ba mẹ nghe chưa?”

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, con cái luôn phải giữ sự hiếu kính, vâng lời ông bà, cha mẹ. Ca dao có câu “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”. Điều này xuất phát từ sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cha mẹ không ai muốn con cái gặp nhiều va vấp trong cuộc sống nên muốn con nghe lời theo những trải nghiệm, bài học xương máu mà chính mình đã trải qua. Tuy nhiên, những kinh nghiệm từ thời trước của ba mẹ không phải lúc nào cũng luôn đúng để chia sẻ và áp dụng vào với các con. Nhưng lạ thay, ba mẹ vẫn luôn luôn coi điều mình nghĩ là bất biến.

Trẻ em luôn luôn là những cá thể  rất hiếu động, chúng luôn khao khát tìm tòi và khám phá thế giới bằng cặp mắt của một người “Không biết gì”. Chúng hào hứng hỏi mọi câu hỏi về vạn vật xung quanh khi thu được vào tầm mắt, chúng tò mò muốn biết xem cơ chế hoạt động của những đồ vật ngoài kia vận hành như thế nào? Chính nhờ tinh thần đam mê khám phá đấy, chúng luôn tự mình tìm tòi mọi thứ mà đôi khi chẳng hề biết “sợ” là gì. Càng lớn lên, sự tò mò và khát khao để thỏa mãn những điều chưa biết về thế giới rộng lớn ấy của chúng lại càng được tăng lên. Những câu hỏi như: Tại sao bầu trời lại màu xanh? Tại sao người ta chỉ nghe thấy tiếng ve kêu khi hè về mà không phải là mùa khác? Hạt lúa kia được làm từ chất liệu gì mà người ta lại gọi chúng bằng cái tên “hạt ngọc trời?”.

 

Nhưng dù cho con cái có muốn làm trời biển gì đi chăng nữa, thì chúng đều phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của ba mẹ. Nếu những điều mà chúng khám phá dẫu cho là chính đáng, nhưng nếu ba mẹ chúng cảm thấy điều đó là không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con thì bằng một cách nào đó, ý tưởng ấy của con sẽ bị ba mẹ phủ định ngay khi còn ở trong trứng nước. Cứ thế, cứ thế, ba mẹ dần gieo vào trong tâm trí của con mình bằng một lối suy nghĩ “ Chỉ những gì ba mẹ đồng ý cho làm mới là đúng, còn lại tất cả đều là sai”.

Câu nói đó cứ văng vẳng bên tai tôi cho đến khi mình trưởng thành, tôi luôn nghĩ ba mẹ chỉ muốn mọi việc tốt cho mình nên chẳng có gì là sai? Nhưng dần dần tôi mới hiểu, đôi khi nghe lời quá mới là sai.

Tôi là một đứa trẻ ngoan, từ thầy cô cho đến các bác hàng xóm đều nhận định như thế. Bởi lẽ tôi không bao giờ cãi lời cha mẹ, hay nói thẳng ra là không thể cãi lại vì những gì ba mẹ tôi sắp đặt từ bé cho đến lớn tôi đều phải nghe theo. Từ những việc đơn giản như: Chọn bộ quần áo màu gì? Thực phẩm nào nên ăn? Một tuần được phép đi chơi bao nhiêu tiếng? Cho đến việc chọn trường, chọn môn học, chọn bạn chơi… Tất cả mọi thứ đều được ba mẹ tôi cài đặt hết, có đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị tủi thân vì không thể được tự do làm những gì mình thích mà các bạn trang lứa được làm. Nhưng rồi tôi lại tự nói với bản thân mình rằng “Chỉ là ba mẹ muốn tốt hơn cho mình mà thôi”.

Cho đến khi đứng trước ngưỡng cửa của cánh cổng đại học, tôi mới dần hiểu ra đôi khi nghe lời ba mẹ quá cũng là một cái sai. Nguyện vọng của tôi là được trở thành một kiến trúc sư chuyên nghiệp, trong khi mong muốn của gia đình lại muốn tôi trở thành một bác sĩ. Từ bé cho đến lớn tôi chưa bao giờ đi trái lại lời ba mẹ, nhưng lần này thực sự là rất khó khăn để chấp nhận để đi theo cái nghề mà bản thân dự định sẽ gắn bó cả đời trong khi mình không hề mong muốn. Đến giờ thì tôi mới hiểu, ngoan ngoãn không là cứ nhất nhất phải làm theo mọi sự sắp đặt của gia đình, ngoan ngoãn không phải là ba mẹ bảo gì phải làm lấy, ngoan ngoãn cũng không phải là sợ vì đánh đòn mà không dám bày tỏ nên ý kiến của cá nhân… Mà ngoan ngoãn là biết chọn lọc một cách thông minh những gì ba mẹ nói, biết được đâu là những gì đúng để mình nghe theo, đâu là những cái chưa được để bản thân mình tự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại.

 

Suy cho cùng mọi sự bao bọc, bảo ban từ phía ba mẹ cũng đều xuất phát từ cái gốc của sự yêu thương mà ba mẹ dành cho con cái. Nhưng chúng ta phải rạch ròi ngay từ đầu, chúng ta không thể vì cái gốc ấy mà sẵn sàng chấp nhận làm mọi thứ để làm ba mẹ hài lòng được, điều đó hoàn toàn là không thể.

Chính vì quá nghe lời ba mẹ, dù đã ở tuổi 30 nhiều khi tôi cũng không thể thoải mái tự do làm những gì mà bản thân mình muốn. Muốn đi nhậu lâu hơn một chút với bè bạn, tôi cũng bị “càm ràm” là suốt ngày say sỉn, muốn đưa cả gia đình đi du lịch nước ngoài, ba mẹ tôi lại mắng “tốn tiền chẳng giải quyết được gì”. Có đôi khi đã quá mệt mỏi với công việc, lâu lâu mới có chút thời gian rảnh cho bản thân thì lại bị mắng “ Đủ lông, đủ cánh rồi nên bây giờ không thèm về chơi với ba mẹ”. Đã không ít lần tôi muốn mặc kệ để được tự tại cho chính cuộc sống của mình, nhưng vì “bức tường thành” mà ba mẹ tôi xây cất chắc chắn từ bấy lâu nay nên mọi chuyện đâu lại về đấy.

Ngoài xã hội, sẽ không khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp tuổi 30 (dù đã trưởng thành và thành đạt) nhưng vẫn không thể tránh được việc hàng ngày phải chiều theo những gì mà ba mẹ muốn. Nhưng thay vì cố để “chiều lòng” ba mẹ, bạn hãy ngồi lại và tâm sự nhiều hơn về định hướng, về mục tiêu và cả về những dự định trong tương lai xa mà bạn muốn làm nữa. Như thế ít nhiều ba mẹ sẽ hiểu được những gì bạn sẽ làm và sẽ có những lời khuyên. Điều đó sẽ có ích hơn rất nhiều thay vì bạn cứ “im lặng” và tuân theo mọi yêu cầu từ phía ba mẹ một cách vô điều kiện ấy, mà thực chất trong tâm lại có suy nghĩ chống đối.

Bài viết thể hiện quan điểm của Mr Why – Phạm Ngọc Anh

(Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích lại bài viết)

Về Mr Why Phạm Ngọc Anh — là một trong những doanh nhân – huấn luyện viên hàng đầu tại Việt Nam với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đào tạo các vấn đề liên quan tới Phát triển cá nhân, Bán hàng, Kinh doanh, Lãnh đạo, Xây dựng doanh nghiệp... Bạn có thể kết nối với anh ấy trên Google+, Twitter, FacebookYoutube.