Kinh nghiệm giải quyết những mâu thuẫn tiền bạc trong gia đình

Ngay cả những cặp vợ chồng sống với nhau nhiều năm thì những xung đột về tài chính gia đình cũng khó tránh khỏi. Có những chuyện đơn giản như chồng hay vợ giữ tiền đôi khi cũng gây nên những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình. Làm cách nào để giải quyết khi phát sinh những bất đồng. Bạn hãy cố gắng làm theo những hướng dẫn dưới đây.

1. Nói chuyện thẳng thắn, cầu thị

Nhiều cặp vợ chồng thường giữ  sự khó chịu trong lòng, không chịu nói với người kia cho đến khi sự bực tức bùng cháy thành phẫn nộ. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong giải quyết mọi xung đột là hãy bộc lộ thẳng thắn cho đối tác biết để tránh xảy ra tranh cãi gay gắt. Đồng thời, bạn cần giữ thái độ đúng mực trong suốt cuộc nói chuyện. Đừng quy chụp hay đổ lỗi cho nhau, điều này làm sự việc căng thẳng hơn.

2. Xem lại thói quen chi tiêu của bản thân

Không phải tự nhiên mà lại xảy ra bất đồng. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó và hai vợ chồng nên chọn thời điểm phù hợp để ngồi lại với nhau, cùng kiểm tra các hạng mục chi tiêu trong tháng. Hãy ghi thật chi tiết số tiền hai vợ chồng phải dùng như tiền điện nước, thực phẩm cũng như giải trí, ăn uống bên ngoài… Đồng thời, liệt kê ra từng cột những khoản vợ và chồng chi tiêu riêng. Cách này giúp bạn kiểm soát được việc chi tiêu của gia đình và của chính mình.

3. Cân đối lại các hạng mục chi tiêu

Hãy cắt giảm chi tiêu hợp lý bằng cách hạn chế những hoạt động không cấp thiết. Ví dụ như giai đoạn này, gia đình còn khó khăn về kinh tế thì bạn giảm bớt các hoạt động vui chơi, gặp gỡ bạn bè. mua sắm… Đồng thời, vẫn phải đảm bảo mức sống ổn định cho gia đình. Đừng vì tiết kiệm mà co hẹp khoản dành cho thực phẩm. Nó sẽ ảnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

4. Đề ra giới hạn mua sắm

Định mức này phải được bàn bạc cụ thể và thống nhất giữa hai vợ chồng. Bạn không nên giấu giếm mua cái này, sắm cái nọ để rồi thâm hụt đến ngân sách gia đình cũng như khả năng tài chính của bản thân. Việc chi tiêu càng cố gắng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng tránh được hiểu lầm bấy nhiêu.

5. Lập tài khoản riêng

Bên cạnh việc quy định khoản đóng góp chung nhằm tăng trách nhiệm của mỗi người, bạn cũng nên có một số tiền tiết kiệm riêng. Bởi dù là vợ chồng nhưng vẫn phải có sự riêng tư và quyền chi tiêu tùy ý. Khi bạn không bị áp lực về kinh tế đè nặng thì suy nghĩ cũng sẽ thoải mái hơn, cuộc sống gia đình hạn chế được xung đột.

Theo Ngôi sao