Khôn ngu của dân là thường, của vua mới là vấn đề, người có tầm ảnh hưởng nhất định phải luôn giữ cho “tuệ sáng tâm tịnh”

Thưa các Bạn, không biết xưa kia ở đâu đó có chuyện tương tự như câu chuyện nhỏ tôi sáng tác này không? Điều quan trọng không ở chỗ việc có hay không mà chúng ta cùng suy ngẫm về Thế Sự…

 nguoi-khon-1

Có Ông Vua rất phù phiếm, một ngày kia nổi hứng triệu Tể Tướng đến đòi phải đi tìm bằng được ba người Đại Khôn đến.

Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh Thành tìm được một người đàn ông đói rách ở nơi Kẻ Chợ, luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ, mang về gặp Vua.

Nhà Vua rất ngạc nhiên hỏi: Tại sao hắn ta lại có thể coi là người Đại Khôn được cơ chứ?

Tể tướng bẩm: Bệ Hạ có thể hỏi anh ta mọi điều mà Người chưa được biết, anh ta có thể nói rành mạch đâu ra đấy ạ.

Quả nhiên như vậy, Vua đồng ý mà hỏi tiếp: Thế người Đại Khôn thứ hai là ai?

Tể Tướng khiêm nhường: Thưa, đó chính là Thần đây ạ!

– Ô, sao lại không phải là người khác nhỉ?

Tể tướng đáp: Nếu Thần không phải là người Đại Khôn thì sao có thể biết mà tìm được hắn ta là Đại Khôn mà đưa về đây yết kiến ạ!?

– Ừ nhà Ngươi nói đúng lắm. Thế còn người thứ ba?

Tể Tướng lễ phép: Muôn tâu… đó chính là Bệ Hạ ạ!

Nhà Vua quá ngạc nhiên ngả hẳn người ra sau Ngai vàng – Thật kinh ngạc là Đức Vua lại rất ngạc nhiên về điều ấy – nên hỏi: tại sao Ngươi lại nghĩ thế?

Tể Tướng đáp: Bệ Hạ phải là Đại Khôn mới có thể biết Thần là xứng đáng mà bổ nhiệm trọng trách Tể Tướng! Ồ…

Nhà Vua cảm thán: Ngươi đã hoàn thành việc Ta yêu cầu!

Một thời gian sau, Vua lại thấy buồn buồn mà đòi Tể Tướng phải đi tìm về cho mình ba kẻ Đại Ngu. Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh thành tìm người đàn ông đói rách nơi Kẻ Chợ, luôn coi mình là Kẻ Sĩ kia mang về. Vua quá ngạc nhiên nhỏm người lên Ngai vàng hỏi: Cớ sao lại coi hắn ta là Đại Ngu nhỉ?

-Thưa Bê Hạ, hắn luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ mà chịu phận đói rách nơi đầu đường xó chợ mà mong chút cơm thừa canh cặn thì có đúng là Đại Ngu không đây?

Vua cười nói: Đúng, thật thảm hại, hắn ta đúng là Ngu Tâm. Thế còn kẻ thứ hai?

Tể Tướng cui đầu đáp: Dạ thưa chính là Ngu Thần đây ạ! Ngươi nói gì? Một người như Ngươi sao tự nhận mình kém cỏi đến thế?

– Tâu Bệ Hạ, Ngu Thần nhận trọng trách lo việc Dân Sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài Kẻ Chợ cốt tìm về đây được một kẻ Đại Ngu, rồi để những Kẻ Sĩ phải đói rách thì chính Thần là Ngu Tài rồi!

Vua buồn buồn ngả người sâu và Ngai vàng, một lúc sau nói: Đúng, một Tể Tướng như thế thì thật ăn hại. Rồi nhướn mắt về Tể Tướng trầm giọng hỏi: Kẻ thứ ba, ý của Ngươi là …? … Đúng không nhỉ?

Vâng – Tể Tướng quì xuống, dướn cổ lên về phía Vua nói: Bệ Hạ đáng ra phải lao Tâm lo việc Quốc Kế thì lại bắt Tể Tướng đi tìm kẻ Đại Ngu trong Thiên Hạ, thì đó có thể coi là Đại Ngu – là Ngu Trí được không a? Muôn tâu, kẻ Ngu Tâm có thể chữa, Ngu Tài như Thần đây có thể thay, nhưng Bệ Hạ không thể Ngu Trí, bởi như thế thì báo hại Xã tắc mất thôi!

Kết của câu chuyện này là gì tùy các Bạn sau khi đọc nó. Với tôi, Ngu hay Khôn của một kẻ, một người không là vấn đề lắm. Điều quan trọng là Nhận thức của mọi người như thế nào các Bạn ạ, để đi đến hành động chung mà mọi người mong ước…

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Tất Thịnh – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia