Học phí ư? Chuyện nhỏ!

Ngày tôi còn là một đứa trẻ mới cắp sách tới trường, tôi chỉ mong cho thời gian qua nhanh để bước vào năm học mới. Vì đó là thời gian hạnh phúc nhất đối với những đứa trẻ như tôi. Vì sao hạnh phúc ư? Vì có bộ quần áo mới, đối dép mới, có chiếc cặp mới để đựng những cuốn vở mới.

Tất cả đều mới toanh như những tấm phù hiệu chúng tôi nhận được mỗi độ khai trường. Ngày ấy niềm vui của tôi dễ dàng đến như bất kỳ đứa trẻ nào khi có đồ mới còn những thứ khác thì bỏ ngoài tai và cũng chẳng đủ khả năng để biết.

Giờ đây, khi đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình, tôi mới biết để mang lại nụ cười hạnh phúc cho những học sinh như tôi ngày xưa, các bậc phụ huynh đã phải có cả một kế hoạch dài và có phần chu đáo nếu không muốn lâm vào cảnh thiếu canh thiếu gạo hàng ngày.

Dù cho con bạn đang theo học lớp nào: mầm non hay tiểu học, trung học hay đại học hoặc cao hơn nữa thì học phí vẫn là áp lực vô hình trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ. Và áp lực ấy lớn dần theo số lớp mà con chúng ta theo học. Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các ông bố, bà mẹ thường dùng tiền để dành của gia đình hoặc trích từ thu thập hàng tháng để đóng học phí cho con. Một số ít người nhận làm thêm ngoài giờ hoặc có một khoản thu từ đầu tư đặc biệt để dành riêng cho việc đóng học phí.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu về dài, liệu nó có đảm bảo cho con bạn học hành một cách thuận lợi đến hết đại học? Hoặc đối với những phụ huynh có kế hoạch lớn hơn cho con (đi du học, học trường quốc tế, các chương trình liên kết..) thì phương án này xem ra quá khó để hiện thực hóa mong ước của con bạn.

Cứ tính bình thường, một đứa trẻ bình thường được ăn học đầy đủ cũng mất 13 năm kể từ lúc gửi vào nhà trẻ đến lúc vào đại học, thêm chi phí 4 năm đại học và các chi phí phụ khác như học kèm, học thêm là một con số rất lớn cho chặng đường chuẩn bị hành trang vào đời.

Như vậy ít nhất bạn phải chuẩn bị chi phí cho 17 năm học liên tiếp. Nếu là trường công lập, con số này sẽ thấp hơn so với các mặt bằng trường dân lập, tư thục hoặc quốc tế. Thống kê sơ như thế cũng đủ chứng minh chúng ta cần chuẩn bị một kế hoạch tài chính cho con vào mỗi đầu năm học. Và kế hoạch càng sớm thì nỗi lo học phí cũng theo đó mà giảm đi.

Một số trường cũng có chế độ ưu đãi cho trường hợp đóng học phí một lần. Với mức học phí hiện tại, trường công lập là khoảng gần 2 triệu/năm , dân lập khoảng 7 triệu/ năm và quốc tế khoảng 50 triệu/năm và du học khoảng 100 triệu/ năm.
Theo đó, ít nhất bạn phải dành mỗi tháng một khoản tiền tối thiểu 500 -1 triệu và con số này sẽ lớn hơn tùy vào từng trường học và thời gian bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch chuẩn bị tài chính. Nếu học phí nằm trong khả năng thu nhập của gia đình thì bạn không phải quá lo lắng nhưng nếu con số ấy có khả năng khiến kinh tế gia đình lung lay thì việc kế hoạch càng sớm sẽ là rất cần thiết.

Mỗi người có những kế hoạch chuẩn bị tài chính khác nhau, có người dành một con số nhất định vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng để gửi ngân hàng, có người thu nhập không nhiều thì chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầy đủ để vay ngân hàng chính sách xã hội với chế độ ưu đãi.

Đối với tôi, thì việc kết hợp nhiều giải pháp sẽ giúp ta bớt lo âu hơn. Cũng như mọi người, việc trước tiên tôi sẽ lập một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Kế đên, tôi sẽ định hướng nghề nghiệp cho con, việc này giúp bạn dự liệu được số tiền học đại học sau này bên cạnh số tiền những năm học phổ thông.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích con cái tự lập và biết để dành tiền sẽ tạo thêm nguồn chi phí từ việc con làm thêm và giúp con nhận biết giá trị đồng tiền lao động.

Trong trường hợp dư giả hơn, tôi sẽ mua bảo hiểm học tập cho con. Cuối cùng tôi vẫn sẽ luôn dự phòng những trường hợp xấu để tìm phương án giải quyết. Như vậy giai đoạn đầu sẽ khó khăn một chút nhưng càng về sau, tôi sẽ giảm bớt được nhiều gánh nặng.

Học tập là cánh cửa dẫn tới thành công và một kế hoạch tài chính kỹ lưỡng sẽ giúp bạn không còn quá lo lắng về học phí trong khi con bạn sẽ tự tin hơn để theo đuổi giấc mơ học tập và trưởng thành.

HerVietNam