Triết lý dẫn Alibaba đến thành công

Tỷ phú giàu nhất châu Á Jack Ma chia nhân viên ra làm 3 nhóm: “Chó hoang”, “Chó săn” và “Thỏ trắng”. Cách dùng người trong ba nhóm này là bí quyết thành công của Alibaba.

Để hiểu cách chia và cách dùng người của Jack Ma và Alibaba, chúng ta phải hiểu về nguyên lý thành công của Alibaba mà Jack Ma đã đúc kết.

Chó săn quý hơn thỏ trắng và chó hoang

Theo tiêu chí của Alibaba, nhóm “Chó hoang” là những nhân viên có hiệu quả công việc tốt nhưng các giá trị sống, triết lý không giống các giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba sẽ nỗ lực để họ chia sẻ giá trị sống, triết lý của Alibaba, nhưng nếu mãi họ không thể thay đổi thì Alibaba sẽ buộc phải thanh loại.

Nhóm “Thỏ trắng” là những nhân viên làm việc kém hiệu quả nhưng những giá trị sống, triết lý giống với giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba chuyên tâm bồi dưỡng, giúp đỡ họ phát triển, nhưng nếu mãi vẫn không trưởng thành thì Alibaba cũng buộc phải chia tay.

Nhóm “Chó săn” là những nhân viên vừa có hiệu quả làm việc tốt vừa có giá trị sống, triết lý trùng với giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba vừa trọng dụng vừa bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ cốt cán, cán bộ kế cận.

Việc Alibaba không dùng nhóm Thỏ trắng thì dễ hiểu, nhưng tại sao Alibaba không dùng nhóm Chó hoang, dù họ có tài năng, có hiệu quả làm việc tốt. Để lý giải điều này, chúng ta cần tìm hiểu xem tài sản hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì?

Chúng ta thường nghe nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố: “tài sản quý nhất của chúng tôi là con người”. Ai cũng nói “tài sản quý nhất của chúng tôi là con người”, nói giống nhau quá. Vậy con người là con người nào? Con người thông minh, tài năng, chăm chỉ, không ngừng học hỏi… thế đã đủ chưa?

Jack Ma đã chỉ ra rằng: lãnh đạo và các thành viên sáng lập Alibaba không phải là những người thông minh nhất, không phải là những người tài năng nhất, họ chỉ là những người phù hợp nhất, bù đắp cho nhau, hiểu nhau, phối hợp với nhau tốt, đặc biệt là họ có chung mục tiêu, chung triết lý sống, triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo.

Chính vì chung các giá trị, chung mục tiêu, nên họ không mất thời gian vô bổ để tranh cãi những vấn đề cốt lõi, càng gặp khó khăn họ càng đoàn kết, trong bất cứ hoàn cảnh nào không có ai rời đội ngũ. Năm 1997, khi dời Hàng Châu lên Bắc Kinh, họ có 7 người; năm 1999, sau khi thất bại ở Bắc Kinh quay về Hàng Châu lập Alibaba, họ không những còn đủ 7 người mà còn kéo được thêm 10 người nữa thành 17, cộng thêm Thái Sùng Tín, họ trở thành 18 thành viên sáng lập Alibaba và đến ngày lên sàn chứng khoán, họ còn nguyên 18 người và cả 18 đều trở thành tỷ phú. Đấy là sự khác biệt lớn nhất giữa Alibaba và các công ty khác.

Như vậy, nói giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là con người thì chưa đủ, mà phải là con người có chung giá trị sống, chung triết lý kinh doanh, chung triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo.

Chỉ có những con người có chung giá trị cốt lõi, đứng chung trong một đội ngũ, mới đủ sức đưa doanh nghiệp phát triển 20, 30, 50, 100 năm và lâu hơn nữa.

Tác giả: Đỗ Cao Bảo