Giúp con hướng nghiệp

Cha mẹ nào cũng có những băn khoăn, lo lắng về nghề nghiệp trong tương lai của con cái. Có người còn “quy kết” thiên hướng nghề nghiệp của con trẻ bằng cách dựa vào một vài biểu hiện như: “Ngón tay con bé dài, chắc sau này nó sẽ là một nghệ sĩ piano”…

Tuy nhiên ngày nay chúng ta hiểu rằng, có rất nhiều nhân tố phức tạp quyết định tương lai của một đứa trẻ. Và tương lai thì lại không có gì chắc chắn. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể giúp trẻ định hình được nghề nghiệp của chúng khi trưởng thành ngay ở độ tuổi còn rất nhỏ.

Những đứa trẻ được tạo càng nhiều cơ hội khám phá các sở thích và đam mê khác nhau càng có khả năng được làm công việc chúng yêu thích. Khi chúng lớn, ta có thể giúp chúng xác định rõ hướng đi để ứng dụng được các năng lực đặc biệt của mình. Và đây là một vài ý tưởng cụ thể:

1. Hãy giúp con bạn mở rộng suy nghĩ về các kiểu công việc khác nhau ngay từ trước khi chúng bước vào trung học. Hãy giúp chúng gắn kết những đam mê, sở thích cá nhân với một dòng công việc cụ thể. Nếu con bạn thích nhạc, hãy chỉ cho chúng thấy, ngoài chuyện biểu diễn ra, còn rất nhiều việc khác cũng gắn với âm nhạc. Con bạn có thể trở thành kỹ thuật viên hay nhà sản xuất âm nhạc, nó cũng có thể làm việc ở đài phát thanh hoặc trở thành nhà soạn nhạc. Hãy tận dụng các nguồn thông tin ở thư viện hay Internet để giúp con bạn mở rộng thêm nhiều kiểu công việc khác có liên quan tới âm nhạc.

2. Hãy tạo điều kiện để con bạn được tiếp xúc với những công việc có thể chúng thấy thú vị. Hãy đưa con bạn tới gặp ai đó đang làm công việc này và khuyến khích chúng trao đổi cùng người đó. Bạn hãy đưa chúng đi tham quan quy trình làm việc, hỏi những câu liên quan tới quá trình tạo ra một sản phẩm hay phương thức tiến hành một loại hình dịch vụ. Chẳng hạn, bạn có thể giúp trẻ quan sát những công việc của một bác sỹ phẫu thuật, từ những gì quan sát được, trẻ sẽ hiểu được những yêu cầu thực sự của công việc trước khi phải mất rất nhiều năm rồi mới nhận ra công việc đó không đúng như những gì chúng nghĩ.

3. Chỉ rõ cho con bạn thấy những nghề nghiệp khó có thể quan sát được như thợ sửa chữa máy bay, giám định viên, người làm công tác xã hội, lập trình viên máy tính hay quản lý nhà hàng. Hãy giúp chúng hiểu còn có nhiều loại công việc khác nữa bên cạnh những kiểu công việc như lính cứu hoả, y tá, cảnh sát hay vận động viên, những việc trẻ thường thấy và hay lý tưởng hoá.

4. Cố gắng đừng nói những điều tiêu cực về công việc của bạn. Những phàn nàn kiểu đó thường gây ảnh hưởng rất lớn tới trẻ và hình thành trong chúng suy nghĩ không tốt về công việc này. Khi nói về công việc của mình, bạn hãy nghĩ tới những điều tích cực.

5. Luôn nuôi dưỡng giấc mơ của trẻ. Khi còn nhỏ, Chad (tức Chad Foster, người nổi danh trong việc chế tạo bề mặt sân tennis) đã từng mơ ước trở thành vận động viên tennis nhà nghề. Tuy giấc mơ đó không thành nhưng đã dẫn ông tới một sự nghiệp khác rất thành đạt. Ông đã chế tạo ra các bề mặt sân tennis an toàn và sau đó là việc trải cao su trên mặt sân của các cửa hiệu đồ ăn nhanh trong toàn nước Mỹ.

Có những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành ngôi sao thể thao nhưng chúng lại cũng có thể trở thành huấn luyện viên, nhà báo thể thao, bình luận viên thể thao. Có những đứa trẻ trở thành ngôi sao điện ảnh nhưng ngành công nghiệp của nghệ thuật thứ bảy cũng cần có các kỹ thuật viên ánh sáng, nhà viết kịch, nhà thiết kế, chuyên gia hoá trang, v.v. Hãy khuyến khích những giấc mơ của trẻ, có thể bạn sẽ ngạc nhiên về chuyện chúng sẽ dẫn trẻ tới đâu.

6. Hãy giúp trẻ nhìn ra các cơ hội trước mắt chúng. Nếu con bạn thích trượt băng, nó có thể trở thành trợ giảng hoặc làm công việc part-time tại sân băng. Hãy chỉ cho trẻ thấy có những công việc liên quan tới lĩnh vực ngành nghề chúng thích.

7. Khuyến khích trẻ có tinh thần kinh doanh. Những việc làm kiểu như trông trẻ hay cắt cỏ giúp trẻ hiểu rằng, chúng sẽ nhận được phần thưởng cho khoảng thời gian và nỗ lực đã bỏ ra. Ngay cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng có thể bắt đầu học về điều đó. Tất nhiên, không phải công việc kinh doanh nào cũng sẽ đem lại thành công lớn nhưng tất cả trở ngại có thể gặp phải sẽ là những cơ hội học hỏi quý giá với con bạn. Tại sao việc kinh doanh đó không hiệu quả? Con bạn sẽ phải làm gì khác trong lần tới? Những bài học nhỏ từ lúc 8 tuổi rất có thể sẽ được vận dụng khi chúng 28 tuổi.

8. Hãy giúp con bạn chọn nghề vì những lý do đúng đắn. Nói như vậy bởi có rất nhiều những lý do sai lầm. Tiền không thể mua được sự thoải mái lâu dài. Danh tiếng rồi sẽ qua mau. Và ngay cả việc con cái kế nghiệp cha mẹ có thể rất thú vị nhưng điều quan trọng hơn là con bạn chọn được công việc phù hợp với khả năng riêng và niềm ham thích của chúng.

Đỗ Dương – Theo Ken Canfield