“Cơm chẳng lành-Canh chẳng ngọt” vì coi nhẹ “kinh tế”: chuyện muôn thủa của hàng vạn gia đình

Đã khi nào bạn định giá hạnh phúc bao nhiêu tiền chưa?

Đã có thời gian tôi tự tin rằng “kinh tế” chỉ là thứ yếu trong cuộc sống gia đình mà thôi. Sự chủ quan đó là bài học đầu tiên tôi phải trả giá khi bước vào đời sống hôn nhân.

Vợ chồng tôi quen biết và thương yêu nhau trong suốt những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ. Những tháng ngày khó khăn về kinh tế nhưng tuyệt nhiên rất ít xảy ra va chạm, xung đột. Chính vì đã từng trải qua những cực khổ ấy, mà tôi nghĩ rằng sau này khi lấy nhau về dù có chuyện gì đi chăng nữa vợ chồng tôi cũng sẽ chẳng mấy khi phải to tiếng với nhau. Và tuyệt nhiên tôi thầm nghĩ “tiền bạc” sẽ không bao giờ trở thành vấn đề để chúng tôi phải to tiếng với nhau. Bởi sự khổ hạnh trong suốt quãng đường yêu nhau kia có lẽ đã quá đủ để tôi tin rằng, điều mà tôi thầm nghĩ kia chắc chắn là đúng.

                         Đã từng có lúc tôi tin rằng, kinh tế chỉ là thứ yếu trong hạnh phúc của một gia đình mà thôi

Những cơn sóng ngầm mang tên tài chính gia đình

Nhưng thực tế thì … sự thật phũ phàng hơn những gì tôi nghĩ.

Bức tranh về gia đình mà tôi hằng mơ ước, ấp ủ và xây dựng trong thành tường suy nghĩ (đó là một gia đình luôn biết yêu thương, gắn bó, đoàn kết với nhau, cùng nhau mà cố gắng đi qua mọi khó khăn xô bồ của cuộc sống) bỗng dưng tan thành trong mây khói bởi sự xuất hiện của “ thế lực mềm” đó là tiền bạc.

Chẳng cần phải đợi người thứ ba xen vào cuộc sống của gia đình bạn, chẳng phải vì không hiểu nhau dẫn đến việc hai người luôn khắc khẩu, cãi vã… Đơn giản, bởi chỉ cần gia đình bạn lạc nhịp về kinh tế, lạc nhịp về những nhu cầu mà một trong hai đang đòi hỏi trong khi người kia không đáp ứng được thì ngay tức khắc  gia đình bạn đang bắt đầu hình thành những cơn sóng ngầm rồi đấy.

    Những mâu thuẫn, xung đột thường xuyên xảy ra hơn mà khởi nguồn bắt đầu xoay quanh chữ ” tiền”

Bắt đầu của những đợt sóng ngầm đó chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, những đợt xung đột cãi vã, những sự va chạm không hài lòng của nhau về đối phương. Tất nhiên, những xung đột đó đều xoay vần quanh một chữ “ tiền”.

Dần dần, tần suất của những xung đột đó ngày một tăng lên, bầu không khí gia đình bỗng chốc căng thẳng và u ám hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây sau mỗi giờ tan ca là tôi sẽ sắp xếp công việc để về nhà, thì giờ đây, tôi lại phải tìm cách ở lại công ty làm thêm để kiếm thêm thu nhập, xa hơn nữa là tránh được bầu không khí vốn dĩ đã quá căng thẳng, mệt mỏi mà tôi đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.

Hạnh phúc gia đình chỉ bền lâu trên nền tảng tài chính vững chắc

Trải qua những trắc trở trong cuộc sống gia đình, những mệt mỏi theo đuổi tôi từ lúc mới lập gia đình, đến lúc này tôi phải thừa nhận, dù có yêu nhau sâu đậm đến mấy, thì hạnh phúc thực sự của một gia đình phải được xây dựng trên một nền tảng kinh tế vững chắc.

Cũng giống như trước khi xây nhà, thì việc tạo được một nền móng vững chắc là điều tối quan trọng cần thiết. Việc lập gia đình cũng vậy, dù cho cả hai có yêu thương nhau đến đâu, có hiểu nhau đến mấy, có hy sinh vì nhau đến nhường nào thì bạn vẫn cứ phải chuẩn bị cho mình một tài sản tích lũy, một số dư tài chính nhất định. Lúc đó bạn sẽ yên tâm hơn rất nhiều khi đối mặt với những áp lực của cuộc sống.

    Hạnh phúc thực sự của một gia đình là được xây dựng trên nền tảng của sự bền vững về kinh tế

Bởi vật chất quyết định ý thức, chỉ khi gia đình bạn có được một nền tảng kinh tế vững chắc thì nơi đó mới có sự xuất hiện của nhiều hơn một tiếng cười, sự thân thương và quan trọng hơn đó mới chính là “chất xúc tác” làm cho tình cảm gia đình luôn được thăng hoa.

Khi yêu nhau chẳng ai muốn nghĩ đến tiền nong, vì dường như nó không ăn nhập chút nào với… sự lãng mạn của tình yêu. Nhưng đến khi lấy nhau, người ta lại thường bị thuyết phục bởi tài năng của người bạn đời trong việc kiếm tiền. Và cũng chính vì thế mà rất nhiều bi kịch gia đình nảy sinh bắt nguồn từ… tiền.

Tiền không phải là tất cả nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó. Tôi muốn các bạn hãy là những người trưởng thành thông minh trong việc quản lý tài chính cá nhân và xuất sắc khi bước chân vào hôn nhân bằng kỹ năng quản lý tài chính gia đình.

Phạm Ngọc Anh