Bản chất của bài đi trên thủy tinh là dạy trẻ vượt qua bản thân

“Nếu phân tích kỹ, bản chất của trải nghiệm đi trên mảnh thủy tinh là để học viên vượt qua bản thân và bình tĩnh đối diện nỗi sợ hãi trước những hoàn cảnh tưởng như không thể” – độc giả Phạm Ngọc Anh, CEO của Công ty đào tạo Viet Future chia sẻ.

Những ngày gần đây trên khắp các kênh truyền thông và mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh phản ứng trái chiều trước nội dung dạy trẻ về lòng dũng cảm bằng cách đi trên mảnh thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của TS Phan Quốc Việt. Đã có một số chuyên gia đưa ra những phân tích rất kỹ về bài thực hành này, chứng minh được tính an toàn gần như tuyệt đối của nó. Tuy nhiên, đại đa số phản hồi bác bỏ cách dạy này vì lo sợ học sinh gặp nguy hiểm, giáo dục trẻ sao lại dại dột như thế.

Là người có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người, tôi cho rằng, một vấn đề nên được nhìn nhận đa chiều và trong trường hợp này những người làm giáo dục cần có sự phân tích, giải thích thấu đáo ý nghĩa của các bài học, tránh việc hiểu sai hoặc cho tác dụng ngược. Việc cung cấp, trang bị những kỹ năng sống cho các em nhỏ là hết sức cần thiết. Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng có những giáo trình, phương pháp đào tạo kỹ năng cho trẻ rất đa dạng và linh hoạt. Tôi đã tham gia các khóa học phát triển bản thân của các diễn giả nổi tiếng như Anthony Robbins và có trải qua bài học này.

di_chan_tran_tren_thuy_tinh1

Không bàn đến việc an toàn như Tâm Việt giải thích, bởi bài học đương nhiên phải an toàn mới được đem ra sử dụng. Tôi cho rằng cần hiểu rõ tính mục đích của bài học. Bản chất của trải nghiệm này là để học viên vượt qua bản thân và bình tĩnh đối diện nỗi sợ hãi trước những hoàn cảnh tưởng như không thể. Nỗi sợ hãi của con người không sai và trong cuộc sống có nhiều nỗi sợ hãi là cần thiết. Nhưng nguyên nhân của đa số nỗi sợ hãi đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết.

Nếu các học sinh kia đều biết được quy tắc vật lý là đi trên thảm có nhiều mảnh thủy tinh hoàn toàn khác so với đi trên 1-2 miếng đơn lẻ và với độ dày tối thiểu 3 cm, khi chúng dựng đứng, chịu áp suất lớn từ chân người sẽ được dàn bằng xuống và nằm ngang – thì chắc chắn nỗi sợ hãi đó sẽ chỉ là về mặt tâm lý và thị giác. Bài học sẽ không bị chê trách khi người dạy nói rõ nguồn gốc của nỗi sợ hãi, cung cấp kiến thức để học viên hiểu rằng việc vượt qua nó chỉ là rào cản tâm lý và chính mình.

Nguyên nhân khiến cộng đồng nổi sóng với bài dạy đi trên mảnh thủy tinh là người viết và dạy chưa hiểu rõ bản chất bài học. Do đó việc giải thích về tính an toàn hay chỉ vài dòng về lòng dũng cảm trên một trang giấy sách giáo khoa thực chất chưa thỏa đáng. Bởi nếu bài học về lòng dũng cảm thì phải là vì mục đích chính nghĩa, có ích chứ không phải dạy trẻ những trò làm xiếc nguy hiểm, hay để trẻ có những hành động liều lĩnh khi chưa hiểu biết về hiện tượng và sự việc.

di-tren-manh-thuy-tinh-6671-1440668007

Ở đây trong bài học này, nếu học sinh được phân tích kỹ về kiến thức thì việc đi qua mảnh thủy tinh chỉ là vấn đề vượt qua bản thân, chứ không phải vượt qua nỗi sợ trong một hành động nguy hiểm. Bản chất các nỗi sợ cũng khác nhau, nếu là nỗi sợ về việc đi trên mảnh chai đơn thuần sẽ không thể biện chứng về việc dùng cách vượt qua nỗi sợ này để áp dụng cho nỗi sợ kia. Việc vượt qua bản thân từ đó sẽ khác với một hành động liều mạng. Bản lĩnh sẽ khác với liều lĩnh.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan với người làm giáo dục. Trong rất nhiều cái mới, không thể không có những thiếu sót. Cũng như tôi, hay những thầy cô như TS Phạm Quốc Việt là những người đang rất nỗ lực để thay đổi tư duy, thái độ sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn nhỏ thông qua những phương pháp giáo dục mới, thông qua sự trải nghiệm để có sự chuyển hóa sâu sắc. Sự nỗ lực đó cần được ghi nhận, không thể vì một thiếu sót nhỏ chưa được thấu đáo để phủ nhận, và đổ hết xuống sông nỗ lực của họ. Bởi rất cần những thầy cô hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng sống để giúp các con tốt hơn, đặc biệt là thanh thiếu niên thành phố. Vì thế, thay vì ném đá, chỉ trích hãy làm điều gì đó.

Có thể cách truyền tải của Tâm Việt chưa tốt nhưng hãy giúp họ làm tốt chứ đừng ở đó chỉ trích họ. Việc thay đổi, cải cách giáo dục không phải chỉ ở mình những người làm giáo dục, nó cần được sự hành động, chung tay của cả cộng đồng, vì một Việt Nam tươi sáng và một thế hệ trẻ mới toàn diện, ưu tú hơn.

Phạm Ngọc Anh
CEO công ty đào tạo Viet Future