Câu chuyện “chiếc cặp lồng”

Không ít lần bạn bè đến chơi nhà chúng tôi đều khá ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc cặp lồng lại được “ưu ái” dành cho vị trí trên kệ trưng bày chung với những món đồ xinh đẹp khác như: Bộ sưu tập búp bê của Nga, Bình hoa thủy tinh… Và hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện nhỏ của vợ chồng chúng tôi như một sự chia sẻ nhỏ về bí quyết để duy trì hạnh phúc.

Thật ra ban đầu, tôi “trưng bày” 2 chiếc cặp lồng đó để nhắc mình khỏi quên một “nhiệm vụ cao cả”: Chuẩn bị bữa cơm trưa cho ông xã và tôi. Dù bây giờ chúng tôi không sử dụng hai chiếc cặp lồng đó nữa nhưng chúng như vật kỷ niệm nhắc nhở và minh chứng cho tình yêu chúng tôi lẫn châm ngôn sống: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”.

“Biển đông” của chúng tôi chính là một ngôi nhà cấp 4 tại TP.HCM. Đó là mục tiêu chúng tôi cùng khát khao thực hiện. Đều là dân tỉnh lên thành phố học đại học rồi ở lại làm việc, trong tình yêu sâu sắc của tôi và chồng còn có sự đồng cảm về những nỗi vất vả tại chốn thị thành. Ra trường, vì quá yêu nên anh xin cưới tôi khi cả hai đều chưa tìm được việc làm. Hai bên gia đình cho cưới nhưng luôn tặc lưỡi, nhìn chúng tôi với ánh mắt lo âu: “Rồi chúng nó ở đâu, con cái thế nào đây?”.

Bản thân chúng tôi cũng rất lo nhưng luôn tin rằng: “Hai người cùng làm thì vẫn tốt hơn một người”. Sau đám cưới nhỏ gọn, siêu tiết kiệm với một ít vốn do hai bên cha mẹ cho, chúng tôi cùng bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau: hạnh phúc, vui sướng, lo lắng… Anh tặng cho tôi bức tranh một ngôi nhà rất đẹp và bảo: “Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ có tổ ấm thực sự như thế này.”

Tôi được nhận vào làm nhân viên chứng từ cho một công ty XNK ở quận 4 còn anh dù tốt nghiệp loại ưu ngành cơ khí nhưng 4 tháng sau khi ra trường vẫn chưa tìm được việc. Mức lương mới ra trường của tôi lúc ấy chỉ đủ để trang trải chi tiêu cho tôi và anh ở mức cơ bản. Bức hình về ngôi nhà được anh dán lên tường như một mục tiêu chúng tôi cần vươn tới.

Để thuận tiện, chúng tôi dọn đến một căn phòng trọ gần công ty của tôi. Mỗi ngày, anh đều để cho tôi ngủ thêm một chút và thức dậy sớm nấu cơm cho tôi mang theo ăn trưa. Tuy anh là dân “Cơ khí” nhưng nấu ăn khá ngon. Hồi ấy, mỗi bữa trưa, tôi đều xách cặp lồng đến căn tin cơ quan ăn trong sự “ghen tị” của đồng nghiệp vì “được chồng cưng”. Dù món ăn chỉ có rau luộc, trứng luộc, canh mây hay con cá kho nhưng tôi ăn ngon lành.

Rồi anh xin được việc ở một nhà máy tận Thủ Đức. Để chúc mừng anh, tôi tặng anh món quà mà mãi sau này, anh đùa bảo: “Chưa thấy ai tặng quà độc đáo như em”. Số là tôi đã đi khắp nơi để kiếm mua cho bằng được một chiếc cặp lồng y hệt như cái tôi đang đùng. Phải đi rất nhiều cửa hàng tôi mới tìm thấy. Từ đó, thương công việc anh nặng nhọc lại đi làm xa, tôi từ bỏ thói quen ngủ dậy trễ của mình để dậy chuẩn bị cơm trưa cho cả hai. Nhưng anh cũng dậy sớm, nấu ăn cùng tôi như cách chúng tôi vẫn thường chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi ngày, 2 chiếc cặp lồng nằm bên nhau, rồi theo chúng tôi rẽ về hai hướng đến công ty. Đến tối chúng tôi lại đặt 2 chiếc cặp lồng lên chiếc bàn con con trong căn phòng trọ chật hẹp ngước nhìn lên bức hình ngôi nhà, mơ về một tổ ấm không xa.

Cứ như thế 5 năm qua đi, hai chiếc cặp lồng vẫn bên nhau chứng kiến những nỗi nhọc nhằn và sự cố gắng của chúng tôi. Anh được đề bạt lên trưởng phòng rồi có thêm phần hoa hồng hợp đồng khi giới thiệu công ty cho một người bạn ở nước ngoài hợp tác. Bước vào tuổi 28, chúng tôi đã tậu được căn nhà cấp 4 nhỏ nhưng xinh xắn và ấm áp. Anh và tôi hiện đang chuẩn bị kế hoạch chào đón thành viên mới trong gia đình. Nhìn lại chặn đường đã qua, tôi thầm cảm ơn anh và đôi cặp lồng đã cho tôi niềm hạnh phúc trong cảnh nghèo khó. Tôi luôn tin rằng chỉ cần có tình yêu thương thực sự, chia sẻ cảm thông cùng nhau, những đôi lứa yêu nhau sẽ có thể vượt qua được bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống.

 Đức Hà

MARRY